Thi tuyển lãnh đạo - kỳ vọng tạo đột phá - Bài 1: 'Xé rào' để chọn người tài

Nguyên Khánh 29/06/2017 08:05

Khá nhiều địa phương “xé rào” trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm người tài thông qua thi tuyển. Điều đáng nói, người trúng tuyển thông qua thi tuyển không chỉ đáp ứng yêu cầu vị trí được tuyển dụng mà còn tạo bước đột phá trong công tác bổ nhiệm cán bộ, tránh tình trạng quy hoạch khép kín như trước.

Ảnh minh họa.

Tín hiệu khả quan

Theo thống kê của Bộ Nội vụ, đến nay trong cả nước có nhiều bộ, ngành và địa phương thí điểm thi tuyển lãnh đạo cán bộ cấp vụ, sở, phòng như: Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông Vận tải, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng... Việc thi tuyển mặc dù đang ở giai đoạn thí điểm nhưng đã mang lại kết quả khả quan, từng bước nâng cao chất lượng cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan nhà nước.

Quảng Ninh là tỉnh được nhắc nhiều về hiệu quả của việc thi tuyển cạnh tranh để lọc được người tài cho nền công vụ. Qua thi tuyển, đã có nhiều cán bộ tuổi đời còn rất trẻ, kinh nghiệm công tác còn thua so với đàn anh đàn chị nhưng họ đã trúng tuyển.

Năm 32 tuổi, Nguyễn Thùy Yên được bổ nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Ninh thông qua thi tuyển. Chia sẻ về thời điểm mình quyết định thi tuyển chi Yên nói: “Tôi lo lắng vì tuổi mình còn quá trẻ so với 5 ứng viên còn lại.

Hơn nữa, khi đấy tôi chỉ là phó phòng, trong khi các anh chị cùng thi đều là trưởng phòng, liệu mình có địch lại các đối thủ nặng ký không”?

Thế nhưng với thâm niên 8 năm làm công tác tại sở và kinh nghiệm từng thuyết trình trên bục giảng và làm phiên dịch tiếng Anh nhiều năm, chị đã tự tin giành số điểm cao nhất (84,7/100).

Sau chị Yên, tỉnh Quảng Ninh có Phó Giám đốc Sở NNPTNT, Phó Giám đốc Đài PT-TH tỉnh cũng đều thuộc thế hệ 8x và trúng tuyển qua hình thức thi tuyển công khai.

Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh, các thí sinh trúng tuyển thông qua thi tuyển đều hoàn thành tốt nhiệm vụ ở cương vị lãnh đạo, quản lý cấp sở của mình.

Những cán bộ lãnh đạo mới nhận nhiệm vụ đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ và có triển vọng phát triển.

Trên cương vị mới nhiều đồng chí đã phát hiện được những yếu kém, bất cập trong lĩnh vực công tác, từ đó sớm tham mưu, đề ra các giải pháp để thực hiện.

Cùng với Quảng Ninh, thời gian qua, Hải Phòng đã mạnh dạn thực hiện thí điểm thi tuyển cán bộ đứng đầu một số đơn vị.

Hải Phòng đã công bố Quyết định của Chủ tịch UBND thành phố về việc bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường ĐH Hải Phòng đối với PGS TS Phạm Văn Cương thông qua thi tuyển. Đây cũng là trường đại học đầu tiên của cả nước bổ nhiệm hiệu trưởng thông qua hình thức thi tuyển chức danh và là lần đầu tiên Hải Phòng tổ chức việc thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo một đơn vị thuộc diện Thành ủy quản lý.

Từ thành công bước đầu của cuộc thi tuyển này, Hải Phòng tiếp tục tổ chức thi tuyển chức danh Hiệu trưởng đối với Trường THPT Trần Nguyên Hãn và nhiều cơ quan thuộc TP Hải Phòng.

Thực tế cho thấy, việc thi tuyển một số chức danh lãnh đạo, quản lý tại các bộ, ngành địa phương thời gian qua dù chỉ rải rác song đã có kết quả tích cực, tạo ra một cách làm mới trong lựa chọn lãnh đạo so với cách làm truyền thống và quan trọng hơn là được dư luận đồng tình, ủng hộ.

Những mặt được của thi tuyển lãnh đạo là: mở rộng được đối tượng tham gia, người trong quy hoạch, người ngoài quy hoạch, công chức trẻ, có số năm làm việc ít cũng có thể tham gia thi, quy trình, thủ tục rõ ràng hơn, hạn chế được chuyện tiêu cực, nhất là chuyện chạy chức, chạy quyền.

Những vướng mắc cần tháo gỡ

Dù đã đạt được một số kết quả nhưng quá trình thi tuyển cán bộ lãnh đạo vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ. Nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính Đinh Duy Hòa cho biết, việc triển khai thi tuyển ở các bộ, ngành, địa phương thời gian qua cho thấy nhiều cái vướng.

Điểm vướng đầu tiên chính là đụng chạm đến vấn đề quy hoạch cán bộ lãnh đạo. Quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý đã được thực hiện bài bản từ rất lâu, có thể chế rõ ràng. Không có thi tuyển thì khi có nhu cầu chỉ cần lấy người trong quy hoạch ra xem xét là xong ngay.

Nay có thi tuyển, người ngoài quy hoạch cũng có thể tham gia, thế là người trong quy hoạch dài cổ chờ 5 năm, 10 năm, nay bị “lính nhảy dù” đến thi thố tranh ngôi. Vướng mắc này xem ra không hề nhẹ, thậm chí bị đụng chạm gay gắt.

Thứ hai là làm ở phạm vi nào? Nếu có thể chế nhưng lại quy định tùy bộ, tỉnh xem xét quyết định áp dụng dẫn tới sẽ có bộ, tỉnh làm, nhưng cũng có bộ, tỉnh không làm. Mà trong một bộ, tỉnh chỉ thi lãnh đạo vụ, cục, sở này, vụ, cục, sở kia thì không. Thế nên nơi làm nơi không cũng tạo ra sự “gồ ghề” so bì hơn thiệt.

Điểm nữa là vấn đề tiêu chuẩn. Thi tuyển lãnh đạo buộc phải xem xét lại các tiêu chuẩn đã được ban hành về công chức lãnh đạo. Qua thi, sẽ có được công chức trẻ, có năng lực với trọng trách lãnh đạo song lại đụng ngay tiêu chuẩn.

Chẳng hạn, tiêu chuẩn vụ trưởng, giám đốc sở cơ bản phải là chuyên viên chính, có lý luận chính trị cao cấp, có quản lý nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp, 5 năm công tác trong ngành, trong đó có ít nhất 3 năm làm công tác quản lý về lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành được giao.

Tiêu chuẩn phó vụ trưởng, phó giám đốc sở phải là chuyên viên bậc 6, có lý luận chính trị trung cấp, có quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính.

Chính vì thế, sau khi thi tuyển, những nơi áp dụng đã gỡ vướng bằng cách cho nợ tiêu chuẩn, nếu công chức thi đỗ, được bổ nhiệm lãnh đạo thì phải… trả nợ sau. Từ những vướng mắc trên rất cần một đề án mang tính thống nhất để chọn được người tài cho nền công vụ.

Nguyên Khánh