'Bắt giam bác sĩ Lương đang là cú sốc khủng khiếp với nhiều bác sĩ khác'
Câu chuyện của bác sĩ Hoàng Công Lương - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình đã bị bắt tạm giam để phục vụ điều tra do xảy ra thảm họa y khoa ở tỉnh Hoà Bình khiến 8 người tử vong khiến nhiều bác sĩ đều đồng cảm, xót xa và lấy làm tiếc cho bác sĩ Lương- chia sẻ của bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội
Bác sĩ Hoàng Công Lương bị bắt tạm giam để phục vụ điều tra.
Khi một bi kịch xảy ra, sẽ phải có ai đó chịu trách nhiệm. Sau nhiều năm thực hành y khoa gương mẫu, chiều ngày 22/6/2017, bác sĩ Hoàng Công Lương đã chính thức bước chân vào nhà tạm giam. Cái chết của 8 bệnh nhân và 10 người may mắn thoát nạn là một cú sốc khủng khiếp với cả xã hội, nó bắt bác sĩ Lương phải đối diện với pháp luật.
Là người phụ trách chuyên môn khoa Hồi sức tích cực, Đơn nguyên thận nhân tạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, bác sĩ Hoàng Công Lương đã trực tiếp kí giấy đề xuất sửa chữa bảo dưỡng định kì hệ thống nước lọc RO2 và RO mini để phục vụ tốt cho việc chạy thận nhân tạo.
Trong ngày 28/5/2017, hệ thống RO được sửa và thông báo qua điện thoại là xong hoàn chỉnh, nhưng chưa có biên bản bàn giao. Sáng 29/5, sau khi xem các điều dưỡng viên kiểm tra thấy máy chạy tốt, bác sĩ Lương đã ra y lệnh chạy thận cho 18 bệnh nhân.
Việc làm đó của bác sĩ Lương đã sai. Hệ thống RO được bảo dưỡng xong nhưng chưa có biên bản nghiệm thu, chưa có biên bản bàn giao và thanh lí hợp đồng, nên việc bác sĩ Lương ra y lệnh thực hiện chạy thận cho người bệnh là quá nguy hiểm.
Công an đã làm đúng chức năng khi thực hiện lệnh bắt khẩn cấp bác sĩ Lương với tội danh “vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác.” – Điều 242 Bộ luật hình sự.
Án tù đã hiện rõ trước mắt bác sĩ Lương. Cuộc đời của anh sẽ chẳng bao giờ có thể lấy lại được những ngày tháng sống trong trại giam. Cá nhân anh sẽ bị tổn thương, gia đình anh sẽ vô cùng đau đớn, cả ngành y sẽ phải hứng chịu mất mát.
Sau khi ra tù, danh tiếng của bác sĩ Lương sẽ bị tổn hại, sự nghiệp bị tiêu tan, nó ảnh hưởng đến kế sinh nhai và không biết đến bao giờ trái tim anh mới có thể vận hành trở lại.
Với kinh nghiệm nhiều năm thực hành công tác khám chữa bệnh, tôi cho rằng tất cả các bác sĩ đều “giết người”, nhưng họ lại không bị truy tố. Chỉ đến khi xảy ra thảm họa, thì bắt buộc người ta phải tìm ra một ai đó chịu trách nhiệm về nó.
Tôi nhẩm tính mỗi ngày, một bác sĩ trung bình sẽ đưa ra khoảng 100 y lệnh hay quyết định với người bệnh. Mỗi năm làm việc khoảng 240 ngày, bác sĩ sẽ đưa ra khoảng 24.000 quyết định.
Không một bác sĩ nào là hoàn hảo, trong khi các tình huống y tế lại luôn phức tạp và tiềm ẩn những rủi ro. Giả sử bác sĩ có khả năng đúng 99%, thì mỗi năm vẫn xảy ra khoảng 240 sai sót, trong số đó sẽ có những quyết định tác động rất xấu đến người bệnh, thậm chí có thể gây nên cái chết như 18 y lệnh chạy thận nhân tạo của bác sĩ Lương.
Về bản chất, nếu bác sĩ biết rõ ràng nguy cơ tử vong mà lại không quan tâm, thì trước cái chết của bệnh nhân bác sĩ sẽ là kẻ phạm tội.
Nhưng nếu trong 240 quyết định và hành động sai sót mỗi năm, bác sĩ vô ý gây ra cái chết, thì đâu là ngưỡng pháp lí để đưa ra phán xử phạm tội hay không phạm tội?
Tôi nhận thấy trong những năm gần đây, mỗi khi sự cố y khoa xảy ra, xã hội sẽ cáo buộc nguyên nhân do bác sĩ, thậm chí họ phải bị truy tố. Điều này phản ánh “văn hóa đổ lỗi” đang trở thành xu hướng xã hội, mà ở đó người ta tin rằng mỗi khi y tế xảy ra sự cố, sẽ phải có ai đó chịu trách nhiệm.
Bác sĩ Lương mắc lỗi, anh sẽ bị pháp luật trừng trị, cuộc sống của anh sẽ mất, vợ con anh sẽ bị bỏ rơi. Nhưng có một ý nghĩa sâu xa hơn thế, đó là thực trạng xã hội và pháp luật dường nhưng đang có một hố sâu khoảng cách nhận thức với nghề y.
Bởi vậy mà việc khởi tố bác sĩ Lương đang là cú sốc khủng khiếp với tất cả các bác sĩ khác. Họ sẽ cảm thấy không chỉ áp lực, mà còn có sự bất công. Những thử thách không tốt lên môi trường chăm sức khỏe đã tạo tâm lí căng thẳng, nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc của bác sĩ.
Môi trường y khoa có nét đặc trưng rất riêng. Càng những sự cố nghiêm trọng thì trách nhiệm cá nhân lại không nhiều, nhưng trách nhiệm hệ thống thì không hề nhỏ.
Một mình bác sĩ Lương không thể biến cả lĩnh vực thận nhân tạo bị lộn ngược. Nhưng rõ ràng hệ thống quản lí chất lượng và an toàn người bệnh ở nước ta đang có vấn đề, mà cái chết của 8 bệnh nhân cùng 10 người may mắn thoát nạn là minh chứng rõ nhất cho một lĩnh vực cực kì quan trọng nhưng lại đang bị xem thường.
Khi lỗi thuộc về hệ thống, thì pháp luật dù có gia tăng đến đâu chăng nữa những chế tài hình sự đối với cá nhân, thì những sai sót cũng không thể giảm. Bác sĩ càng hoạt động chuyên môn nhiều thì càng xảy ra nhiều sai sót. Chỉ có bác sĩ không làm chuyên môn, thì sai sót với người bệnh cụ thể mới không xảy ra.
Theo tôi, cách tốt nhất để giảm thiểu những sai sót ở mỗi cá nhân, là ngành y tế phải bắt tay xây dựng thật bài bản hệ thống quản lí chất lượng và an toàn người bệnh. Cùng với đó, y tế phải tạo nên môi trường cởi mở, để bác sĩ dám nhận trách nhiệm và rút ra bài học từ những sai sót do chính mình gây ra.
Trong thảm họa y tế với 8 bệnh nhân chết và 10 người may mắn thoát nạn, theo tôi, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hòa Bình cần thiết xem xét lại lệnh bắt tạm giam bác sĩ Hoàng Công Lương.
Công an điều tra, viện kiểm sát và tòa án, phải rất cẩn thận và tỉ mỉ khi phân tích hành vi phạm tội của bác sĩ; bởi nếu không cẩn thận thì chính tư pháp sẽ mắc phải những sai lầm.