Nan giải thu thuế kinh doanh qua facebook
Kinh doanh qua mạng xã hội facebook đang nở rộ. Mạng xã hội đã trở thành môi trường bán hàng trực tuyến lý tưởng cho nhiều facebooker với đa dạng các chủng loại mặt hàng thuộc nhiều lĩnh vực, từ quần áo, giày dép, đồ ăn thức uống, mỹ phẩm, dược phẩm cho tới đồ gia dụng, sản phẩm công nghệ và thậm chí cả bất động sản…
Kinh doanh qua mạng phát triển nhưng việc thu thuế vẫn khó khăn.
Lo thiếu công bằng
Không chỉ dừng lại ở mô hình kinh doanh online trên facebook, hình thức kinh doanh trực tuyến hiện cũng nở rộ trên một số mạng xã hội khác như Instagram, zalo… Thực tế là doanh thu từ hình thức kinh doanh trên facebook có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng/ năm. Tuy nhiên, việc thu thuế hoạt động kinh doanh qua facebook đang là vấn đề khó khăn.
Chị Vũ Hương Giang, chủ một shop mỹ phẩm trên facebook cho biết, ngoài công việc chính là nhân viên văn phòng, chị còn bán thêm các loại dược phẩm của Mỹ để kiếm thêm thu nhập hàng tháng. Với công việc “tay trái” này, chị Giang xác định kinh doanh để tạo thêm thu nhập chứ không nghĩ đến mức phải nộp thuế vì số tiền thu được không nhiều. Tuy nhiên, nếu có quy định và chế tài cụ thể thì sẽ nghiêm chỉnh chấp hành, không ngại phải nộp thuế, song chỉ lo cơ chế chính sách không công bằng và minh bạch.
“Doanh thu bán trên facebook nhiều khi chỉ phóng đại. Chính vì thế, việc thu thuế bán hàng qua facebook vẫn còn nhiều điểm cần phải xem xét. Nếu tính thuế cho bán hàng online nên tính thuế cho những công ty bán hàng online, không nên tính thuế cho người bán online. Cùng là bán hàng nhưng chắc chắn lợi nhuận của những người bán hàng không đồng nhất”- chị Giang bày tỏ.
Thời gian gần đây, hàng chục nghìn chủ tài khoản kinh doanh qua mạng internet ở Hà Nội và TP HCM đã nhận được tin nhắn hướng dẫn về nghĩa vụ đăng ký, kê khai thuế và thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước. Cơ quan thuế đang quyết tâm quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.
Mặc dù vậy, thực tế thu thuế kinh doanh qua mạng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Ngay như việc nhiều cá nhân đăng ký trên Facebook không có tên thật cũng như địa chỉ rõ ràng. Quan trọng hơn, những giao dịch thông qua mạng xã hội hoàn toàn không có hóa đơn thuế. Đây chính là trở ngại lớn cho cơ quan chức năng trong việc truy thu thuế.
Điểm mấu chốt cần phải đề cập trước khó khăn trong việc thu thuế hoạt động kinh doanh qua mạng là do người tiêu dùng ở nước ta vẫn chuộng thanh toán bằng tiền mặt (nhận hàng - trả tiền). Hơn nữa, nhiều chủ tài khoản không đăng ký địa chỉ cụ thể mà lấy tên ảo nên rất khó để quản lý, không biết truy tìm nguồn gốc ở đâu để kiểm tra xem họ kê khai thuế hay chưa.
Một lý do nữa gây trở ngại cho cơ quan chức năng khi thu thuế là phần lớn các giao dịch khi mua sắm qua mạng đều được thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt và không có hóa đơn thuế.
Chính vì vậy, để ngành thuế xác thực được mức thu nhập của các chủ tài khoản kinh doanh là điều hết sức quan trọng. Bởi lẽ, nếu các chủ tài khoản đều khai doanh thu dưới 100 triệu đồng để không phải nộp thuế, cơ quan thuế sẽ rất khó có kiểm soát. Và trên thực tế, các trang bán hàng online có thể trao đổi riêng với khách về giá cả qua tin nhắn, dùng tiền mặt và trả hàng qua xe ôm hay người giao hàng.
Sẽ bị phạt nếu cố tình trốn thuế
Bà Nguyễn Thị Cúc- Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, những người cố tình gian lận hoặc khai khống doanh thu để trốn thuế có thể bị áp mức xử phạt từ 1 đến 3 lần. “Các cá nhân nên tự giác tuân thủ và thực hiện nghĩa vụ thuế. Nếu bán hàng qua facebook thì cũng không phải là nặng quá, đối với thuế giá trị gia tăng thì mức nộp là 1% còn thuế thu nhập cá nhân là 0,5%. Biện pháp tốt nhất là tự nguyên đăng ký và tiến hành nộp thuế”- bà Cúc khuyến cáo.
Thừa nhận rằng trong bối cảnh hiện nay, rất khó để kiểm soát thu nhập cá nhân trên mạng xã hội, ông Nguyễn Hữu Tuấn- Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công thương) cho rằng, cơ quan thuế cần lọc những tài khoản hoạt động kinh doanh, sau đó lọc tiếp một lần nữa những tài khoản chưa đăng ký kinh doanh và kê khai thuế để tiếp xúc, vận động họ hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Đồng thời, cần triển khai theo lộ trình kết hợp tuyên truyền để nâng cao ý thức của những người kinh doanh trên facebook. Có thể triển khai xử phạt thí điểm các fanpage, Facebook cá nhân có lượng khách hàng lớn, nhiều hàng hóa sản phẩm nhưng không nộp thuế để răn đe, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân.
“Có thể khuyến khích việc kê khai nộp thuế bằng những chính sách phù hợp như kê khai thuế sớm sẽ được ưu đãi về thuế hoặc nộp thuế trong thời hạn này thì sẽ được hưởng những ưu đãi khác... Quan trọng hơn, cơ quan quản lý cần phải thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, như thế sẽ giảm tối đa các giao dịch trực tiếp giữa người bán hàng qua Facebook. Khi các giao dịch được kiểm soát sẽ dễ dàng thu được thuế”- ông Tuấn khuyến cáo.
Hiện nay, Tổng cục Thuế đang tìm kiếm các giải pháp tối ưu, sửa đổi, bổ sung quy định thu thuế hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội. Đồng thời, sẽ tiếp tục nâng cấp các ứng dụng công nghệ thông tin để cá nhân kinh doanh trên facebook có thể khai thuế qua mạng, giúp việc thu, nộp thuế thuận lợi hơn, vừa bảo đảm ngân sách không thất thu, vừa khuyến khích phát triển hoạt động thương mại điện tử.
Điểm mấu chốt cần phải đề cập trước khó khăn trong việc thu thuế hoạt động kinh doanh qua mạng là do người tiêu dùng ở nước ta vẫn chuộng thanh toán bằng tiền mặt (nhận hàng - trả tiền). Hơn nữa, nhiều chủ tài khoản không đăng ký địa chỉ cụ thể mà lấy tên ảo nên rất khó để quản lý, không biết truy tìm nguồn gốc ở đâu để kiểm tra xem họ kê khai thuế hay chưa. |