Al-Jazeera: Hãng truyền thông tâm điểm của khủng hoảng Vùng Vịnh
Al-Jazeera, hãng thông tấn từng được xem như biểu tượng của truyền thông tự do Arab, phá vỡ thế thống trị của các mạng lưới truyền thông phương Tây và trở nên nổi tiếng nhờ nguồn thông tin trải dài từ Đông sang Tây, giờ lại nằm trong tâm bão của cuộc khủng hoảng Vùng Vịnh.
Bên trong trụ sở chính của al-Jazeera ở Doha, Qatar. (Nguồn: Reuters).
Hôm 23/6 vừa qua, Arab Saudi, UAE, Bahrain và Ai Cập đã áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào nền kinh tế và ngoại giao của Qatar, tiếp nối sau lời đe dọa sẽ có thêm hành động trừng phạt nếu nước này từ chối tuân thủ danh sách 13 yêu cầu của họ - trong đó đáng chú ý nhất là việc đóng cửa mạng truyền thông al-Jazeera.
Hiện nay, chính quyền Doha đã tuyên bố bác bỏ yêu sách này, một động thái được giới phân tích cho là có thể dẫn đến việc thay đổi chế độ ở Qatar, thậm chí xảy ra xung đột vũ trang.
Và dù điều gì xảy ra tiếp theo thì sau sự việc vừa rồi, người ta có thể thấy rằng al-Jazeera, 21 năm kể từ ngày chính thức hoạt động, đã bị một số cường quốc trong khu vực coi là cái gai trong mắt.
Chỉ có rất ít các hãng truyền thông có được tầm ảnh hưởng sâu rộng như vậy. Tuy nhiên al-Jazeera lại không giống các hãng truyền thông khác mà là một hiện tượng, bởi kể từ khi bắt đầu phát sóng năm 1996 nó mới chỉ đóng vai trò là một hãng truyền thông “nội bộ” trong giới Arab, nhưng đến năm 2010, nó đã đóng vai trò lớn trong việc mang tới cuộc cách mạng chính trị thực sự trong các nước Arab.
Trước khi al-Jazeera bắt đầu phát sóng, các kênh truyền hình của giới Arab không hoạt động một cách chuyên nghiệp. Các thông tin của họ phần lớn tập trung vào các vị lãnh đạo hay quốc vương, thông tin về con cháu họ… nhưng al-Jazeera đã phá vỡ quy luật này, cho phép mọi tiếng nói được lắng nghe, từ những thường dân Israel, cố lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi cho tới những tay phiến quân Chechnya, Taliban và cả trùm khủng bố Osama bin Laden.
Trong thời kỳ hoàng kim, al-Jazeera còn phát sóng cả chương trình về Chiến dịch Cáo Sa mạc ở Iraq năm 1998, cuộc phỏng vấn hậu 11-9 với Osama bin Laden, và cuộc chiến của Mỹ tại Afghanistan. Khi đó, al-Jazeera là kênh truyền hình duy nhất ở Qatar nhưng chỉ sau vài tuần đã trở thành một hãng thông tấn tầm cỡ thế giới.
Al-Jazeera cũng là mạng truyền thông đầu tiên của giới Arab từng mở chuyên mục điều tra và là hãng đầu tiên mời những nhân vật nhạy cảm tham gia chương trình đối thoại, động chạm tới các vấn đề gây tranh cãi khác như tôn giáo, chính trị, xã hội trong toàn khu vực. Hãng truyền thông này cũng liên tục đẩy lùi giới hạn tự do ngôn luận.
Nhưng cũng chính điều này đã khiến nhiều chính phủ các nước trong khu vực cảm thấy không hài lòng, đặc biệt trong bối cảnh hậu cách mạng ở Tunisia khiến cho giới lãnh đạo khu vực lo ngại về quyền lực của mình.
Trong bối cảnh xảy ra hàng loạt cuộc khủng hoảng giữa Qatar và nhiều quốc gia khác trong khu vực, ngoại trừ Oman, al-Jazeera ngày càng trở thành mục tiêu của nhiều thế lực thù địch nhằm triệt hạ nó: Từ việc bắt giữ các phóng viên của hãng, đóng cửa văn phòng, trục xuất đội ngũ nhân viên, đe dọa các nhà tài trợ, kiện tụng và nặng nề nhất là vụ việc Mỹ 2 lần đánh bom trúng các văn phòng của al-Jazeera, khiến nhiều người thiệt mạng.
