'Mật' & 'Không Mật'
Ai cũng biết bất cứ quốc gia nào trên thế giới đều có đạo luật hoặc các quy định cụ thể về bảo vệ bí mật nhà nước, nhất là đối với các tài liệu liên quan đến an ninh chính trị, ngoại giao, quốc phòng của mỗi nước. Ngoài ba lĩnh vực được bảo mật nói trên, nhiều nước còn quy định một số lĩnh vực bảo mật khác, như bảo mật kinh tế, phát minh, sáng chế khoa học, kỹ thuật…
Không ít nước còn có quy định quyền của công dân bảo vệ bí mật riêng tư, báo chí không được tự ý đưa chuyện đời tư của một ai đó ra công khai khi chưa được chính người đó cho phép. Đi cùng với các quy định về bảo mật thông tin, các nước đều có quy định về giải mật thông tin. Thường 20, 30 hay 50, 70 năm…, tuỳ theo cấp độ bảo mật của thông tin mà có quy định giải mật. Vì thế hầu như không có thông tin nào được giữ bí mật tuyệt đối, đến mức “sống để bụng, chết mang đi” cả!
Ở Việt Nam bảo mật thông tin đã được thể chế hoá bằng nhiều văn bản quy định pháp luật. Ta chưa có Luật riêng về bảo vệ bí mật nhà nước, nhưng từ lâu đã có Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành.
Có thể nói, bảo vệ bí mật quốc gia không chỉ là công việc của các cơ quan giữ gìn và bảo quản các tài liệu bí mật nhà nước và còn là nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi công dân của bất kỳ quốc gia nào, trong đó có những nhà văn, nhà báo - những người hoạt động trong lĩnh vực được coi là tự do nhất! Trong bài viết này tôi không có ý định và cũng không có đủ thông tin để nhận xét, đánh giá kết quả đã đạt được trong việc thực hiện Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước, nhất là việc thực hiện Pháp lệnh này trong hoạt động báo chí, xuất bản mà chỉ xin nêu một vài ý kiến trong nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này.
1. Nhiều lĩnh vực giờ đây là không còn “Mật” nữa
Cách đây hơn 20 năm, lần đầu tiên các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ trước Quốc hội được truyền hình trực tiếp. Trong một lần trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về vay nợ và trả nợ nước ngoài, Bộ trưởng Tài chính lúc đó là ông Nguyễn Sinh Hùng đã báo cáo trước Quốc hội số tiền ta vay của nước ngoài tính đến thời điểm đó là bao nhiêu, của những nước nào và hàng năm đã trả được nợ đến đâu?...Đây là những số liệu được xếp vào độ Tuyệt mật, nhưng đã được phát đi rộng rãi trên truyền hình.
Rồi nữa, cách đây hơn 10 năm, trong lúc thị trường ngoại tệ biến động, tỷ giá chuyển đổi ngoại tệ lên xuống thất thường, có những đồn đoán tạo ra tâm lý lo lắng về khả năng dự trữ ngoại tệ của nhà nước và khả năng nhà nước giữ được bình ổn tỷ giá chuyển đổi ngoại tệ trên thị trường trong nước thì Thủ tướng Chính phủ đã cho công bố công khai về dự trữ ngoại tệ của nước ta trên báo chí. Việc công bố này đã làm hạ nhiệt cơn sốt thu gom ngoại tệ và làm cho những đồn đoán không chính xác về nguồn dự trữ ngoại tệ và khả năng ứng phó trước tình hình biến động về tỷ giá hối đoái lắng xuống. Như vậy, dự trữ ngoại tệ quốc gia đã không còn là con số được giữ bí mật tuyệt đối như trước.
2. Thực tiễn đang đặt ra yêu cầu cần xem xét để kịp thời sửa đổi danh mục bí mật nhà nước cho phù hợp với sự phát triển của xã hội.
Các bộ, ngành, địa phương đều đã ban hành danh mục bí mật nhà nước của bộ, ngành, địa phương mình. Một số danh mục này đã được công bố, nhưng nhiều danh mục chưa được công bố, thậm chí có những Quyết định về danh mục bí mật lại được đóng dấu mật và chỉ lưu hành nội bộ. Vì thế báo chí và người dân không biết và không thể thực hiện đúng theo các quy định. Khi còn làm việc ở Văn phòng Chính phủ, tôi đã từng tranh luận với một vị Đại tá của Bộ Công an được biệt phái lên đây làm nhiệm vụ tham mưu cho lãnh đạo trong lĩnh vực bảo vệ bí mật nhà nước về việc nên hay không nên công bố danh mục bí mật cho mọi người biết, thực hiện.
Theo quan điểm của vị Đại tá này, danh mục bí mật của một số bộ, ngành cũng phải được giữ bí mật. Vì thế không ít Quyết định ban hành danh mục bí mật nhà nước đã được đóng dấu mật, không phổ biến. Song tôi nghĩ, những Quyết định về danh mục bí mật cần phải được công bố cho mọi người biết, thực hiện, cũng như biển cấm xe đi ngược chiều phải được đặt ngay đầu con đường mà người lái xe nào cũng nhìn thấy để tuân theo. Ngay cả những điều cần giữ bí mật như trang bị vũ khí, khí tài cho quân đội hoặc công an thì bí mật ở đây là loại vũ khí, khí tài nào, số lượng trang bị cho mỗi đơn vị tác chiến là bao nhiêu, chứ không phải là bản thân mấy chữ thuộc danh mục vũ khí, khí tài cần phải giữ bí mật.
