Giám đốc Sở đưa tiền cho nhà báo Duy Phong có bị truy tố hình sự?
Công an tỉnh Yên Bái xác định, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư của tỉnh này đã đưa cho phóng viên Duy Phong 200 triệu đồng để “mua” sự im lặng. Dư luận băn khoăn, hành vi này của ông Giám đốc sẽ bị xử lý như thế nào?
Trung tướng Đỗ Kim Tuyến thông tin tại buổi họp báo Bộ Công an sáng 28/6.
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công an ngày 28/6, Trung tướng Đỗ Kim Tuyến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) - đã thông tin một số chi tiết mới trong vụ việc Công an thành phố Yên Bái (tỉnh Yên Bái) bắt giữ nhà báo Duy Phong, Trưởng ban Bạn đọc (báo điện tử Giáo dục Việt Nam) ngày 22/6.
Đáng chú ý, theo Trung tướng Tuyến, báo cáo của Công an tỉnh Yên Bái gửi Bộ Công an có nêu, ngày 16/6, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Yên Bái Vũ Xuân Sáng đã chuyển cho nhà báo Duy Phong 200 triệu đồng để “mua” sự im lặng trước những sai phạm.
Ngày 22/6, khi bị bắt giữ, nhà báo Duy Phong cũng đã thừa nhận việc nhận tiền ngày 16/6 từ Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Yên Bái.
Nói về trách nhiệm của Giám đốc Sở KH-ĐT Yên Bái Vũ Xuân Sáng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát cho rằng, vụ án đang trong quá trình điều tra, chi tiết trên vẫn đang được làm rõ. Cơ quan điều tra đang xác minh hành vi của ông Sáng, nếu có đủ căn cứ sẽ xử lý.
Trước những thông tin mới vừa được Bộ Công an công bố, luật sư Tạ Anh Tuấn - Trưởng Văn phòng luật sư Bách Gia luật và Liên danh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) - cho rằng, cơ quan điều tra cần thiết phải làm rõ Giám đốc Sở KH-ĐT Yên Bái có khai báo cơ quan công an về việc đưa tiền cho nhà báo Phong trước khi thực hiện hành vi đưa tiền không.
“Hành vi đưa và nhận tiền trong vụ việc này có dấu hiệu của tội đưa hối lộ và tội nhận hối lộ. Đối với ông Vũ Xuân Sáng, nếu chủ động khai báo với cơ quan chức năng trước khi đưa tiền, ông Sáng sẽ được miễn trách nhiệm hình sự theo Khoản 6 Điều 289 Bộ luật Hình sự. Ngược lại, nếu không khai báo hoặc khai báo sau khi đưa tiền (tức là khi tội phạm đã hoàn thành), ông Sáng sẽ không được miễn trách nhiệm hình sự.” - luật sư Tuấn phân tích.
Cũng theo luật sư Tuấn, nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi đưa hối lộ, Giám đốc Sở KH-ĐT Yên Bái sẽ đối diện với mức án tù từ 13-20 năm theo Khoản 3 Điều 289 Bộ luật Hình sự (Của hối lộ có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng).
Nhận định thêm về việc nhà báo Duy Phong bị Cơ quan CSĐT - Công an TP Yên Bái khởi tố về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo Điều 280 Bộ luật Hình sự, luật sư Tuấn cho rằng, việc khởi tố theo tội danh trên chưa có đủ căn cứ.
“Về dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội danh này, chủ thể phải là người có chức vụ, quyền hạn, thuộc nhóm tội phạm tham nhũng được quy định trong Bộ luật Hình sự. Mặc dù nhà báo Duy Phong là Trưởng ban Bạn đọc báo Giáo dục Việt Nam nhưng ông Phong không được coi là người có chức vụ, quyền hạn vì báo Giáo dục Việt Nam là tổ chức xã hội nghề nghiệp, là đơn vị có thu, hoạt động theo Luật Báo chí, không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.” - Trưởng VPLS Bách Gia luật và Liên danh nêu quan điểm.
Điều 289. Tội đưa hối lộ ... 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười ba năm đến hai mươi năm: a) Của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác. ... 6. Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. |