Hành động thiết thực vì môi trường kinh doanh
“Mọi hoạt động của doanh nghiệp đều phải “chạm” đến bộ máy Nhà nước, từ khâu đăng ký thành lập cho đến khởi động kinh doanh, rồi khâu nộp thuế, bảo hiểm xã hội, thậm chí các loại phí như phí công đoàn… cũng động đến Nhà nước. Tất cả những cái đó, chúng ta cũng đã biết là cần phải cải cách và đã nói nhiều nhưng làm vẫn rất ít”- PGS.TS Nguyễn Văn Nam- Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhận định khi trao đổi về thực tế cải thiện môi trường kinh doanh hiện nay
PGS. TS Nguyễn Văn Nam.
PV: Ông có thể đưa ra đánh giá của mình về môi trường kinh doanh sau những nỗ lực cải thiện từ phía Chính phủ, nhà quản lý?
Ông Nguyễn Văn Nam: Thực tế, dù môi trường kinh doanh cũng đã có những cải thiện nhất định song, theo đánh giá chung, năng lực cạnh tranh của các DN chưa cao. Tôi cho là có hai nguyên nhân, một là bản thân doanh nghiệp (DN) chưa phấn đấu vươn lên để cạnh tranh trên thị trường. Nguyên nhân thứ hai- lớn hơn, là từ phía quản lý nhà nước.
Vừa rồi Hội nghị Trung ương xác định rất rõ, trong quản lý nhà nước, yếu kém hiện rõ nhất là ở thể chế kinh tế thị trường chưa tốt, do đó chưa tạo một môi trường pháp lý tốt để các DN hoạt động.Thực tế này chúng ta cũng đã thấy được vấn đề và hàng chục năm nay chúng ta cũng đã tìm cách xây dựng để hoàn thiện, nhưng quá trình hoàn thiện rất chậm chạp, và có thể nói còn tồn tại rất nhiều tư duy cũ, tư duy của thời bao cấp, tư duy xin cho, và tư duy của nhà quản lý khi nắm quyền lực nhà nước vẫn muốn DN phải làm theo ý mình...
Nói cách khác đi, là muốn can thiệp vào hoạt động của DN. Và chính những can thiệp này của nhà quản lý đều đưa đến thất bại. Thất bại lớn nhất, rõ nhất ở khối DNNN, quản lý nhà nước can thiệp vào khu vực DN này nhiều nhất thì cũng thất bại nặng nề nhất, thất thoát nhiều nhất, mặc dù chi phí cho khu vực này lớn nhất.
Còn đối với DN tư nhân, Nhà nước cũng chưa có một cách nhìn nhận đúng để có một thể chế tốt tạo môi trường pháp lý tốt, từ đó tạo môi trường kinh doanh tốt để DN phát huy hết năng lực của mình. Trong khi đó lại có những rào cản được dựng lên. Nói đến rào cản thì có rất nhiều, trong đó phải nói đến thủ tục hành chính.
Mặc dù thời gian qua, nhà quản lý đã có nhiều động thái để cải cách, rút bớt rào cản này, nhưng đứng về góc độ DN, nhìn vào thực tế kinh doanh của cộng đồng DN thì chưa có gì cải cách đáng kể. Tức là cải cách thủ tục hành chính chúng ta mới chỉ giải quyết được một số yếu tố có tính hình thức, như việc giải quyết đơn từ một cửa, đó chỉ là một khâu rất nhỏ thôi.
Thực tế, mọi hoạt động của DN đều phải “chạm” đến bộ máy Nhà nước, từ khâu đăng ký thành lập cho đến khởi động kinh doanh, rồi khâu nộp thuế, bảo hiểm xã hội, thậm chí các loại phí như phí công đoàn… cũng động đến Nhà nước. Tất cả những cái đó, chúng ta nói nhiều nhưng làm ít, cải cách chưa được nhiều. Những cản trở này mới nảy sinh tiêu cực. DN khi gặp khó khăn trong thủ tục hành chính lại phải chi phí ngầm, lót tay… mà những cái đó lại ành hưởng rất lớn đến năng lực cạnh tranh của DN.
