Xem xét lại vai trò tổ chức V-League của VPF?
V-League do VPF tổ chức ngày càng nhiều sự cố, nhưng lại ít khán giả. Mà nếu VPF đang điều hành giải đấu thiếu hiệu quả, thì chuyện cần một ban quản lý khác cho giải đấu này, thậm chí cần một đơn vị khác thay thế VPF tổ chức V-League có lẽ cũng không thừa.
Sự cố trên sân Thống Nhất tối 19/2, diễn ra trước mắt nhiều quan chức cao cấp nhất của VPF (ảnh: Anh Hải).
Hình ảnh và vai trò của VPF ở mùa giải năm nay nói riêng, cũng như trong mấy mùa bóng gần đây nói chung được thể hiện rất rõ nét trong qua sự cố trên sân Thống Nhất tối 19/2, liên quan đến đội Long An và trọng tài Nguyễn Trọng Thư.
Hôm đấy, cả ông chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng lẫn ông trưởng BTC giải V-League Nguyễn Minh Ngọc ngồi im như tượng trên khán đài sân Thống Nhất, bất chấp sự cố xảy ra ngay bên dưới sân.
Có thể như bầu Thắng giải thích, rằng ông trong vai trò quản trị, không có chức năng điều tiết và giải quyết các sự cố, nhưng với riêng ông trưởng giải Nguyễn Minh Ngọc, với tư cách người điều hành trực tiếp giải vô địch quốc gia, nhưng ông Ngọc không có bất cứ động thái nào để chấn chỉnh những “mồi lửa” xung quanh sự cố vừa nêu.
Hình ảnh của VPF hiện nay tương tự như hình ảnh mà người ta thấy nơi các quan chức hàng đầu của tổ chức này trong sự cố trên sân Thống Nhất tối 19/2: Có cũng được mà không có... cũng vậy (ảnh: Anh Hải).
Ông Ngọc không hề có động thái nhắc nhở trọng tài khi xuất hiện những tiếng còi gây tranh cãi có hệ thống, hoặc không một lời nhắc nhở, hoặc kiềm chế bên vi phạm, khi xuất hiện những dấu hiệu cho thấy nguy cơ vỡ trận bắt đầu xảy ra. Ông trưởng giải chỉ ngồi đó, lặng lẽ và bất lực như biết bao khán giả bình thường khác, dù dĩ nhiên, vai trò và chức năng không hề bình thường.
Hình ảnh của ông Nguyễn Minh Ngọc nói riêng, của ban quản lý VPF, tức ban quản lý giải V-League nói chung y hệt hình ảnh của chính các vị này ở sự cố trên sân Thống Nhất tối 19/2: Có sự hiện diện của họ cũng được, không có sự hiện diện của họ có khi cũng… vẫn vậy!
VPF gần như không thể hiện được vai trò trong công tác trọng tài lẫn kỷ luật, những công tác được đánh giá là quyết định sự sống còn của V-League. Vai trò đấy, thuộc về VFF.
VPF càng không thể hiện được vai trò trong việc nâng chất lượng giải đấu, hầu như bất lực trong việc số lượng khán giả ngày càng giảm ở sân chơi về lý thuyết là số 1 của bóng đá Việt Nam, về lý thuyết phải là nền tảng phát triển của toàn bộ nền bóng đá.
Vài năm trở lại đây, lượng khán giả của V-League sút giảm nghiêm trọng, trong khi số lượng khán giả, tức số lượng người mua “sản phẩm” V-League của VPF hàng tuần chính là thước đo khách quan nhất, đánh giá chất lượng của giải vô địch quốc gia.
Nhiều đội bóng và nhiều trận đấu giờ không thu hút nổi 1.000 người/trận, đặc biệt là các trận đấu trên sân nhà của các đội như CLB Hà Nội hay Sài Gòn FC. Nhiều sân bóng vốn là “chảo lửa”, như sân Vinh, sân Nha Trang giờ nguội lạnh đáng lo ngại, kể từ khi VPF nắm quyền điều hành V-League.
Công việc rình rang nhất mà VPF tổ chức hàng năm lại là các chuyến thăm quan, học tập kinh nghiệm làm bóng đá chuyên nghiệp từ Đông sang Tây, từ Nhật Bản, Hàn Quốc sang tận châu Âu: Cực kỳ rầm rộ và cực kỳ tốn kém.
Chỉ có điều, cứ sau mỗi đợt VPF tổ chức đoàn đi thăm quan học hỏi các nền bóng đá trên khắp thế giới, số lượng người xem giải V-League của chính VPF lại giảm, giảm và giảm!