Gỡ khó cho các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân
Cho phép thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT tại các cơ sở KCB y tế tư nhân là một trong những chính sách “mở”, song nhưng có không ít cơ sở KCB lợi dụng cơ chế này để rút ruột quỹ BHYT.
Ảnh minh họa.
Đó là một trong những vấn đề được đề cập thẳng thắn tại cuộc Đối thoại chính sách, pháp luật về BHYT và ký Quy chế phối hợp giữa BHXH Việt Nam và Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam ngày 28/6.
Mặc dù số lượng cơ sở KCB ít hơn nhiều so với cơ sở KCB công lập, song thanh toán chi phí KCB BHYT của các cơ sở KCB y tế tư nhân tăng nhiều so với các cơ sở KCB công lập.
Về chi phí khám chữa bệnh BHYT tại các cơ sở KCB tư nhân, ông Vũ Xuân Bằng, Phó Trưởng ban chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết, năm 2016 tổng số lượt KCB BHYT là 16.604.138 lượt so với năm 2015 tăng 255% tổng số tiền chi phí KCB BHYT, thanh toán gần 7 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 233% so với chi phí 2015. Đặc biệt, chỉ trong Quý I-2017 số lượt KCB lên tới hơn 4 triệu lượt, chi phí KCB BHYT gần 1.600 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, chi bình quân một đợt KCB ngoại trú gần 400 nghìn đồng, chi bình quân một đợt điều trị nội trú hơn 3,5 triệu đồng/lượt. Trong khi đó, chi phí bình quân cả nước ngoại trú là 200 nghìn đồng/lượt và chi phí bình quân nội trú hơn 2, 7 triệu đồng/lượt.
Đánh giá về việc KCB tại các cơ sở y tế tư nhân, ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám BHXH Việt Nam cho rằng, sự ra đời của các cơ sở KCB y tế tư nhân đã tạo ra sự cạnh tranh, từ đó giúp người dân được có được nhiều sự lựa chọn hơn trong chăm sóc sức khỏe. Song nhiều cơ sở KCB y tế tư nhân đã có hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.
“Nhiều cơ sở KCB tư nhân không đủ bác sĩ làm việc cơ hữu tại cơ sở KCB (dưới 50% trong tổng số bác sĩ đăng ký hành nghề KCB tại cơ sở KCB đó).
Thậm chí nhiều cơ sở KCB tư nhân thiếu nhân lực về xét nghiệm hoặc X quang hoặc Dược làm việc trong giờ hành chính, do đó không đảm bảo việc KCB và cấp thuốc cho người bệnh BHYT trong giờ hành chính” - ông Phạm Lương Sơn nói.
Tuy nhiên, nhiều đại diện cơ sở KCB y tế tư nhân cho rằng, con số trên chưa khách quan. Đại diện Bệnh viện Tân Sơn Nhất TP. Hồ Chí Minh thẳng thắn nói: “Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, chi phí bình quân một lượt khám ngoại trú của Bệnh viện Tân Sơn Nhất – TP Hồ Chí Minh thuộc loại cao gần 3,7 triệu đồng, trong khi đó con số thực tế không phải vậy”.
Cũng theo vị này, dù KCB công hay tư cũng đều làm đúng chức năng của mình là chăm sóc sức khỏe cho người dân nhưng thực tế các cơ sở KCB tư nhân chịu rất nhiều thiệt thòi.
Nếu như các cơ sở KCB công được cấp vốn để đầu tư, trong khi đó cơ sở KCB tư nhân phải tự bỏ tiền đầu tư. Đây chính là lý do chứ không phải các cơ sở KCB tư nhân xin xuống hạng để thanh toán BHYT.
Tại cuộc đối thoại, ý kiến nhiều cơ sở KCB y tế tư nhân cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, mặc dù họ đã phải vay tiền ngân hàng để ứng thanh toán chi phí KCB cho bệnh nhân BHYT năm 2016 nhưng đến năm 2017 cơ quan BHXH mới thanh toán cho các cơ sở KCB y tế tư nhân. Việc chậm trễ này đã đẩy các cơ sở KCB y tế tư nhân vốn gặp khó về nguồn kinh phí càng thêm khó hơn.
Trước ý kiến cho rằng cơ quan BHXH có biểu hiện chiếm dụng tiền BHYT, chậm trễ trong thanh toán kinh phí, Phó Tổng giám đốc BHXH Nguyễn Minh Thảo phân tích: Trong năm 2016 nhiều cơ sở KCB y tế tư nhân có mức chi vượt so với chỉ tiêu, do đó khi chưa xác định được chính xác các khoản chi thì cơ quan BHXH chỉ chi tạm ứng, chỉ khi nào xong mới quyết toán.