Mike Tyson cắn Evander Holyfield: Không chỉ mất một vành tai
20 năm sau sự kiện tai tiếng, sức hút của quyền anh dường như cũng đã đi theo... cái vành tai của Holyfield.
Khoảnh khắc lịch sử đối với không chỉ Mike Tyson, Evander Holyfield mà còn với quyền anh thế giới.
Trận đấu "cắn tai", xin tạm gọi như vậy, là một trong những trận quyền Anh được nhắc đến nhiều nhất lịch sử. Nó diễn ra vào tháng 6/1997 tại đại hý viện MGM, là trận đấu đắt giá nhất thời đại tính đến thời điểm đó. Muốn hiểu rõ tư thế của Mike Thép trước khi bước vào trận đấu này, xin dời quý vị về trước đó hai năm, tức năm 1995, thời điểm anh vừa ra tù.
Sau khi thụ án ba năm tù vì hiếp dâm thí sinh của cuộc thi hoa hậu da màu Desiree Washington, Tyson được thả tự do, dù anh... không hề mong muốn. Tyson đang tận hưởng cuộc sống trong tù với những bạn bè mới, với sự ung dung mà anh chưa từng có trong những năm tháng đỉnh cao điên rồ trước đó. Ở trong tù, anh đối thoại nhiều hơn, với bạn tù, với những người khách vào thăm và quan trọng hơn, với chính bản thân mình. Trong thời gian ở tù, anh đã cải sang đạo Hồi.
Vậy mà đùng một cái, anh được tự do. Những bạn bè xấu trở lại, cơn lũ tiền tài danh vọng lại ập đến với chàng trai khốn khổ, đang học dở dang bài học trưởng thành thì bị lôi ra khỏi lớp học. Và vốn là một con người mê tiền, mê gái và nghiện ma túy, Tyson tiếp tục để cho cuộc đời đưa đẩy. Anh lại thượng đài, và mỗi trận đấu bây giờ mang về cho Tyson vài chục triệu đôla, vào thời điểm mà kỷ lục chuyển nhượng của bóng đá thế giới còn chưa đến 10 triệu đôla. Nói cho đơn giản thì tổng thu nhập cả đời cầu thủ của Diego Maradona gộp lại không bằng hai lần thượng đài của Mike Thép. Thời Maradona lên đỉnh cao thế giới, Tyson đã có dấu hiệu... xuống xuống. Nhưng "Cậu bé vàng" của bóng đá Argentina chẳng là gì về mặt danh tiếng, khi đặt lên bàn cân với Tyson.
Tháng 8/1995, Tyson đánh trận đầu tiên sau khi ra tù với Peter McNeely. Don King đủ khôn ngoan để xếp cho Tyson vài đối thủ hạng xoàng nhằm giúp con gà đẻ trứng vàng của ông lấy lại sự tự tin. Peter McNeely chỉ trụ được vài hiệp thì HLV vẫy cờ trắng xin bỏ cuộc. Đấy là trận đấu trở lại của Tyson sau ba năm, được trực tiếp đến hơn 90 quốc gia có số lượng người xem kỷ lục. Vậy mà Peter McNeely bỏ cuộc một cách dễ dàng.
Hội đồng thể thao bang Neveda quyết định không trả tiền hoa hồng cho đội của McNeely, nhưng người quản lý của McNeely lại là một thiên tài về makerting. Ông ký liền cho võ sĩ của mình một loạt hợp đồng quảng cáo. Trong đó, có đoạn quảng cáo trị giá 110.000 đôla cho Pizza Hut, nơi Peter McNeely bị đánh gục bởi... một miếng vỏ bánh pizza. Kể ra chuyện này để thấy: chỉ cần bị Tyson cho ăn đòn thôi cũng hái ra tiền.
Chính Don King cũng cảm thấy xấu hổ vì lỡ chọn đối thủ yếu quá. Thế nên trận tiếp theo, tay bầu lọc lõi quyết định sẽ cho phát trên kênh truyền hình miễn phí, gọi là... khuyến mãi. Buster Mathis Jr. là đối thủ được chọn. Kèo cho Tyson thắng trận này là 1/25 (tức đặt 25, chỉ ăn được 1). Trận đánh diễn ra đúng... như kèo, Tyson dễ dàng nốc ao đối thủ.
Đánh thêm một trận nữa với Frank Bruno, Mike chính thức giành lại đai vô địch WBC. Chưa có ai giành lại đai vô địch quyền Anh hạng nặng sau ba năm nghỉ thi đấu. Muhammad Ali là tiền lệ duy nhất, nhưng Ali không phải... ở tù, và huyền thoại này vẫn tập luyện không ngừng trong những năm ấy. Còn Tyson, ba năm trong tù anh gần như không tập. Đến khi ra tù, Tyson vẫn rất lười, chỉ đánh chiếu lệ rồi chuồn đi nhậu.
Mike Tyson ở thời điểm đỉnh cao, và ngay cả khi đã ngồi tù 3 năm, cũng hầu như không có đối thủ.
Chức vô địch WBC càng khiến Tyson chểnh mảng. Sinh nhật lần thứ 30, Tyson tổ chức một trong những bữa tiệc xa xỉ nhất mà nước Mỹ từng chứng kiến. Anh đài thọ toàn bộ vé máy bay, tiền ăn ở cho khách mời, thuê 13 đầu bếp thượng hạng, mỗi người phụ trách một khu bếp khác nhau. Khách mời từ thượng vàng hạ cám, Oprah Winfrey, Donald Trump, Jay Z cho đến bọn ma cô vô danh. Khách đến tiệc đi trên thảm đỏ, qua một hành lang có sự canh phòng của 40 vệ sĩ Hồi giáo trang bị vũ khí tận răng. Tyson còn chừa riêng ra 19 phòng ngủ, để có thể làm tình với bất kỳ cô nàng nào anh gặp trong đêm ấy.
