Băn khoăn sau thi trắc nghiệm môn Toán

Lam Nhi 29/06/2017 07:35

Kỳ thi THPT quốc gia 2017 đã diễn ra suôn sẻ, mặc dù thời điểm trước thi cũng rất nhiều băn khoăn về vấn đề các môn tổ hợp, về hình thức thi trắc nghiệm môn Toán lần đầu tiên được áp dụng.

Kỳ thi THPT 2017.

Điểm số rồi sẽ được công bố, thí sinh chỉ việc chờ xem có sát với kết quả bài làm thực tế của mình hay không, vì ngoại trừ môn Văn thi theo hình thức tự luận, tất cả các môn khác đều thi theo hình thức trắc nghiệm, thí sinh có thể ghi lại được câu trả lời của mình ra giấy nháp và so sánh với đáp án chính thức Bộ GD&ĐT công bố.

Tuy nhiên, đối với những thầy cô giáo giảng dạy môn Toán và những người quan tâm đến giáo dục phổ thông, vấn đề đặt ra là thay đổi hình thức thi, việc dạy và học môn Toán trong trường học tiếp theo sẽ phải ra sao.

Đành rằng chúng ta vẫn nói phải quan tâm đến bản chất dạy học chứ không phải quan tâm bản chất thi cử, nhưng với tâm lý thi cử vẫn còn nặng nề như hiện nay, liệu có thể dạy mà không vì mục đích thi cử đạt điểm cao hay không?

Trao đổi với GS.TSKH Phùng Hồ Hải, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Toán học Việt Nam về vấn đề này, ông cho biết mình cũng như Hội Toán học Việt Nam vẫn giữ nguyên những kiến nghị đối với Bộ GD&ĐT về vấn đề thi trắc nghiệm môn Toán với đặc thù hiện nay của Việt Nam, chưa có khả năng phân loại cao.

Việc sử dụng kết quả này để tuyển sinh vào đại học, cao đẳng là một điều đáng lo ngại, có nhiều khả năng gây mất công bằng cho thí sinh.

Trước câu hỏi về đề thi năm nay, GS Hải cho rằng cá nhân ông không thực sự quan tâm đến một đề thi Toán trắc nghiệm cụ thể và không có ý định mổ xẻ, phân tích đề thi.

Những kiến nghị của Hội Toán học Việt Nam là hướng đến một mục tiêu lâu dài hơn trong việc dạy và học môn Toán, cụ thể, thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan tránh được yếu tố chủ quan của người chấm, nhưng lại có nhiều hạn chế trong việc đánh giá tư duy và năng lực tổng hợp, phân tích, sáng tạo của thí sinh.

Theo ý kiến của nhiều thí sinh, với thời gian làm bài 90 phút cho 50 câu hỏi, mặc dù đã được sắp xếp theo mức độ từ dễ đến khó nhưng nhìn chung vẫn quá sức tính toán của nhiều em.

Nhất là những em có lực học trung bình thì việc khoanh bừa đáp án là có thật. Vì vậy, phổ điểm chủ yếu được dự đoán là từ 5-7 điểm.

Tuy nhiên, ngay cả với những học sinh được điểm khá giỏi, nhiều ý kiến cho rằng cũng không thể khẳng định đây là học sinh khá, giỏi môn Toán thực sự.

Vì có những câu hỏi, theo ý kiến của một giáo viên dạy Toán ở Hà Nội, thí sinh không cần biết gì về kiến thức toán học vẫn có thể giải được miễn là thành thạo kỹ năng sử dụng máy tính bỏ túi. Tức là thí sinh không cần hiểu bản chất của môn Toán vẫn làm được!

Ở khoảng 10 câu khó cuối đề thi, trong thời lượng ngắn một vài phút đồng hồ, để tìm ra đáp án chính xác mà không phải là “đoán bừa, may thì trúng” là chuyện không đơn giản vì một số giáo viên dạy toán cũng phải thừa nhận mất khá nhiều thời gian mới giải được, chẳng hạn như câu hỏi 49 của mã đề 101.

Và dù Bộ đã công bố đáp án nhưng không đưa ra lời giải cụ thể nên nếu giáo viên và học sinh muốn biết vì sao lại thế thì không còn cách nào khác là tiếp tục giải đề.

Tính phân loại trong đề toán là có. Nhưng vì thời gian gấp rút, nhiều học sinh không đủ thời gian tính toán nên chọn đáp án theo kiểu may rủi. Vì vậy, dự đoán sẽ ít có điểm liệt nhưng cơn mưa điểm 10 cũng khó có thể xảy ra được nhiều người đồng tình.

Phổ điểm sắp tới sẽ được công bố. Nhưng nói như một chuyên gia thì đó mới chỉ là phần mở đầu. Câu chuyện dạy và học môn Toán như thế nào có lẽ cần được xem xét một cách thấu đáo hơn để vẫn phù hợp với xu thế thi trắc nghiệm hiện nay (như nhiều ý kiến nhận định) nhưng không mất đi bản chất tốt đẹp của việc dạy học môn Toán ở bậc phổ thông.

Đó là hướng cho học sinh những kỹ năng quan trọng như tư duy, đặt vấn đề và giải quyết vấn đề, không đơn giản là thủ thuật tính toán, mẹo giải bài tập. Làm sao để các em chọn câu trả lời vì hiểu chứ không phải vì học mẹo, học vẹt.

Lam Nhi