Vì thế đã từng xảy ra trường hợp cách đây gần 20 năm một số tờ báo đưa tin về những “lình xình” trong hoạt động của ngành dầu khí, đưa ra một số số liệu và hoạt động của ngành này, và việc mua máy bay chuyên cơ của ngành hàng không, cả hai đều được coi là làm lộ bí mật nhà nước. Cơ quan điều tra đã vào cuộc nhưng cuối cùng không thể đưa ra xét xử trước toà án vì nhiều lý do, trong đó có một lý do chính đáng: Các Tổng Biên tập một số tờ báo này không hề được biết đến các quy định về danh mục bí mật của hai ngành nói trên vì các danh mục này cũng được giữ bí mật, không công bố công khai. Vì thế rất khó có thể quy trách nhiệm làm lộ bí mật quốc gia cho các Tổng Biên tập và các tờ báo đó. Chẳng khác nào khi đường không có biển cấm thì không thể tuỳ tiện phạt xe ô tô đi vào với lý do “vi phạm luật giao thông đường bộ” được.
3. Nhà nước cần có quy định rất cụ thể về việc giải mật thông tin, không để tình trạng nhiều thông tin không còn bí mật vẫn không được giải mật như tình trạng khá phổ biến hiện nay.
Như trên đã viết, bất cứ nước nào cũng có các quy định về bảo mật thông tin và việc giải mật. Tuỳ theo cấp độ giữ bí mật thông tin mà có nước quy định thời gian giải mật thông tin dài hay ngắn; có thông tin sau 30 năm, có thông tin sau 50 năm, thậm chí có thông tin sau 70 năm sẽ được giải mật. Pháp lệnh về bảo vệ bí mật nhà nước cũng có quy định về giải mật thông tin, song không có quy định cụ thể về thời gian giải mật. Pháp lệnh và Nghị định thi hành Pháp lệnh tuy có quy định thẩm quyền của người ban hành danh mục bí mật và việc giải mật song việc ban hành danh mục thì đã có, còn việc giải mật thì chưa làm được bao nhiêu. Trên thực tế, nhiều năm qua một số thông tin không còn tính chất bí mật như trước nhưng chưa có văn bản giải mật, khiến cho các cơ quan thông tin báo chí cũng rất lúng túng khi muốn phản ánh những thông tin này.
4. Cuộc sống dang đòi hỏi phải giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa việc giữ bí mật nhà nước và việc mở rộng thông tin báo chí hiện nay, không để tình trạng vì muốn giữ bí mật mà hạn chế hoạt động của thông tin báo chí và ngược lại, muốn được tự do thông tin mà vi phạm các quy định về việc bảo vệ bí mật nhà nước và quyền giữ bí mật đời tư của công dân.
Vụ việc Wikileaks công bố một loạt tài liệu bí mật của Chính phủ và Quân đội Mỹ trước đây đã đặt ra câu hỏi không chỉ đối với riêng nước Mỹ mà còn đối với nhiều người là làm thế nào để vừa bảo vệ được bí mật quốc gia đồng thời vẫn mở rộng được phạm vi hoạt động của các cơ quan thông tin báo chí, không để điều này làm ảnh hưởng tới điều kia và ngược lại? Đến như nước Mỹ được mệnh danh là “thế giới tự do”, báo chí được “thả cửa thông tin” mà, theo như thông tin từ chính báo chí nước ngoài, thì “Các thượng nghị sỹ Mỹ đã thông qua một dự luật nhằm trừng phạt Julian Assange và trang mạng WikiLeaks, theo đó quy định việc công bố danh tính nguồn tin của lực lượng quân đội và tình báo Mỹ là phạm luật”. Qua đó đủ biết việc giữ gìn và bảo vệ bí mật nhà nước là việc mà không một quốc gia nào không làm và công dân mỗi nước không thể không thực hiện. Song, không thể lấy cớ vì bảo vệ bí mật nhà nước mà hạn chế hoạt động của các nhà báo, hạn chế thông tin trên báo chí.
Đã qua rồi thời kỳ mọi thông tin trên báo chí đều được kiểm soát gắt gao như trong những năm chiến tranh. Nước ta hiện đang trong tiến trình tham gia hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, tham gia “cuộc chơi chung toàn cầu”, thông tin báo chí ngày càng mở rộng. Hơn nữa thời đại hiện nay được coi là thời đại bùng nổ thông tin, theo số liệu mới nhất, trên 36 triệu người dân Việt Nam có facebook cá nhân nên không thể lấy tư duy và cách quản lý cũ để hạn chế thông tin như trước đối với hoạt động của các cơ quan thông tin đại chúng. Đồng thời cũng không thể tự do thông tin theo kiểu "có gì đưa nấy” bất chấp lợi hại đối với lợi ích quốc gia và xâm phạm đời tư công dân.
Đến nay vấn đề “mật” hay “không mật” vẫn còn có tính thời sự trong đời sống xã hội, không chỉ đối với nhiều nước, đặc biệt là đối với nước ta đòi hỏi cách suy nghĩ và cách tiếp cận mới, kể cả từ hai phía, phía các cơ quan bảo vệ bí mật nhà nước và phía các cơ quan thông tin, báo chí.