Ông Ba Quý bỏ tiền túi làm đường cho dân đi
Suốt 6 năm nay, ông Ba Quý đã vận động người dân đóng góp và tự mình bỏ hơn 300 triệu đồng tiền túi để mở rộng và bê tông hóa gần 20 km đường giao thông nông thôn tại địa phương.
Ông Quý đi trên con đường do mình bỏ tiền và vận động người dân xây dựng.
Ba Quý mở đường
“Ba Quý mở đường à? Nhờ chú Ba mà mấy năm nay người dân thôn Thạch An có đường sá rộng rãi, sạch đẹp để đi lại”, một người phụ nữ hồ hởi chỉ đường đến nhà ông Võ Văn Quý, Trưởng thôn Thạch An (xã Bình Mỹ, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi).
Nắng tháng 6 gay gắt, căn nhà trưởng thôn Ba Quý nằm khuất sâu trong con đường bê tông dẫn vào xóm 1, thôn Thạch An. Căn nhà nhỏ, mảnh sân nhỏ, chiếc giường nhỏ đến khiêm nhường. Nếu có gì đó lớn lao chắc không phải là những tấm bằng khen về những đóng góp của ông Ba Quý trong việc xây dựng đường giao thông.
“Hồi năm 2009 trở về trước, cả xóm chỉ có vài con đường nhỏ rộng chừng 1- 2 m khiến việc đi lại, chở nông sản của bà con nông dân khó khăn vô cùng. Nắng thì bụi, mưa thì lầy lội, khổ lắm”, ông Quý mở đầu câu chuyện.
Từ năm 2011, khi còn làm Xóm trưởng xóm Thị Tứ (thôn Thạch An), mỗi ngày chứng kiến cảnh đường sá nhỏ hẹp, chiếc xe cọc cạch chở lúa, ngô đi chẳng vừa. Mỗi mùa thu hoạch, người dân phải cho nông sản vào bao rồi vác bộ từ ngoài đồng về nhà. Những ngày mưa, con đường trở nên sình lầy, những bước chân người nông dân thêm nặng nhọc.
Nhìn cảnh bà con khổ cực, ông Ba Quý nảy ra ý định mở rộng con đường để xe cơ giới có thể đi được, giúp bà con nông dân bớt khổ. Nghĩ là làm, ông Ba Quý vận động người dân hiến đất mở rộng đường. “Tôi nói bà con cứ hiến đất, còn lại tiền thuê máy ủi, máy đào cứ để tôi lo hết. Bà con yên tâm, sẽ có ngay đường lớn để đi”, ông Ba Quý kể.
Thế rồi, ông Ba Quý tự bỏ 68 triệu đồng thuê máy móc mở rộng con đường lên 6 m, rồi đưa xe ủi vào làm bằng thoáng. Mặt đường cũng được nâng cao hơn và được đặt cống bi chịu lực để đảm bảo kết cấu đường, chống ngập úng.
Đến năm 2013, trong lần bầu Trưởng thôn Thạch An, 100% người dân đồng thuận đề cử ông Ba Quý. Kể từ đó, ông Ba Quý liên tục vận động người dân hiến đất, rồi bỏ tiền túi mở thêm đường. Năm 2016, lúc xã Bình Mỹ phát động nông thôn mới, ông Ba Quý lại kêu gọi người dân đóng góp để bê tông hóa tuyến đường này.
Qua 300 ngày công, cùng chi phí 450 triệu đồng do người dân đóng góp, con đường bê tông dài 500 m được hoàn thành. Lúc đó, ông Ba Quý cũng bỏ ra 15 triệu đồng đóng góp cùng người dân.
Tại khu dân cư xóm 4 (thôn Thạch An), ông Ba Quý cũng bỏ ra 35 triệu đồng thuê máy móc mở 2 con đường đất dài 800 m cho người dân thuận tiện ra đồng. Sau đó, ông Ba Quý lại kêu gọi người dân cùng mình đóng góp 100 triệu đồng bê tông hóa tuyến đường dài 400m, rộng 3m ở xóm Thị Tứ.
Cứ thế, suốt 6 năm nay, ông Ba Quý đã vận động người dân đóng góp và tự mình bỏ hơn 300 triệu đồng tiền túi để mở rộng và bê tông hóa gần 20 km đường giao thông nông thôn tại địa phương. Ông Ba Quý cũng bỏ tiền túi 22 triệu để tặng xóm Thị Tứ làm cổng chào.
