Sự quyến rũ của những ca khúc xưa
Là một trong không nhiều giảng viên - ca sĩ theo đuổi với dòng semi classic (âm nhạc cổ điển), Lê Anh Dũng không phải là cái tên hot trong giới showbiz nhưng đã có chỗ đứng trong lòng công chúng của dòng nhạc này. Mới đây anh đã ra album vol 2 mang tên “Hẹn hò” với những ca khúc xưa ít người hát.
Ca sĩ Lê Anh Dũng.
Trò chuyện với Lê Anh Dũng trong một quán cà phê vắng, anh thừa nhận rằng, để đến bây giờ, sau 8 năm mới ra album vol 2 là quá lâu. Lâu không phải vì lười, mà bởi Dũng là người kỹ tính. “Cách đây chừng 4 năm, tôi đã bắt tay chuẩn bị album “Hẹn hò” nhưng vì gặp trục trặc ở khâu chọn bài.
Cụ thể là chọn xong, thu âm xong mới biết là trong số những bài đó có 2 ca khúc chưa được cấp phép. Thế là mất hứng, và cần phải có thêm thời gian để chọn lại bài”- Lê Anh Dũng kể. “Trong khi bài vở cho dòng nhạc mà tôi chọn lại không nhiều, tôi thì muốn khai thác những bài cũ đã khá nổi tiếng nhưng ít người hát để làm mới. Rồi nhiều khâu muốn làm nhanh cũng không được. Ví như nhạc sĩ phối khí bây giờ cũng rất bận nên để nhận phối cả một album cho nghệ sĩ có thể mất đến 2-3 năm cũng là chuyện bình thường. Đặc biệt, khi đã chọn được bài rồi, đã phối khí rồi thì có những bài tôi phải thu âm lại đến mấy lần mới ưng”.
Mặc dù biết rằng kỹ tính quá cũng là tự làm khó làm khổ mình, nhưng xưa nay, tính Dũng đã là thế rồi. “Tôi tự nhận trong âm nhạc, tôi cũng là người cầu toàn và kỹ tính. Tôi không cho phép mình dễ dãi”, Dũng quả quyết và dẫn chứng, khi làm “Hẹn hò”, để tìm đủ được 8 ca khúc là rất mất công.
“Trong 8 bài hát, nhiều người sẽ chỉ biết một nửa mà thôi dù đó đều là những bài được sáng tác từ cách đây rất lâu rồi. Đấy cũng là sự mới mẻ mà tôi muốn dành tặng khán giả trong album lần này. Trong 8 ca khúc tôi lựa chọn thì “Hương xưa” của nhạc sĩ Cung Tiến là ca khúc tôi mất nhiều thời gian nhất bởi ca khúc này rất khó để thể hiện, ca từ không phải ai nghe cũng hiểu ngay được. Tôi phải dành nhiều thời gian tra cứu, tìm hiểu kỹ ca từ của ca khúc này. Đây là ca khúc mà tôi tin, khi nghe nhiều khán giả sẽ thích”- Lê Anh Dũng chia sẻ và nhấn mạnh: “Ở đĩa này, tôi chọn hát những bài có giai điệu, ca từ đẹp nhưng không phải dễ nghe lắm đâu, thể hiện cũng khá là trúc trắc nhưng những người đã trải nghiệm và hiểu biết về dòng nhạc này rồi sẽ thấy cái hay của nó”.
Có người đã ví, việc dành thời gian và đầu tư tới 200 triệu đồng để làm album “truyền thống” như Lê Anh Dũng là hơi xa xỉ. Bởi xu hướng của nhiều nghệ sĩ bây giờ là ra MV hay album online.
Lê Anh Dũng thừa nhận: “Quả thực đang có một xu hướng các nghệ sĩ ra MV hoặc album online vừa “hợp thời” vừa dễ quảng bá và nếu đưa album lên mạng sẽ đỡ phải đầu tư tiền làm bìa, làm đĩa, rất tốn kém. Nhưng tôi vẫn quyết tâm thực hiện album “Hẹn hò” theo lối truyền thống và không nghĩ với việc đầu tư cho dự án âm nhạc này là cuộc lội ngược dòng”.
Bìa album “Hẹn hò”.
Hiện Lê Anh Dũng là giảng viên Khoa Thanh nhạc của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, anh có niềm tin và sự lạc quan nhất định với dự án của mình. “Tôi vẫn luôn nghĩ, ca sĩ bây giờ ra đĩa không phải với mục đích doanh thu mà chủ yếu là tri ân khán giả hoặc kỷ niệm một dấu mốc nào đó trong chặng đường hoạt động nghệ thuật của mình. Album này của tôi cũng thế. Tôi muốn bằng cách nào đó góp phần làm sống lại những bài cũ và để chúng không bị mai một đi”.
Dũng không muốn nói nhiều về số tiền đầu tư, về sự kỹ lưỡng khi phối khí, hay làm bìa đĩa. Bởi với anh, mỗi album của nghệ sĩ là một đứa con tinh thần, mang chứa dấu mốc về những chặng đường âm nhạc.
Lê Anh Dũng chia sẻ chân thành: “Thật sự, mỗi lần ra album rất tốn kém, nhất là đi theo dòng nhạc của tôi lại kén khán giả. Từ những ngày học ở Nhạc viện Hà Nội, tôi đã bị quyến rũ bởi vẻ đẹp của các ca khúc cổ điển, có sức sống và muốn đưa nó đến gần hơn với công chúng. Trong thế giới showbiz, để đạt đến sự vinh quang cũng nhọc nhằn lắm, phải đánh đổi rất nhiều thứ. Còn tôi, tôi không đi tìm sự nổi tiếng. Tôi cũng biết cân bằng trong cuộc sống, bởi tôi không muốn đánh đổi gia đình bé nhỏ của mình. Tôi thích được đi đón con mỗi buổi chiều, thích được đưa con đi mua đồ chơi mỗi dịp cuối tuần. Bây giờ, tôi có đối tượng khán giả riêng, vẫn thường xuyên xuất hiện trong các chương trình lớn. Vậy là đủ rồi. Tôi không muốn quá nổi tiếng để rồi trở thành nô lệ, phụ thuộc vào sự nổi tiếng và mất đi sự tự do và gia đình của mình”.
Phong cách âm nhạc trong album “Hẹn hò” là sự kết hợp giữa pop ballad và semi classic, 8 ca khúc trong album đều là các nhạc phẩm đã cũ, nhưng rất nhiều người sẽ lần đầu tiên được nghe vì đã lâu không ai hát lại: Hương xưa (Cung Tiến), Từ giọng hát em (Ngô Thụy Miên), Kỳ diệu (Anh Bằng), Hẹn hò (Phạm Duy)... |