Đuối nước - Bao giờ hết ám ảnh - Bài cuối: Trách nhiệm không của riêng ai

Lan Hương (thực hiện) 01/07/2017 08:35

Sự hối tiếc muộn màng của người lớn sau cái chết của con trẻ đều trở nên vô nghĩa nếu kỹ năng phòng tránh đuối nước vẫn chưa được trang bị. Trẻ em thiếu kỹ năng bơi lội trầm trọng. Trong khi đó, người lớn còn quá thờ ơ với những hoạt động vui chơi của con trẻ. Chính vì vậy, trách nhiệm phổ cập bơi cho trẻ không chỉ của ngành chức năng mà của toàn xã hội.

Trên đây là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Hồng Lan với Báo Đại Đoàn Kết xung quanh về giải pháp bảo vệ trẻ em trước tình trạng đuối nước.

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Hồng Lan.

PV: Đuối nước dường như là nỗi ám ảnh của toàn xã hội mỗi khi hè về, song đến nay chúng ta vẫn chưa có được giải pháp để bảo vệ trẻ. Theo Thứ trưởng đâu là nguyên nhân?

Thứ trưởng Đào Hồng Lan: Trung bình mỗi năm trong giai đoạn 2010-2015 có khoảng 2.800 trẻ em bị tử vong do đuối nước. Trong đó nhóm tuổi chiếm tỷ lệ tử vong cao là từ 5-14 tuổi. Tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em chiếm hơn 50% các trường hợp tử vong do tai nạn thương tích. Tử vong do đuối nước ở Việt Nam cao nhất trong khu vực, gấp 8 lần các nước phát triển. Tôi khẳng định về mặt chính sách, chúng ta đã có hệ thống văn bản khá đầy đủ và chi tiết. Tuy nhiên nhận thức của các cấp, các ngành, của cộng đồng và bản thân trẻ vẫn còn hạn chế.

Ở các nước phát triển, dạy bơi cho trẻ em từ khi mới lọt lòng là việc bắt buộc với các bậc phụ huynh. Nước ta có đến 3.260 km đường biển, một diện tích biển quá lớn. Cộng với đó, bão, lũ lụt là những thiên tai thường xuyên xảy ra ở khu vực miền núi, miền Trung. Có nghĩa là việc phải tiếp xúc với nước cũng như các nguy cơ liên quan đến đuối nước rất cao. Tuy nhiên, qua phân tích từ những nơi thường để xảy ra tai nạn đuối nước trẻ em cho thấy, các cấp chính quyền địa phương vẫn chưa thật sự coi trọng việc phòng ngừa tai nạn đuối nước cho trẻ em.

Nhiều gia đình vẫn chưa nhận thức đầy đủ và chưa trang bị kỹ năng phòng ngừa tai nạn đuối nước cho trẻ em, dẫn đến những trường hợp tử vong không đáng có. Trong khi đó, việc dạy bơi cho trẻ ở trường gặp nhiều khó khăn do thiếu giáo viên dạy bơi và thiếu bể bơi, đặc biệt là các xã nghèo, vùng khó khăn. Hiện nay, mới có khoảng 30% trẻ em trong lứa tuổi tiểu học và trung học cơ sở biết bơi.

Thiếu kinh phí là một trong trở ngại khiến các địa phương, các trường học không thể phổ cập bơi cho trẻ em. Vậy tới đây về mặt chính sách, Nhà nước sẽ có sự hỗ trợ gì không thưa bà?

- Để trẻ em có một môi trường sống an toàn, lành mạnh, ngày 5/2/2016 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 234/QĐ-TTg về “Chương trình phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em, giai đoạn 2016-2020”. Đây là sự chỉ đạo đang tạo ra rất nhiều thuận lợi cho mỗi địa phương, tổ chức, cá nhân trong tổ chức triển khai thực hiện. Cùng với đó, hiện nay Bộ LĐTB&XH đang dự thảo đề xuất chính sách hỗ trợ phòng chống đuối nước trẻ em, đến năm 2020 trên 80% trẻ em từ 6-15 tuổi được học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

Với mỗi đối tượng, mỗi địa phương dựa vào đặc thù riêng sẽ có những chính sách hỗ trợ riêng. Song như tôi đã nói, để vơi đi nỗi lo tai nạn đuối nước, bên cạnh một kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực thì chúng ta cần phải nhìn nhận việc phổ cập bơi cho trẻ em không chỉ là trách nhiệm của riêng cá nhân gia đình có trẻ em, mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội.

Có ý kiến cho rằng việc đưa việc dạy bơi tại nhà trường cần được phải xem là môn học bắt buộc chứ không dừng lại ở thí điểm để khuyến khích như hiện nay. Bà nghĩ sao về đề xuất này?

- Việc đưa môn bơi vào nhà trường là rất cần thiết. Học sinh học bơi, các em được giáo dục kỹ năng bơi, kỹ năng an toàn trong môi trường nước, các kỹ năng phòng, tránh, kỹ năng cứu đuối giúp các em tự tin, chủ động trong việc phòng, tránh tai nạn đuối nước đối với bản thân. Ngoài ra, bơi lội còn là môn thể thao rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là lứa tuổi học sinh. Khi tham gia luyện tập bơi lội thường xuyên, các em sẽ phát triển hài hòa cả về thể chất và tinh thần.

Tôi được biết hiện TP HCM là thành phố đi đầu trong công tác dạy bơi và thực hiện mô hình xã hội hóa sớm nhất. Thành phố có nhiều trường học được trang bị bể bơi, việc tổ chức dạy bơi cho học sinh được thực hiện rất đa dạng, dạy tại trường, liên kết tổ chức cho học sinh học ở các trung tâm, hoặc phối hợp với cha mẹ học sinh tổ chức các lớp dạy bơi cho học sinh….

Tuy nhiên với điều kiện như hiện nay, không phải trường nào, địa phương nào cũng có thể có đủ cơ sở vật chất để dạy bơi nhất là ở những vùng núi, vùng DTTS nhiều nơi những lớp học còn không có thì để có bể bơi dạy là việc không thể. Chính vì vậy giải pháp quan trọng vẫn là nâng cao nhận thức của các bậc phụ huynh về dạy kỹ năng bơi cho con của mình.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Lan Hương (thực hiện)