Cấm và quản
Mấy ngày gần đây, những tranh cãi xung quanh việc cấp phép hay không cấp phép các dịch vụ “đi chung xe” của các hãng taxi công nghệ như Grap, Uber đang thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà quản lý cũng như những người dân. Theo đó, đa phần các ý kiến khách quan đều cho rằng, nên tạo môi trường kinh doanh bình đẳng nhưng phải kiểm soát chặt chẽ số lượng các loại xe taxi này, bất kể là xe công nghệ hay taxi truyền thống.
Taxi truyền thống đang chịu sức ép từ Grap, Uber.
Đầu tiên, cần phải nói ngay rằng, dịch vụ “đi chung xe” của các hãng taxi công nghệ đã được nhiều người dân hưởng ứng nhiệt tình sau một thời gian đưa vào ứng dụng. Lợi ích của việc này là các khách hàng sẽ được giảm chi phí nếu có người khác cùng di chuyển với mình trên một đoạn hành trình nhất định. Nếu may mắn, chi phí có thể được giảm 50% khiến cho giá cước của các hãng taxi công nghệ đã thấp lại còn thấp hơn nữa.
Ngoài ra, xét ở khía cạnh quản lý, việc có nhiều hành khách cùng sử dụng một phương tiện công cộng sẽ khiến áp lực giao thông, nhất là các đô thị lớn được giảm bớt đáng kể. Tuy nhiên, bất cập của loại hình vận tải này là nó đã phá vỡ kết cấu vận tải hành khách cá nhân công cộng (taxi) truyền thống tồn tại nhiều năm qua. Chính vì thế, sẽ gây ra nhiều xáo trộn và đặc biệt, việc kiểm soát chặt chẽ các hợp đồng vận tải đi chung xe cũng là điều đáng bàn.
Vì vậy, theo nhiều chuyên gia giao thông, sẽ rất khó để cấm các dịch vụ đi chung xe nếu người dân, hành khách thực sự muốn sử dụng nhưng xây dựng hành lang pháp lý, đưa ra các chế tài quản lý chặt chẽ loại hình này là điều cần thiết. Riêng đối với các hãng taxi truyền thống, nếu muốn theo kịp sự phát triển và nhu cầu ngày càng cao của hành khách, họ bắt buộc phải có những sự thay đổi cũng như đưa vào áp dụng các dịch vụ tiện nghi mới.
Nhìn rộng ra, ở hầu hết các thành phố lớn, các đô thị hiện đại trên thế giới, dịch vụ đi chung xe cũng khá phổ biến và mang lại nhiều tiện ích. Thậm chí ở một số thành phố ở châu Á, nếu không có người đi chung xe (nghĩa là xe taxi mà chỉ chở 1 hành khách duy nhất), chiếc xe đó còn không được vào hay bị phạt khi đi vào các khu vực đông dân cư, hay kẹt xe.
Nói vậy để thấy, đây không phải là dịch vụ quá mới mẻ hay xa lạ gì mà nó đã được nhiều đô thị hiện đại áp dụng, với các chế tài quản lý và cấp phép nghiêm ngặt. Điều quan trọng hiện nay, thay vì tìm cách cấm các dịch vụ này, cơ quan quản lý cần tìm cách để quản lý hiệu quả, tạo điều kiện để doanh nghiệp áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào đời sống phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người dân.