Nhà nước có cải cách đấy, nhưng hầu như chưa thực tế. Trong nền kinh tế thị trường là kinh tế của dân, thì cải cách của anh phải tác dộng đến từng DN kể cả DN nhỏ nhất, khi người ta làm việc thuận lợi thì người ta mới nâng được năng lực cạnh tranh.
Hội nghị Trung ương vừa rồi đề cao vai trò của kinh tế tư nhân. Ông đánh giá thế nào về động thái này?
-Hội nghị Trung ương vừa qua đặt ra một số vấn đề rất đúng, thứ nhất là phải đổi mới DNNN, mình dùng từ “đổi mới” là nhẹ nhàng, còn thực ra, DNNN là phải cải tạo lại, lột xác hoàn toàn, không thể để duy trì tình trạng DNNN như từ trước đến nay nữa. Còn nói về khu vực kinh tế tư nhân, Chính phủ đang tập trung xây dựng, đẩy mạnh phát triển khu vực này, đó là động thái hoàn toàn đúng đắn, nhưng giải pháp, biện pháp thì chưa đủ.
Mặc dù Nghị quyết Trung ương đã có sự thay đổi nhận thức và có những động thái nhằm thúc đẩy chính sách quản lý, nhưng tôi nghĩ mới chỉ là bước đầu. Còn để thực sự tạo ra một môi trường hành chính, môi trường pháp lý, môi trường kinh doanh tốt cho DN tư nhân phát triển, còn rất nhiều việc phải làm. Và tôi cho rằng, vai trò của DN tư nhân cần phải được nhìn nhận là “vô cùng lớn” chứ không chỉ là một chữ “quan trọng” nữa. Bất cứ một đất nước nào trên thế giới muốn phát triển kinh tế, đều phải coi trọng hàng đầu phát triển triển kinh tế tư nhân.
Trong phát triển kinh tế tư nhân, mà ở đây thành phần chính là lực lượng DN nhỏ và vừa, lâu nay người ta vẫn khẳng định vai trò quan trọng của việc xây dựng thương hiệu cho DN. Nhưng có vẻ như điều này chúng ta chưa làm được tốt lắm, thưa ông?
-Đúng là hai chữ “thương hiệu” có vai trò rất lớn đối với việc phát triển bền vững của DN. Thời gian qua, Chính phủ cũng đã rất quan tâm đến vấn đề này. Song, thực ra Chính phủ cũng chỉ có thể đề ra chính sách thôi, nếu đòi hỏi Chính phủ hỗ trợ ưu tiên ưu đãi tất cả các DN nhỏ và vừa, đến gần 600 ngàn DN như hiện nay là rất khó.
Cũng không thể đòi hỏi tất cả các DN đều phải có thương hiệu. Cần phải lựa chọn DN nào có ý tưởng tốt,chiến lược hoạt động, mục tiêu rõ ràng, chương trình hành động cụ thể thì sẽ hỗ trợ để DN đó thành công.
Tôi nghĩ trong hàng trăm ngàn DN hiện nay, việc lựa chọn ra một số DN có những ưu điểm nói trên là không khó. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng, xây dựng thương hiệu là một quá trình, chủ yếu từ sự nỗ lực của chính DN. Còn Chính phủ chỉ có thể hỗ trợ bằng cách “DN khó ở đâu, thì gỡ nút thắt ở đó”.
Tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi cán bộ Nhà nước phải là những người có tâm, có tầm, tận tâm với DN mới có thể làm được. Còn nếu vẫn duy trì tình trạng “bàn giấy quan liêu” chỉ biết soạn văn bản, ra chỉ thị thì rất khó làm được.
Trân trọng cảm ơn ông!