Nhậu nhẹt tan nát như thế, Tyson vẫn dễ dàng lấy lại đai vô địch WBA từ tay của Bruce Seldon. Lần này, trận đấu chỉ kéo dài chưa đầy... hai phút, trước khi Bruce gục xuống sau khi ăn một cú đấm vào đầu.
Và trận đánh tiếp theo vào tháng 11/1996, trận đánh bảo vệ đai WBA trước Evander Holyfield, là một định mệnh!
Tyson ngửi thấy mùi bất ổn từ trước khi thượng đài. Trong khi anh thiên về lối đánh hung bạo, thì Holyfield lại chơi phòng ngự và không thiếu những tiểu xảo - chính là khắc tinh của Tyson. Nếu trận đánh diễn ra trước khi Tyson vào tù, Holyfield chắc chắn khó có cửa. Nhưng bây giờ Tyson đã ngoài 30, thể lực đã xuống, động lực khác xưa và đang chìm đắm trong sa đọa. Tyson không muốn thượng đài, nhưng vì Don King ham tiền dồn ép, anh đành nhận lời.
Và trận đánh ấy kết thúc sau 11 hiệp, Tyson thường xuyên bị Holyfield cụng đầu, máu chảy rất nhiều và anh đấu như một kẻ đi lạc. Thất bại ấy như thức tỉnh Tyson, và anh lập tức yêu cầu một trận tái đấu.
Nhà tổ chức ấn định trận đấu định mệnh vào tháng 6/1997, đại hý viện MGM, trận đấu đắt giá nhất qua mọi thời đại, được trực tiếp trên nhiều quốc gia nhất, được giới thiệu là "nơi Mike Thép đòi lại những gì đã mất". Và rồi, trận đấu ấy kết thúc chỉ sau ba hiệp.
Vẫn là Mike với lối đánh rực lửa, bên kia vẫn là Holyfield phòng ngự và tiểu xảo. Cứ sau một cú đánh của Mike, Holyfield lựa thế húc đầu, làm như một pha va chạm vô tình. Một cú húc như thế khiến mí mắt Tyson rách ra, chảy máu, Tyson hét lên với trọng tài Mills Lane: "Nó húc vào đầu tôi".
Mills Lane không phân xử gì. Và Holyfield tiếp tục "bổn cũ soạn lại". Tyson cắn một cái vào vai Holyfield, bị Mills Lane trừ hai điểm và cảnh cáo. Cảm thấy mình bị đối xử bất công, Tyson quyết định kết thúc trận đấu theo cách của mình. Sau này, anh khẳng định mình đã có ý định cạp đứt tai Holyfield từ trước khi vào hiệp 3. Thế nên sau khi phun miếng tai của Holyfield lên sàn, Mike còn chỉ vào đó như thể: "Thịt của mày, tao trả lại cho mày". Sau này, đội của Holyfield có... nhặt miếng thịt tai ấy lên để bác sĩ khâu lại, nhưng đã quá muộn.
Vành tai bị cắn của Holyfield.
Trở lại với thời điểm ấy, sau khi cạp tai, Tyson thấy chưa hả giận mà còn muốn chạy theo đá cho Holyfield thêm một cú, nhưng lúc này sàn đấu đã tràn ngập người, Tyson còn tính đập luôn một cảnh sát cố ngăn anh tiếp cận Holyfield. Và kết thúc trận đấu ấy, người ta chỉ thấy Holyfield mất đi một mẩu tai, mà không để ý thấy mắt của Mike bị một vết rách dài 7,62 centimet.
Người Mỹ có câu: "once bitten, twice shy" (một lần bị cắn, hai lần quê), nhưng với Holyfield thì câu này không đúng. Với một vết cắn, Holyfield tuy mất tí... thịt, nhưng đã có đai vô địch WBC, và kiếm được 35 triệu đôla chỉ sau 9 phút. Còn Tyson bị cấm thi đấu 18 tháng và phạt 3 triệu đôla.
Án cấm này đã chính thức đóng đinh vào chiếc hòm vùi chôn sự nghiệp của Tyson. Sau đó Tyson trở lại và dễ dàng bị Lennox Lewis đánh bại. Anh dính thêm một án tù vì hành hung, anh bị bệnh thần kinh do dùng ma túy quá liều và phá sản hoàn toàn. Tyson đã phải đi xuống tận đáy của nhục nhã trước khi tìm lại ánh sáng của cuộc sống thông qua người vợ Monica.
Mike Tyson và Monica - người cứu rỗi cuộc đời hoang dại của anh. Hiện tại anh sống với người vợ thứ ba Kiki.
Còn quyền Anh hạng nặng, sau thời Tyson cũng hoàn toàn thay đổi. Người ta không còn thấy những trận đấu chớp nhoáng, những cú đánh hung bạo như muốn ăn tươi nuốt sống đối thủ của Mike Thép nữa. Các đối thủ vờn nhau và thiên về toan tính. Trận đánh ồn ào nhất thế giới quyền Anh, trong suốt 20 năm từ ngày Mike Tyson xuống hố, là giữa Floyd Mayweather và Manny Pacquiao, một trận đánh ở giải hạng trung.
Cái đêm ở hí viện MGM ấy, không chỉ có sự nghiệp của Tyson rơi theo vành tai của Holyfield, mà cả lịch sử quyền Anh cũng hoàn toàn thay đổi. Và hai mươi năm rồi, người ta vẫn nhớ nhung Mike Thép, dù biết đó là một trong những gã đàn ông xấu xa nhất hành tinh!