Khủng hoảng Vùng Vịnh: Hủy 'tối hậu thư', Qatar đối mặt với lớp lệnh trừng phạt mới
Qatar hiện đang phải đối mặt với khả năng bị áp đặt thêm lệnh trừng phạt bởi các nước Vùng Vịnh đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với họ do cáo buộc liên hệ với chủ nghĩa khủng bố, sau khi hạn chót để nước này chấp nhận một loạt yêu sách từ các nước cấm vận đã kết thúc trong hôm 2/7.
Khan hiếm thực phẩm ở Qatar tiếp diễn trong lúc nước này chịu lệnh trừng phạt của các nước láng giềng. (Nguồn: Reuters).
Thời hạn đã hết
Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani hôm cuối tuần qua cho hay bản yêu sách mà các nước láng giềng khu vực Vùng Vịnh chuyển cho họ đã bị bác bỏ, thêm rằng “tối hậu thư” mà các nước Arab đưa ra không hề nhằm mục đích ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố, mà nhằm vi phạm chủ quyền của đất nước họ.
Tuy nhiên, trong cuộc họp báo tại Rome (Italy), ông al-Thani khẳng định, rằng chính quyền Doha vẫn luôn sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán với các nước láng giềng Arab để chấm dứt cuộc khủng hoảng này.
“Danh sách các yêu cầu trên đã bị bác bỏ. Các yêu sách này không thể được chấp nhận chưa nói đến chuyện đàm phán” - ông al-Thani cho hay - “Nhà nước Qatar không chấp nhận các yêu sách này, nhưng chúng tôi sẵn sàng đối thoại, đưa ra các điều kiện hợp lý hơn để dọn đường cho các vòng đàm phán tiếp theo”.
Vị quan chức này cũng thêm rằng không bên nào có quyền được đưa ra một “tối hậu thư” cho một quốc gia có chủ quyền.
Cuộc khủng hoảng đang đẩy Vùng Vịnh tới bờ vực của khả năng xung đột bắt đầu từ hồi tháng trước, khi hàng loạt nước gồm Arab Saudi, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrrain và Ai Cập tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao và các thỏa thuận di chuyển qua lại với Qatar, cáo buộc nước này ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và là một đồng minh của Cộng hòa Iran - các cáo buộc mà chính quyền Doha cực lực bác bỏ.
Các quốc gia trên, dưới sự dẫn đầu của Arab Saudi, còn đe dọa sẽ tăng cường các lệnh trừng phạt nhằm vào Qatar nếu như nước này không cam kết làm theo danh sách gồm 13 yêu cầu mà các nhà trung gian hòa giải ở Kuwait đã chuyển tới Doha cách đây 10 ngày.
Các yêu cầu trong danh sách này bao gồm đóng cửa một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Qatar và đóng cửa hãng thông tấn al-Jazeera, điều mà chính quyền Doha cũng bác bỏ. Được biết, các nhà phê bình ở khu vực Vùng Vịnh từng cáo buộc hãng truyền thông al-Jazeera - hãng truyền thông được giới Arab theo dõi nhiều nhất hiện nay - là một công cụ ủng hộ những kẻ cực đoan và can thiệp vào các vấn đề nội bộ nước họ.
Al-Jazeera cũng đã bác bỏ mọi cáo buộc nhằm vào họ và cho rằng, hãng sẽ vẫn duy trì các hoạt động truyền thông độc lập.
Các lệnh trừng phạt mới
Trước đây, khi đưa ra bản yêu sách gồm 13 điều này, các nước cấm vận ở Vùng Vịnh đã khẳng định rằng sẽ không đàm phán về các điều khoản trên. Bởi vậy, sau khi Qatar khước từ tuân thủ làm theo các điều kiện trên, Đại sứ UAE tại Nga đã tuyên bố rằng Qatar có thể sẽ bị áp đặt thêm hàng loạt các lớp lệnh trừng phạt mới trong thời gian tới đây.
Theo giới phân tích, các nước láng giềng của Qatar ở Vùng Vịnh có thể sẽ trừng phạt chính quyền Doha bằng cách yêu cầu các đối tác thương mại của họ phải lựa chọn giữa hợp tác với họ hoặc với Doha.
Trong khi đó, Ngoại trưởng UAE Anwar Gargash đã tìm cách giảm thang căng thẳng khi nói rằng “Lựa chọn thay thế sẽ không khiến tình hình căng thẳng hơn, nhưng sẽ buộc phải chia tách nhau”, ám chỉ Qatar có thể bị buộc phải rời khỏi khối đồng minh gồm 6 thành viên ở khu vực Vùng Vịnh.
Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC), một liên minh được phương Tây hậu thuẫn, đã được thành lập bởi Arab Saudi, UAE, Kuwait, Qatar, Oman và Bahrain trong năm 1981 trong lúc đang diễn ra Cách mạng Hồi giáo ở Iran và sự bùng nổ của cuộc chiến Iran-Iraq.
Phát biểu tại Washington hồi tuần trước, Ngoại trưởng Qatar từng nói rằng GCC được thành lập với sứ mệnh bảo vệ các nước thành viên khỏi các mối đe dọa từ bên ngoài.
“Khi mối đe dọa đến từ bên ngoài GCC, đã xuất hiện sự ngờ vực về bền vững của tổ chức này” - ông Sheikh Mohammed nói trước báo giới.
Hiện nay, cuộc khủng hoảng đang gây ảnh hưởng nặng nề tới ngành công nghiệp du lịch, các mặt hàng nhập khẩu thực phẩm của Qatar, làm gia tăng căng thẳng giữa các nước trong khu vực Vùng Vịnh, gây nên tình trạng hoang mang trong giới đầu tư, và đặc biệt là đẩy Qatar tới gần hơn với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ - các nước đang viện trợ cho họ giữa khủng hoảng.
Tuy nhiên cuộc khủng hoảng lại không ảnh hưởng tới ngành xuất khẩu năng lượng của Qatar, hiện đang là nước xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và là nơi có căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ.
Cuộc khủng hoảng bùng nổ chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump có cuộc gặp với giới lãnh đạo Arab tại Riyadh (Arab Saudi) và kêu gọi tình đoàn kết để chống lại các mối đe dọa trong khu vực như Iran và các tổ chức phiến quân Hồi giáo.