Hợp tác xã kinh doanh vận tải: Phải chăng chỉ là bức bình phong?

Tuấn Việt 01/07/2017 08:35

Thu nhiều khoản phí của các xã viên, nhiều hợp tác xã kinh doanh vận tải được thành lập hiện nay giống như cầu trung gian, mục đích để hợp thức hóa giấy tờ, hoặc “giải quyết” các vấn đề với thanh tra, hay cảnh sát giao thông. Việc quản lý “xác” xe ấy, vô hình trung khiến hiệu quả kinh doanh, an toàn giao thông, quản lý người lao động không được đảm bảo, đi ngược với Luật Hợp tác xã năm 2012.

Kiểm tra vận tải hành khách.

Lập hợp tác xã, hợp thức hóa giấy tờ cho xã viên

Sau 5 năm thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012, các hợp tác xã (HTX) vận tải được thành lập trên mô hình góp vốn, góp phương tiện tự nguyện của các xã viên. Nhưng thực tế thì HTX chỉ có tư cách pháp nhân, đóng vai trò trung gian để giải quyết thủ tục với các cơ quan quản lý. Ban quản lý HTX không có quyền sở hữu phương tiện, mọi quan hệ chủ yếu thông qua các quản thu phí, trong khi hiệu lực điều hành gần như không có.

Hiểu nôm na, các xã viên có phương tiện vận tải, tập hợp nhau thành lập HTX. HTX căn cứ các quy định của Bộ GTVT đưa ra phương án kinh doanh vận tải. Tiếp đó, tới Sở GTVT xin giấy phép kinh doanh. Từ đó, HTX lo thủ tục cho các xã viên, như tuyến, “lốt” tuyến, phù hiệu vận tải, phù hiệu kinh doanh vận tải, phù hiệu hợp đồng…

Trên nguyên tắc, bất cứ ai có phương tiện, đều có thể trở thành xã viên, khi gia nhập HTX. Đó cũng là lý do, khi loại hình vận tải công nghệ như uber, grab nở rộ, số lượng xã viên cũng tăng nhanh chóng. Cụ thể, nếu như năm 2013, số lượng xã viên HTX vận tải khoảng 14.000 xã viên, năm 2016 đã là 35.000 xã viên của tổng số 738 HTX vận tải đường bộ. Con số này đang tăng trong 6 tháng năm 2017.

Theo tìm hiểu của phóng viên, sở dĩ có lượng tăng xã viên trong thời gian qua là do quy định mới, các loại hình vận tải công nghệ (có cả taxi) như uber, Grab và các xe dịch vụ dưới 7 chỗ ngồi liên lạc qua mạng internet sẽ phải thuộc quản lý của HTX hoặc công ty vận tải. Những HTX, cả những HTX mới thành lập sẽ “lo” giấy tờ cho xã viên, bù lại xã viên ngoài những khoản phí bắt buộc theo quy định, sẽ phải nộp thêm những khoản phí để hợp thức hóa giấy tờ.

Ông Hoàng Văn Ngọc, xe grab BKS 29A 441(…) cho biết, để không bị các cơ quan chức năng xử phạt, ông phải đăng ký tham gia thành viên HTX, từ đó có được phù hiệu kinh doanh vận tải. Ngoài khoản tiền góp vốn “tượng trưng” 500.000 đồng cho lần đầu, mỗi tháng ông phải nộp 700.000 đồng cho HTX, với nội dung phí công tác quản lý vận hành. Mọi giao dịch hiện nay của người lái xe này là với hệ thống grap nên thực tế không có một hoạt động kinh doanh nào với HTX, hoặc có chăng chỉ là hợp thức hóa thu nhập, thuế với Nhà nước. Kể cả khi nộp tiền cũng không có hóa đơn mà chỉ là một danh sách các xã viên. HTX này có gần 200 xã viên, chủ yếu là lái xe uber và grap.

Tương tự, ông Đoàn Kiên Cường, BKS 30A.882 (...) cho biết, trước đây chỉ cần giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch - Đầu tư) cấp là doanh nghiệp có thể hoạt động. Nay phải có thêm giấy phép con của Sở GTVT, chính vì vậy doanh nghiệp của ông (8 đầu xe) buộc phải tham gia HTX. Ngoài kinh phí thủ tục, doanh nghiệp hàng tháng phải chấp nhận đóng thêm một số khoản phí khác, gần 1 triệu đồng/xe. Được lẽ, việc kinh doanh thông thoáng, HTX “xử lý” được nhiều nội dung giấy tờ, nếu như trước đây là khó khăn và mất nhiều thời gian.

