Sững sờ về việc bắt giam BS Lương - Nhiều bác sĩ chia sẻ
"Tôi cảm thấy sững sờ về việc bắt giam BS Lương vì anh chỉ là người trực tiếp vận hành chạy máy thận nhân tạo sau khi đã qua các công đoạn an toàn kỹ thuật thuộc trách nhiệm các nhóm kỹ thuật khác..."- một bác sĩ chia sẻ.
Câu chuyện của bác sĩ Hoàng Công Lương - BVĐK tỉnh Hoà Bình đã bị bắt tạm giam để phục vụ điều tra do có liên quan đến sự cố y khoa ở tỉnh Hoà Bình làm 8 người tử vong đã khiến nhiều bác sĩ xót xa. Việc đúng hay sai còn phải chờ kết luận của cơ quan điều tra. Tuy nhiên, Nhiều ý kiến của các chuyên gia, bác sĩ cho rằng, khi chưa có kết quả điều tra mà đã bắt tạm giam BS. Lương là không cần thiết.
Đại biểu Quốc hội, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Phó Chủ nhiệm bộ môn Tim mạch, Trường Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Trung tâm tim mạch BV Đại học Y Hà Nội: Từ hôm khởi tố và tạm giam 3 người trong vụ việc chết người tại BVĐK tỉnh Hoà Bình, tôi không ngừng nghĩ đến đôi mắt của Lương. Trên phương diện là người đồng nghiệp tất nhiên tất cả chúng tôi đều rất thương BS Lương.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu.
Ở đây, tôi muốn đề cập đến trách nhiệm người đứng đầu có liên quan trực tiếp đến thảm hoạ này, một trong số đó chính là chủ công ty Thiên Sơn, một công ty tham gia vào lĩnh vực y tế không chỉ một thời gian ngắn mà đã có bề dày hoạt động rất nhiều năm. Liệu ông hoặc các ông nghĩ gì khi "bán" trách nhiệm của mình cho công ty Trâm Anh một công ty không đủ khả năng trong việc vận hành máy móc do chính công ty ông lắp đặt. Hay chăng chính các ông cũng không đủ năng lực để vận hành hệ thống này, hay chính Thiên Sơn chỉ là công ty kinh doanh đứng giữa ăn "hoa hồng". Nếu vậy thì ngoài trách nhiệm với lương tâm chắc chắn các ông phải chịu trách nhiệm trước pháp luật…
Bên cạnh đó, là những người đứng đầu các cơ quan tố tụng hình sự, mong các vị hiểu được sự khác biệt giữa môi trường y tế và các vụ án hình sự khác. Tất cả các bác sĩ chúng tôi luôn mong muốn bệnh nhân được chữa bệnh thành công, muốn công việc hàng ngày được thuận lợi nhưng trước áp lực của hàng trăm quyết định trong mỗi ngày làm việc, chúng tôi sẽ có những sai số. Những sai số ấy trong ngành chúng tôi dù rất nhỏ nhưng sẽ gây ra các hậu quả nghiêm trọng thậm chí không gì bù đắp nổi. Rất mong các vị sẽ là các quan toà công minh với mục đích cuối cùng là tìm ra khe hở của hệ thống để không bao giờ thảm hoạ Hoà Bình lần thứ 2 lại xảy ra trong lịch sử y học Việt Nam.
Tôi nghĩ, rất cần cơ quan chủ quản bình tĩnh rà soát lại văn bản, cách thức quản lý, vận hành các thiết bị vật tư tiêu hao ngành y tế. Cần phải chú trọng đào tạo về kiểm tra an toàn và chất lượng sản phẩm QA/QC (Quality assessment/ Quality Control), phải coi đây là tiêu chí để cấp phép cho các bệnh viện, phòng khám, các phương pháp điều trị mới... được triển khai hoạt động.
BS Võ Xuân Sơn: Tôi không biết quy định cụ thể về vấn đề bảo trì, bảo dưỡng hệ thống chạy thận nhân tạo như thế nào, nhưng qua những gì báo chí đăng tải, BS Lương đã cho chạy thận khi chưa có văn bản bàn giao. Chính vì lỗi này mà BS Lương bị truy tố. Như vậy, nếu BS Lương chờ có văn bản bàn giao rồi mới cho chạy thận nhân tạo, thì thảm họa có xảy ra không? Vẫn xảy ra, vì BS Lương đâu có thể nào biết được nguồn nước đó không bảo đảm chất lượng! Mọi chuyện sẽ vẫn như vậy, chỉ có khác một chút, là BS Lương sẽ được coi là làm đúng quy định, và không bị rơi vào vòng lao lý.