Hành động tự nguyện hi sinh vì việc chung của ông Ba Quý lan tỏa đến cộng đồng dân cư. Mỗi khi ông Ba Quý vận động mở đường, người dân hăng hái đồng thuận. Người góp công, người góp của. Đến người khó tính nhất như anh Phạm Văn Tuấn (40 tuổi, thôn Thạch An) không bao giờ cho ai động vào đất của mình, trước sự động viên của ông Ba Quý cũng tự nguyện hiến đất mở đường. Bản thân ông Ba Quý cũng bỏ ra 2 sào đất vườn để mở con đường đất băng ngang qua rẫy keo của mình cho bà con ra đồng thuận tiện hơn.
Ông Ba Quý là thương binh hạng 3/4.
Chất lính, tấm lòng rộng mở
17 tuổi, ông Ba Quý tòng quân, tham gia lực lượng du kích tại địa phương. Đầu năm 1973, trong một lần phục kích chống địch lấn chiếm đồn Lan (xã Bình Mỹ), ông Ba Quý bị lựu đạn nổ với 15 vết thương ở bụng, ngực, cánh tay bị mảnh lựu đạn cắt đứt cả gân. Khi đồng đội đưa đến trạm Y tế, ai cũng nghĩ ông Ba Quý sẽ chết.
Vạch lớp áo lao động cũ kỹ, ông Ba Quý chỉ tay vào các vết thương chi chít còn in đậm dấu ấn của chiến tranh trên người và nói: “Hồi mới xuất ngũ, mỗi lần trái gió trở trời, vết thương đau nhức không chịu được. Mấy năm nay đỡ rồi, còn chút sức nào cứ làm việc giúp bà con đã”.
Sau 3 tháng dưỡng thương, ông Ba Quý tiếp tục cầm súng chiến đấu đến năm 1975 mới xuất ngũ, trở về đi học tại trường Văn hóa bổ túc huyện Bình Sơn. Sau đó, lên học trường văn hóa tỉnh Nghĩa Bình đến năm 1980. Học xong, ông Ba Quý vào lái xe cơ giới tại Trạm Cơ khí nông nghiệp tỉnh Nghĩa Bình. Đến năm 1984, ông về nhà trồng rừng.
Ông Ba Quý không lập gia đình, mà ở vậy chăm sóc mẹ già là thương binh đã 85 tuổi. Bản thân ông Quý cũng là thương binh hạng 3/4.
Không chỉ đóng góp trong xây dựng đường giao thông nông thôn, khi thấy những tuyến kênh, mương ở địa phương bị mưa lớn làm sạt lở, vùi lấp gây ngập úng làm hư hại lúa, hoa màu của người dân, ông Ba Quý ngỏ ý với bà con rồi tự bỏ tiền thuê máy đào về nạo vét, đắp lại mương nước kiên cố. Đến nay, không chỉ hệ thống kênh, mương ở xóm 2 Tây (thôn Thạch An) được gia cố và mở rộng lên 2 m mà hầu khắp các tuyến kênh, mương ở thôn Thạch An đều in đậm dấu ấn của ông Ba Quý.
Chị Trần Thị Dung (36 tuổi, thôn Thạch An) chỉ tay ra con đường bê tông chạy qua trước nhà nói: “Con đường này rộng rãi, sạch sẽ như vậy là nhờ chú Ba đó. Cả thôn ai cũng quý chú Ba hết. Mấy năm nay, ngày nào chú Ba cũng rong ruổi trong thôn, hết mở đường rồi làm kênh, mương, giúp đỡ người này người nọ. Nhờ chú Ba mà bà con ở đây không vất vả vác nông sản về nhà nữa, giờ xe cơ giới tới tận nơi, thuận tiện lắm”.
Ông Ba Quý còn là kênh thông tin giải quyết khiếu nại của thôn. Ông Ba Quý như “đường dây nóng” phản ánh thông tin ở xã Bình Mỹ. Gần như già trẻ, lớn bé ai cũng có số điện thoại của ông. Hễ có tranh chấp từ lấn bờ rào, đất đai, cho đến mấy vụ thanh niên đánh nhau, ông Ba Quý đều đứng ra giải quyết ổn thỏa.
Nói về ông Ba Quý, ông Nguyễn Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Bình Mỹ cho biết, kể sao cho hết những đóng góp của chú Ba cho địa phương. Nhờ có những đóng góp tích cực của ông Ba Quý mà bộ mặt giao thông nông thôn tại địa phương có những thay đổi rất tích cực. Ông Ba Quý là tấm gương sáng trong xây dựng quê hương, cần được nhân rộng.