Bảo hiểm y tế toàn dân, chung tay vì sức khỏe cộng đồng
Tối 30/6, nhân dịp kỷ niệm Ngày Bảo hiểm y tế (BHYT) Việt Nam 1-7, BHXH Việt Nam và Bộ Y tế phối hợp tổ chức Chương trình “Bảo hiểm y tế toàn dân - Chung tay vì sức khỏe cộng đồng".
Tới dự Chương trình có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến....
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu và chỉ đạo Chương trình.
Theo Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh, chương trình “BHYT toàn dân - Chung tay vì sức khỏe cộng đồng” là sự kiện truyền thông có ý nghĩa quan trọng để tuyên truyền sâu, rộng nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò trụ cột của BHYT trong hệ thống an sinh xã hội quốc gia; khẳng định sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, hướng tới mục tiêu đến năm 2020 có trên 90% người dân tham gia BHYT.
Đây cũng là dịp để ngành BHXH và ngành Y tế báo cáo với Đảng, Chính phủ và nhân dân những kết quả đạt được trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân những năm qua, đồng thời khẳng định trách nhiệm của mình trong việc tổ chức thực hiện tốt hơn nữa chính sách, pháp luật về BHYT, cũng như nỗ lực hướng tới thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân.
Đồng thời, thông qua Chương trình, kêu gọi sự quan tâm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là của các doanh nghiệp chung tay đóng góp, hỗ trợ phần kinh phí còn lại (30% mệnh giá thẻ BHYT chưa được Nhà nước hỗ trợ) để mua thẻ BHYT cho người dân thuộc hộ cận nghèo, giúp họ được chăm sóc sức khỏe theo chế độ BHYT, phòng tránh được bẫy nghèo y tế do ốm đau, bệnh tật.
Phát biểu tại Chương trình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hoan nghênh, đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đạt được của các cấp, các ngành, nhất là những người làm công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân và bảo hiểm xã hội trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế thời gian qua.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bảo hiểm y tế là một chính sách xã hội đặc biệt quan trọng mang tính nhân văn sâu sắc. Nó vừa là một trụ cột cơ bản của chính sách tài chính y tế quốc gia vừa là một trụ cột trong tổng thể chính sách an sinh xã hội với bản chất của một phương thức chia sẻ, tương trợ lẫn nhau trong xã hội tiến bộ, giúp người dân khắc phục những rủi ro bệnh tật và giảm gánh nặng về chi phí khám, chữa bệnh.
Chính vì vậy chủ trương khuyến khích, tạo điều kiện để mọi người dân tham gia và tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân được thể hiện nhất quán trong nhiều Nghị quyết của Đảng và từng bước được thể chế hóa, tập trung chỉ đạo thực hiện và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Hệ thống chính sách, pháp luật về BHYT ngày càng được hoàn thiện, đặc biệt là Luật Bảo hiểm y tế được thông qua năm 2008, tạo khuôn khổ pháp lý tương đối đầy đủ, đồng bộ cho việc thực hiện. Năng lực và tổ chức bộ máy về bảo hiểm y tế ngày càng phát triển; sự phối hợp của các cơ quan ở Trung ương và địa phương có chuyển biến tích cực; nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về BHYT không ngừng được nâng lên. Nhờ đó, số người tham gia BHYT tăng nhanh từ 5,6% dân số năm 1993 lên 63,7% vào năm 2011 và đến nay đã đạt trên 82%. Người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi và nhiều đối tượng đặc thù khác đã được Nhà nước hỗ trợ trong việc tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế.
Bảo hiểm y tế toàn dân - Chung tay vì sức khỏe cộng đồng" là Chương trình nhằm nâng cao nhận thức xã hội về BHYT.
Mặc dù vậy theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức.
Nhận thức về vai trò của bảo hiểm y tế nhiều nơi còn chưa đầy đủ; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của nhiều cấp ủy, chính quyền còn thiếu quyết liệt. Hiệu quả công tác truyền thông về BHYT còn chưa cao, không ít cán bộ và người dân chưa thấy hết quyền lợi và trách nhiệm tham gia.
Một số đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện chưa nghiêm chính sách BHYT cho người lao động. Thái độ phục vụ của một bộ phận cán bộ y tế và thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán chi phí bằng BHYT còn gây phiền hà, bức xúc cho người bệnh.
Sự phối hợp liên ngành trong công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách BHYT chưa tốt; tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT chưa được khắc phục gây bức xúc dư luận.
Từ những hạn chế trên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện một số nội dung chủ yếu sau: Một là tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật về BHYT, đặc biệt là chính sách hỗ trợ tham gia BHYT đối với người làm nông lâm, ngư, diêm nghiệp, tham gia BHYT theo hộ gia đình; bảo đảm quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm trong tham gia BHYT; nâng cao hiệu quả công tác quản lý và phòng chống lạm dụng, trục lợi quỹ.
Hai là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận với BHYT và dịch vụ khám, chữa bệnh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi khâu, mọi quá trình trong thực hiện chính sách BHYT.
Ba là, xây dựng chế tài chặt chẽ để các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp, đơn vị trốn đóng, nợ đóng BHYT cho người lao động cũng như các tập thể, cá nhân lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT. Đồng thời, động viên khen thưởng kịp thời các đơn vị, địa phương và cá nhân thực hiện tốt chính sách BHYT
Bốn là, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đặc biệt là tại tuyến y tế cơ sở. Tạo điều kiện, đồng thời quản lý tốt việc các bệnh viện tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ chăm sóc, khám chữa bệnh bằng BHYT, qua đó giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên và hạn chế tối đa lãng phí. Khẩn trương hoàn thiện cơ chế quản lý mua sắm, sử dụng thuốc và vật tư y tế theo hướng tiết kiệm và hiệu quả.
Năm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách pháp luật BHYT để mỗi người dân, các tổ chức hiểu về lợi ích, trách nhiệm tham gia BHYT.
Nhân dịp này, đại diện BHXH Việt Nam trao tặng 1,5 tỷ đồng, là tiền do công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành BHXH ủng hộ một ngày lương để hỗ trợ kinh phí cho người cận nghèo tham gia BHYT. |