BS Võ Xuân Sơn.
Tôi không biết quy trình của BV có quy định cụ thể là BS Lương phải nhận được văn bản bàn giao mới được cho chạy thận hay không. Nếu không có quy định cụ thể nào về việc BS Lương phải có văn bản bàn giao mới được chạy thận, thì khó có thể truy cứu trách nhiệm của BS Lương về tội “vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”…
Có ý kiến cho rằng, nếu BS Lương không cho chạy thận, sẽ có thể bị cho là làm khó cho người bệnh. Hoặc nếu phải chờ xét nghiệm nguồn nước mất mấy tuần, thì bệnh nhân làm sao chờ để được lọc thận. Sự việc lần này cho thấy, cần phải tôn trọng mọi quy định về an toàn. Bởi vì, khi phá vỡ các quy tắc an toàn, thì khả năng cao là thảm họa sẽ xảy ra. Và khi thảm họa xảy ra, thì ngoài chuyện bệnh nhân bị thiệt thòi, bản thân chúng ta cũng sẽ bị vướng vào vòng lao lý…
PGS.TS Nguyễn Văn Bàng, Nguyên Phó trưởng Khoa Nhi, BV Bạch Mai: Đúng là Bộ Y tế đã có quy trình quy phạm khá đầy đủ trong quá trình thực hiện chuyên môn ngành y. Nhưng chúng ta hãy nhìn vào bản chất sự việc để xem tai nạn thương tâm và hi hữu tại Đơn vị Thận nhân tạo BVĐK tỉnh Hòa Bình khởi nguồn từ đâu và trách nhiệm thực sự thuộc về ai?
Việc công ty Thiên Sơn thuê công ty Trâm Anh bảo trì máy móc đơn vị TNT BV tỉnh Hoà Bình có được ghi trong hợp đồng của BGĐ BV này với công ty Thiên Sơn không? Tại sao Thiên Sơn ký hợp đồng nhưng lại thuê Trâm Anh? Thiên Sơn không còn đủ năng lực, hay chưa từng đủ năng lực, hay có biến động nhân lực hay nội bộ, không bảo đảm được việc thực thi hợp đồng nữa?
Việc Trâm Anh chứ không phải Thiên Sơn đảm nhiệm việc bảo trì lần này, Ban lãnh đạo BVĐK tỉnh Hoà Bình có biết không? Nếu biết thì ai là người đồng ý cho thay thế hay thuê mướn công việc chuyên biệt này? Công ty Trâm Anh có tư cách pháp nhân gì trong vụ bảo trì lần này? Nếu có, ai là người xác định năng lực chuyên môn "kẻ đóng thế" này? Ai thay mặt ban lãnh đạo BVĐK Hoà Bình đồng ý cho công ty Trâm Anh (là công ty có năng lực chuyên môn thế nào? Ai kiểm định?) làm viêc trên trong khi hợp đồng là ký với công ty Thiên Sơn (tức công ty Thiên Sơn là chủ thể bên B nên chắc chắn là đã kiếm định năng lực)?...
Tôi cảm thấy sững sờ về việc bắt giam BS Lương vì anh chỉ là người trực tiếp vận hành chạy máy thận nhân tạo sau khi đã qua các công đoạn an toàn kỹ thuật thuộc trách nhiệm các nhóm kỹ thuật khác.
BS Ngô Đức Hùng.
BS Ngô Đức Hùng, A9 Bạch Mai: Nước RO lọc ra có tinh khiết hay không phụ thuộc hoàn toàn vào bên bảo trì và bảo dưỡng, bằng cảm quan chẳng ai biết được. Chỉ biết khi bảo dưỡng xong, bên thứ 3 và cơ quan quản lý bảo được là được. Vậy nên trong vụ việc Hoà Bình vừa rồi, bác sĩ nào ở vị trí tua trực lọc máu hôm đó cũng sẽ không tránh được rủi ro ấy. Ngay cả tôi hoặc các chuyên gia, nếu ở vị trí đó cũng vậy thôi.
Khởi tố và điều tra là điều cần thiết, nhưng với tôi là người làm nghề, đã từng tham gia xây dựng hệ thống thận nhân tạo ở tuyến cơ sở, tôi thấy đau lòng vì bác sĩ phải chịu trách nhiệm với những thứ họ không biết và không thể biết…