Viêm não Nhật Bản: Nhiều di chứng do thiếu hiểu biết
Tuy mới ở giai đoạn đầu của mùa viêm não Nhật Bản nhưng tình trạng bệnh nhi đến cấp cứu, điều trị, nằm thở máy một số bệnh viện (BV) đã tăng rất nhanh. Tại một số BV Nhi và các khoa Nhi đã bắt đầu quá tải.
Không chủ quan với viêm não Nhật Bản.
Quá tải ngay đầu mùa dịch
Chỉ tính riêng trong tháng 6, lượng bệnh nhi nhập viện do viêm não Nhật Bản tại khoa Truyền nhiễm BV Nhi Trung ương (Hà Nội) tăng 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng nói, có 2 trường hợp trẻ nhập viện trong tình trạng nguy kịch, bị liệt nửa người, liệt tứ chi do chưa tiêm phòng bệnh và khi nhiễm bệnh thì cha mẹ không kịp thời phát hiện.
Theo TS Nguyễn Văn Lâm - Trưởng khoa Truyền nhiễm BV Nhi Trung ương, từ đầu năm 2017 đến nay khoa đã tiếp nhận 176 ca viêm não, trong đó có 24 trường hợp là viêm não Nhật Bản. Chỉ riêng trong tháng 6 đã có 21 trẻ nhập viện vì bệnh này. Nhiều bệnh nhi phải gánh chịu di chứng nặng nề của bệnh lên não bộ.
Hiện tại, Viện Nhi đang điều trị cho 2 trường hợp trẻ phải chịu di chứng não do căn bệnh này gây ra. Trong đó, bé trai 4 tuổi ở Bắc Ninh ảnh hưởng đến vận động. Còn bé trai 7 tuổi ở Nghệ An hiện vẫn đang trong tình trạng liệt cơ hô hấp, liệt tứ chi. Dù trẻ đã mở được mắt song vẫn phải phụ thuộc vào máy thở. Điều đáng lưu ý là cả hai trẻ đều chưa được tiêm phòng vắc xin viêm não Nhật Bản đầy đủ.
Còn tại các tỉnh phía Nam, hiện viêm não Nhật Bản chiếm 50% viêm não các loại tại khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1. Đa phần các trẻ mắc bệnh đều đến từ vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Do đặc thù của vùng này có rất nhiều muỗi ruộng sinh sống, mà chính loại muỗi này lại là tác nhân gây bệnh. So với năm 2016, lượng bệnh nhân thở máy tăng nhiều hơn và di chứng để lại cũng nhiều hơn trước.
Theo các chuyên gia y tế, với bệnh viêm não Nhật Bản, khoảng 60% bệnh nhi sẽ khỏi bệnh và hồi phục hoàn toàn, 30% có di chứng và dưới 10% tử vong. Bệnh nhi thường phải điều trị ít nhất 10 ngày, có khi kéo dài cả tháng. Đáng lưu ý, bệnh nhân mắc viêm não thường rất khó phát hiện sớm. Những triệu chứng ban đầu của viêm não Nhật Bản cũng giống như các bệnh thông thường khác như: sốt, nôn, nhức đầu... Do đó lúc đầu, các bác sĩ thường chẩn đoán là sốt siêu vi.
Tuy nhiên, viêm não Nhật Bản diễn biến bệnh rất nhanh. Có thể sau 3 ngày, thậm chí 1 ngày, bệnh nhân đã có biểu hiện co giật. Khi bệnh nhân co giật thì bệnh đã nặng, rơi vào hôn mê, phải thở máy. Vì thế, phụ huynh cần đưa trẻ vào bệnh viện khám nếu có các biểu hiện của nhiễm siêu vi như sốt, nôn ói, nhức đầu… Trường hợp đã có dấu hiệu rối loạn tri giác (co giật, hôn mê…) thì phải đưa đi cấp cứu.
Vẫn còn tâm lý coi nhẹ tiêm chủng
Viêm não Nhật Bản là một trong những bệnh nguy hiểm bởi có tỉ lệ tử vong và di chứng cao ở trẻ nhỏ (từ 25-35%). Những di chứng này khiến người bệnh giảm khả năng giao tiếp, giảm hoặc mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Thời gian điều trị cho một trường hợp viêm não thường kéo dài rất lâu, có khi đến vài tháng. Điều nguy hiểm là bệnh diễn tiến rất nhanh, có khi trẻ tử vong chỉ trong vòng 24 giờ.
Là căn bệnh nguy hiểm, nhưng viêm não Nhật Bản hoàn toàn có thể phòng ngừa chủ động bằng tiêm phòng. Đến nay, tiêm vaccine viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất.
Theo đó, trẻ được tiêm mũi đầu tiên càng sớm càng tốt ngay sau 1 tuổi; Mũi 2 tiêm sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần; Mũi 3 tiêm sau mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay, nhiều bà mẹ khi đọc thông tin về dịch bệnh trên báo chí, hốt hoảng về xem sổ thì thấy con lỡ mũi tiêm nhắc lại cả hàng năm trời. Điều này rất nguy hiểm bởi khi tiêm đủ 3 mũi hiệu lực bảo vệ mới đạt 90 – 95%; Tiêm đủ 2 mũi hiệu lực bảo vệ đạt trên 80%; Còn nếu chỉ tiêm một mũi thì không có hiệu lực bảo vệ.
Bà Dương Thị Hồng- Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay, tỉ lệ tiêm chủng vaccine ngừa viêm não Nhật Bản ở các tỉnh có bệnh nhi mắc bệnh không thấp, tuy nhiên các cháu mắc bệnh chủ yếu là trẻ trên 5 tuổi, ngoài đối tượng của tiêm chủng mở rộng. Bà Hồng khuyến cáo các gia đình cho trẻ đi tiêm vaccine ngừa viêm não Nhật Bản đúng lịch, trẻ trên 5 tuổi không trong diện được tiêm vaccine miễn phí nên gia đình có thể cho trẻ tiêm chủng dịch vụ mũi vaccine nhắc lại để phòng bệnh. Ngoài ra, người dân cần giữ vệ sinh môi trường sống, nhà cửa, diệt muỗi; tránh để bị muỗi cắn.