Quảng Ninh: Lấy đất đá từ bãi thải than để san gạt mặt bằng

T.Nguyên 30/06/2017 21:43

Ngày 30/6, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long đã đồng ý phương án sử dụng đất đá tại các bãi thải mỏ của ngành ​than để phục vụ san lấp mặt bằng các dự án trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Quảng Ninh sẽ lấy nguồn đất đá san lấp mặt bằng từ các bãi thải của ngành ​than như Đông Cao Sơn (thành phố Cẩm Phả) và Bắc Bàng Danh (thành phố Hạ Long). Việc này không chỉ đáp ứng nguồn vật liệu san lấp mặt bằng cho các dự án mà còn giúp hạ độ cao bãi thải, đảm bảo an toàn cho các khu vực dân cư lân cận. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu, các đơn vị liên quan cần kịp thời thông báo cho các nhà đầu tư, nhà thầu vị trí lấy đất đá san lấp mặt bằng khi triển khai những dự án hạ tầng thời gian tới, tránh việc khai thác đất, đá không đúng theo quy hoạch.

Những bãi thải từ việc khai thác than ở Quảng Ninh đã hình thành cách đây hơn một thế kỷ, chủ yếu ở thành phố Hạ Long và Cẩm Phả (nơi tập trung phần lớn các mỏ khai thác lộ thiên của ngành ​than).

Tuy nhiên, càng về sau, quy mô các bãi thải ngày càng rộng hơn và cao hơn trước do các mỏ đều tăng sản lượng, trong khi hệ số bóc gỡ đất đá để lấy một tấn than cũng ngày một tăng, trung bình từ 8-10 tấn đất đá/tấn than nguyên khai. Mỗi khi có mưa lớn kéo dài, người dân sống dưới chân các bãi đổ thải cao thường xuyên phải chạy lũ bùn hoặc chứng kiến bùn đất ngập tràn trong nhà, ngoài sân. Không chỉ tiềm ẩn hiểm họa khôn lường cho tính mạng người dân, những bãi thải này còn đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh, tỉnh hiện có 6 bãi thải lớn của ngành ​than đang hoạt động. Mỗi năm, ngành than xúc, đổ thải khoảng từ 250-300 triệu m3 đất đá tại các mỏ lộ thiên và khoảng gần 1,3 triệu m3 xít thải của các nhà máy tuyển than. Lượng đất đá này ngày càng có xu hướng tăng lên do các mỏ lộ thiên khai thác xuống sâu. Việc tận dụng đất đá thải mỏ tại các bãi thải sẽ đảm bảo chủ động về nguồn khai thác, lợi thế về giá thành và góp phần giải quyết được khó khăn về diện tích đổ thải của ngành than hiện nay.

T.Nguyên