'Đại thụ' vùng biên
Để mỗi nhà, mỗi người có cuộc sống bình yên hôm nay, ở những vùng biên viễn xa xôi, có biết bao câu chuyện cảm động về những tấm gương gìn giữ cột mốc, bảo vệ đường biên. Đó là câu chuyện của những già làng, trưởng bản- những người gương mẫu trong phong trào bảo vệ đường biên, bảo vệ an ninh biên giới. Họ thực sự là chỗ dựa vững chắc của lực lượng biên phòng, của nhân dân, xứng đáng là những “đại thụ” biên cương.
Già làng, trưởng bản phối hợp với chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền trong nhân dân.
Chuyện của già làng Tằng Phúc Sìn
Những ngày tháng 6 nắng nóng như những chảo lửa đổ xuống cánh đồng, vách núi miền biên cương Hải Hà (Quảng Ninh). Nhưng bước chân già Tằng Phúc Sìn, Trưởng bản Mốc 13, xã Quảng Đức vẫn cứ thoăn thoắt vượt qua những thửa ruộng, những vách đá dựng đứng để đến từng gia đình người Dao, người Tày giới thiệu về Nghị định thư phân giới cắm mốc, Luật Biên giới quốc gia...
Nhìn dáng vẻ săn chắc, khỏe khoắn của ông ít tai dám nghĩ rằng già Sìn đã ở tuổi 86. Những chuyến đi vận động dường như giúp bước chân già thêm vững chãi. Người ta gọi già là “cổ thụ” của bản Mốc 13. Ở cái tuổi phải nghỉ ngơi an dưỡng, nhưng chưa ngày nào già thôi đau đáu công tác tuyên truyền, vận động đẩy mạnh phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn, bản khu vực biên giới.
Quảng Ninh có gần 120 km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Trung Quốc. Từ lâu, miền biên ải xa xôi này đã trở thành nơi quần tụ sinh sống của cộng đồng các dân tộc như: Mông, Dao, Tày, Sán Dìu… Bên cạnh phát triển kinh tế nông hộ, định canh định cư, phong trào bảo vệ đường biên, cột mốc đã trở thành “mạch nguồn” khơi dậy tinh thần yêu nước, ý thức tự cường dân tộc để nhiều thế hệ già làng, trưởng bản nơi đây lại ngày đêm “truyền lửa” cho thế hệ mai sau.
Với già Tằng Phúc Sìn, hơn 20 mươi năm gắn bó với mảnh đất biên giới, dù ở cương vị công tác nào già cũng xông xáo và nhiệt huyết, là hạt nhân tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi tập tục canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho năng suất, giá trị kinh tế cao góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân.
Từ nhiều năm nay, già làng Tằng Phúc Sìn chuyên tâm cùng với cán bộ MTTQ, Hội Người cao tuổi của xã tích cực tuyên truyền, vận động các hộ gia đình trong bản, trong xã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và cán bộ, chiến sĩ Biên phòng đồn Quảng Đức phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời nhiều vụ việc vi phạm quy chế biên giới như vượt biên buôn lậu, chặt gỗ, tre, nứa, nổ mìn đánh cá trái phép trên sông suối... góp phần giữ vững an ninh trật tự khu vực biên giới.
Chỉ tay sang bên kia đường biên, già Sìn bảo: Kia là thôn Lý Hỏa của nước bạn Trung Hoa. Trước đây tình hình an ninh trật tự khá phức tạp do đối tượng xấu thường lôi kéo bà con vào việc vận chuyển hàng hóa trái phép. Cùng với chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và bộ đội Biên phòng (BĐBP), chúng tôi đã vận động người dân nâng cao ý thức không tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật, bảo vệ an ninh biên giới. “Đây là một cách để trả nghĩa mà chính quyền, MTTQ, BĐBP đã giúp bản làng của già được định cư tại đất này và có được sự bình yên, no ấm hôm nay”- già Sìn bộc bạch.
Cả nước có hàng ngàn cây số đường biên trên bộ. BĐBP, các cấp chính quyền khó có thể bao quát hết những diễn biến hàng ngày xảy ra bên đường biên. Nhưng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hầu như địa phương nào cũng có những tấm gương như già Tằng Phúc Sìn.
Thanh Hóa là một trong những địa bàn có đường biên dài, và khi nói về công tác bảo vệ an ninh biên giới, không ai không biết gia đình ông Vi Văn Dong, bản Ho, xã Hiền Kiệt, huyện Quan Hóa. Không đợi đến khi phong trào được phát động, ngay từ năm 1984, gia đình ông đã tự nguyện giúp đỡ đồn biên phòng Hiền Kiệt bảo vệ cột mốc G10.