Bến xe Mỹ Đình, bến xe lớn nhất Hà Nội hiện có 128 đơn vị kinh doanh vận tải. Trong số này, 65% là thuộc mô hình HTX. Trao đổi với một số xã viên tại đây, có thể nhận định, đa phần HTX thành lập, chủ yếu để làm dịch vụ giấy tờ hay kiểm soát dữ liệu thiết bị giám sát hành trình thay các hộ cá thể. Tính liên kết của các xã viên để tạo năng lực tổng hợp của kinh tế tập thể, nhân ra diện rộng, gần như không còn. Xã viên chấp nhận các khoản phí, tự sinh tự diệt. Nghịch lý là không ít xã viên hiện nay còn quên cả tên HTX của mình. Chỉ biết hàng tháng đóng tiền cho một người, đảm bảo tính vận hành trong kinh doanh.

Ảnh minh họa.

Mô hình HTX làm theo phong trào, lợi ích nhóm

Chắc chắn nhiều HTX hiện nay sẽ không thể “giải trình” các khoản phí “bên ngoài” do xã viên đóng góp. Theo Sở GTVT Hà Nội, mỗi quý Sở GTVT đều có thanh tra các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ trên địa bàn. Các khoản phí cố định, theo ghi nhận, đều không có sai phạm. Còn về phí “ngoài”, chỉ HTX mới biết sử dụng mục đích gì, cho ai. “Ngoài thủ tục, đối với những tuyến cố định, HTX lo cả vấn đề lưu thông trên đường, chủ yếu là thanh tra và CSGT. Đối với nhà xe như vậy là thuận lợi. Tất nhiên, kinh phí này sẽ do doanh nghiệp chi trả”- một doanh nghiệp vận tải xe khách tại bến xe Gia Lâm - Hà Nội đề nghị giấu tên cho biết.

Rõ ràng, một số HTX đang tạo ra những nhóm lợi ích, khi họ có trong tay công cụ tư cách pháp nhân, tạo nên những mặt trái của xã hội. HTX thay vì tập hợp sức mạnh kinh doanh cá thể, lại như thể cầu nối cho tiêu cực. Chức năng quản lý không có hoặc có mà buông lỏng, tình hình TNGT thời gian qua phần nào cũng vì thế mà gia tăng, khi các nhà xe mặc sức chạy, đón khách, nhồi nhét để thu hồi chi phí.

Tại Hội nghị sơ kết Luật HTX diễn ra mới đây, ông Trần Bảo Ngọc- Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) đã thừa nhận sự tồn tại nhiều HTX hoạt động trên danh nghĩa. HTX thực chất thành lập để thực hiện các dịch vụ thủ tục giấy tờ cho các hộ cá thể có phương tiện. Ngoài ra, trong quá trình hoạt động kinh doanh, nếu xảy ra vấn đề gì nhiều HTX không hay biết, hoặc lẩn tránh trách nhiệm. Có những HTX còn không có tài sản chung, tiếng nói chung, tổ chức hoạt động vận tải chưa bài bản, phương pháp quản lý thủ công, hiệu quả kinh doanh thấp.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, bản chất Luật HTX có nhiều ưu việt và đã được phổ biến, tuyên truyền nhưng đến nay việc tổ chức triển khai Luật HTX chưa đạt được kết quả như mong muốn, chưa đi vào cuộc sống nên hiệu quả chưa cao. Nó có nguyên nhân là HTX khi áp dụng vào lĩnh vực vận tải chưa được phân tích đánh giá, nhiều khi vẫn làm theo phong trào, vận dụng pháp luật yếu. Nhiều HTX chỉ quản lý “xác” xe, mà không cần biết phương tiện ấy vận hành như thế nào.

Về phương thức xử lý, theo TS Khuất Việt Hùng- Phó Chủ tịch chuyên trách UBATGT Quốc gia, để kiểm soát các HTX hiện nay, tốt nhất cần căn cứ vào hoạt động kinh doanh của họ. Nếu HTX chỉ là một thứ “bình phong”, thì rõ ràng họ sẽ không tổ chức lao động sản xuất, quản lý lái xe hay quản lý an toàn giao thông… Ở những trường hợp đó, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể xử lý theo quy định pháp luật.

Tuấn Việt