Cần nhanh chóng bảo vệ các quần thể voọc chà vá chân xám
Quần thể voọc chà vá chân xám ở Quảng Nam đang đứng trước nguy cơ bị chia cắt vùng sống do quy hoạch các dự án phát triển du lịch sinh thái làm mất dần môi trường sinh sống, số lượng tụt giảm nhưng chưa có giải pháp bảo tồn.
Một số cá thể voọc chà vá chân xám ở núi Hòn Dồ.
Nhiều năm qua, đàn voọc chà vá chân xám sinh sống ở rừng núi nguyên sinh thuộc xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành đang suy giảm dần do môi trường sinh sống bị thu hẹp. Người dân sinh sống nơi đây tha thiết yêu cầu các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc để bảo vệ loài động vật quý hiếm.
Sau khi vượt quãng đường xa, chúng tôi có mặt tại xã Tam Mỹ Tây, từ đây được sự hướng dẫn của một người dân địa phương, chúng tôi đã đi qua những chặng đường rừng, dốc đá, quanh co khoảng chừng 3 km để tới khu vực núi Hòn Dồ nơi đàn voọc thường xuyên trú ẩn.
Đây là khu rừng nguyên sinh nhưng không thiếu những dấu tích do can người can thiệp, nhiều cây bị đốn hạ, những khoảng đất không còn cây xanh, những rừng keo xanh ngát đã thay thế rừng nguyên sinh.
Sau một thời gian kiên nhẫn đợi chờ, một đàn chà vá chân xám với số lượng gần 20 cá thể đã xuất hiện, chúng đang leo trèo, chuyền nhảy từ cây này qua cây khác, thoắt ẩn, thoắc hiện.
Các cá thể voọc chà vá chân xám đang kiếm thức ăn tại núi Hòn Dồ.
Anh Nguyễn Quang (33 tuổi), ở thôn Đồng Cổ, xã Tam Mỹ Tây đang làm trang trại trồng keo ở dưới chân núi Hòn Dồ nói: “Hơn 20 năm về trước, rừng nguyên sinh còn nhiều nên đàn voọc thường xuyên đến đây, với số lượng rất nhiều. Nhưng khoảng gần 10 năm trở lại đây số lượng voọc chà vá chân xám suy giảm do diện tích rừng nguyên sinh bị thu hẹp”.
Ông Trần Văn Vũ, Chủ tịch UBND xã Tam Mỹ Tây cũng cho biết: “Cá thể voọc và khỉ mặt chó đã sống ở địa phương từ rất lâu rồi. Trước kia, voọc sống thành một đàn lớn, nhưng mấy năm trước do rừng nguyên sinh bị thu hẹp, chúng phải chia đàn ra để tìm kiếm thức ăn sinh tồn. Giờ đây, mỗi đàn còn khoảng hơn 20 con.
Voọc chà vá chân xám sống ở khu vực núi Hòn Bồ, Hòn Bà và Nà Lấm của xã Tam Mỹ Tây là những nơi còn nhiều diện tích rừng nguyên sinh”.
Ông Vũ cũng cho biết, trước tình trạng đe dọa đến sự sinh tồn của quần thể voọc chà vá chân xám, chính quyền xã đã báo cáo cho kiểm lâm huyện và tỉnh, đồng thời để bảo vệ quần thể voọc, trong các cuộc họp, tiếp xúc cử tri luôn tuyên truyền cho người dân để tránh tình trạng xâm hại đến voọc.
“Thời gian tới, địa phương sẽ đề xuất với cấp trên quy hoạch khoảng 50ha rừng nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các loài động vật như: Voọc và khỉ mặt chó…, sinh sống. Góp phần bảo tồn những loài động vật quý hiếm”, ông Vũ nói.
Theo ông Phan Minh Huấn, Cán bộ phụ trách trạm kiểm lâm huyện Núi Thành, đơn vị đã từng thông báo cho Chi cục kiểm lâm tỉnh về tình trạng của đàn voọc trên địa bàn xã Tam Mỹ Tây, cùng với đó đơn vị đã phối hợp với chính quyền đại phương tuyên truyền người dân không xâm hại đến voọc.
Tuy nhiên, vẫn còn một số người dân ở địa phương khác đã lén lút đến khu vực này để săn bắt voọc.
Ông Huấn cũng cho biết, đến nay chưa có bất kỳ dự án hay chương trình nào về việc bảo tồn voọc, trong khi đó công việc này cần có kinh phí thì mới triển khai được.
Còn theo ông Phan Tuấn, Chi cục trưởng kiểm lâm Quảng Nam, thời gian tới Chi cục kiểm lâm tỉnh sẽ rà soát lại phân bố của đàn voọc và đưa ra một số giải pháp phù hợp.
“Chắc chắn chúng tôi sẽ đầu tư vào vùng rừng này nhằm giảm tối thiểu tác động vào rừng, tạo sinh cảnh để bảo tồn” - ông Tuấn nói.