Đồng thời, ông còn vận động con cháu trong gia đình, dòng họ và nhân dân trong bản tham gia bảo vệ biên giới, cột mốc của Tổ quốc. Ông Dong đã cùng với cán bộ chiến sĩ đồn Hiền Kiệt và nhân dân trong bản phát quang đường tuần tra biên giới hàng trăm lần.
Trong một lần đi tuần, ông Dong phát hiện một số đồng bào nước bạn đã tiến vào sát khu vực biên giới để tìm đất ở, phát nương trái phép. Ông đã trực tiếp tuyên truyền giải thích cho họ về đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam về định canh, định cư và kịp thời báo cho chính quyền địa phương ngăn chặn hành vi nhập cư trái phép.
Mỗi khi đến từng gia đình tuyên truyền về bảo vệ đường biên, cột mốc, ông thường ví von: “Bảo vệ đường biên, cột mốc và an ninh trật tự thôn, bản cũng giống như bảo vệ bờ rào ở mỗi gia đình”. Với cách truyền đạt đơn giản, dễ hiểu ấy, bà con trong bản hiểu ra vấn đề rất nhanh và từ đó nhiệt tình tham gia cùng BĐBP thực hiện tốt nhiệm vụ.
Sum suê tỏa bóng
Trong nhiều năm qua, UBTƯ MTTQ Việt Nam và Bộ Tư lệnh BĐBP đã phối hợp thực hiện các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn biên giới, hải đảo góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc, được các cấp chính quyền và nhân dân ghi nhận.
Tiêu biểu như phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trên các tuyến biên giới quốc gia, MTTQ và BĐBP ở các cấp đã xây dựng phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc giới và giữ gìn an ninh trật tự ở thôn, bản khu vực biên giới”, qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình quần chúng tự quản đường biên, mốc quốc giới, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như: “Tổ tự quản đường biên, mốc giới”, “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới”, “Buôn làng không có người vượt biên trái phép”, “Tiếng kẻng vùng biên”...
Nhưng từ những chính sách của nhà nước, phong trào của MTTQ, làm thế nào để đồng bào các dân tộc thiểu số nhận thức đúng, chấp hành pháp luật rồi tự nguyện tham gia công tác bảo vệ đường biên, cột mốc không phải điều dễ dàng. Nhiều địa phương, vẫn còn số lượng không nhỏ đồng bào chưa biết tiếng Kinh, khó có thể tiếp cận các chính sách, pháp luật cũng như các phong trào.
Ngoài ra, phong tục tập quán, cách nghĩ cách làm của đồng bào mỗi địa phương lại có những đặc trưng riêng. Trong bối cảnh ấy, những già làng có uy tín trở thành “cầu nối” giữa chính quyền, Mặt trận và nhân dân.
Nói về vai trò của già làng, người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, ông Phạm Văn Điệt- Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Khi tuyên truyền, vận động, vẫn những chủ trương, chính sách ấy, nhưng cán bộ nói thì dân chưa chắc đã nghe. Song, bằng cái lý, cái tình, bằng những kinh nghiệm của mình các già làng, trưởng bản đã có những cách làm hiệu quả.
Trong việc bảo vệ đường biên nói riêng và thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước nói chung, nhận thức đúng vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín, thì các chính sách sẽ ăn sâu, bám rễ vào cuộc sống của nhân dân một cách thuận lợi. Tỉnh Quảng Ninh chúng tôi có hơn 500 già làng, trưởng bản, người uy tín…
Trước sự đóng góp to lớn của đội ngũ già làng, trưởng bản, hàng năm tỉnh Quảng Ninh vẫn tổ chức gặp mặt để biểu dương các già làng, trưởng bản, kể cả chức sắc, chức việc tiêu biểu, để các cụ, các vị yên tâm đóng góp cho quê hương”.
Hiện cả nước đã xây dựng được 3.519 tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới, người dân ký kết nhận tự quản 3.262 km đường biên giới, 2.345 mốc quốc giới đã mang lại hiệu quả thiết thực. Cả nước đã có 18/25 tỉnh biên giới đất liền tổ chức ký kết nghĩa được 117 cặp cụm dân cư, qua đó củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa chính quyền, nhân dân hai bên biên giới, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển với các nước láng giềng. |