Sau nhiều năm thất bại trong việc triệt hạ al-Jazeera, chính phủ các nước Arab cuối cùng nhận ra rằng cách duy nhất để đối phó với hãng này là đánh bại nó trong chính lĩnh vực truyền thông.
Năm 2003, Arab Saudi bắt đàu khởi động kênh truyền hình al-Arabiya. Do không có dữ liệu thống kê số người xem nên hiện nay người ta vẫn không biết liệu hãng này có nổi hơn al-Jazeera hay không.
Đương nhiên al-Jazeera không phải nguyên nhân duy nhất gây nên tình trạng căng thẳng giữa Qatar và các nước láng giềng. Arab Saudi và Qatar có thể là 2 nhà nước Hồi giáo Wahhabi duy nhất trên thế giới, nhưng họ lại có nhiều khác biệt về tư tưởng hệ. Al-Jazeera bị lọt vào danh sách của các nước cấm vận Qatar là do nó là một biểu tượng sức mạnh của Qatar.
Ngoài ra, phiên bản tiếng Anh của al-Jazeera cũng được độc giả phương Tây chú ý với website riêng, các thông tin chất lượng cao và các tin tài liệu tập trung vào các vấn đề của thế giới. So sánh với các hãng tin quốc tế khác như BBC World, CNN International, France 24, Russia Today… nhiều người cho rằng al-Jazeera phiên bản tiếng Anh vẫn được đánh giá cao.
Thất bại lớn nhất của al-Jazeera phiên bản tiếng Anh từ trước đến nay chỉ là họ chưa tìm được đường vào thị trường Mỹ. Trong khi ở Anh, nơi mà độc giả thường xuyên so sánh các hãng truyền thông dựa vào chất lượng, thì al-Jazeera cũng nằm trong số các kênh truyền thông hàng đầu, có khả năng sánh ngang với BBC, Sky hay Channel 4.
Bên cạnh đó, ngoài việc là một kênh thông tin 24 giờ, thì al-Jazeera phiên bản tiếng Arab lại rất khác xét cả về ngôn ngữ và nội dung so với phiên bản tiếng Anh. Điều này là dễ hiểu bởi phiên bản này hướng tới bộ phận độc giả hoàn toàn khác.
Điều khiến cho nhiều nước láng giềng của Qatar tỏ ra không hề dễ chịu với al-Jazeera chính là sự thành công của kênh này trong việc hình thành sự nhận thức chính trị mới trong cộng đồng người dân các nước và nêu bật nhiều vấn đề, gồm nhân quyền và công bằng xã hội.
Các nước láng giềng của Qatar lo ngại nhất là về quan điểm truyền bá của al-Jazeera, cho rằng sớm muộn nó cũng sẽ giúp cho các tổ chức Hồi giáo như Anh em Hồi giáo (MB) hay phong trào Hamas có thêm quyền lực trong khu vực, có thể bằng cách mạng hay thông qua các cuộc bầu cử dân chủ.
Đây cũng là vấn đề quan ngại của cả Israel và nhiều nước khác ở phương Tây.
Đã từng có nhiều quốc gia Arab người Hồi giáo dòng Sunni đã tổ chức một số cuộc bầu cử tự do và công bằng, trong đó các đảng Hồi giáo giành chiến thắng, nhưng họ lại không được phép nắm quyền lực lâu dài. Tuy nhiên, Qatar cho rằng một ngày nào đó, các đảng này sẽ nắm quyền lực thực sự. Và luận điệu đó khiến các nước láng giềng của Qatar tức giận.
Tất cả các nước Arab đang áp đặt lệnh trừng phạt với Qatar hiện này đều lo sợ khả năng sẽ bị thay đổi chế độ bởi các phong trào cách mạng, bị thay thế bởi các đảng phái Hồi giáo, bởi vậy họ coi các bài viết, phỏng vấn không né tránh của al-Jazeera như một mối đe dọa thực sự tới vận mệnh của mình.
Các nước cấm vận Qatar từng bỏ ra rất nhiều nguồn lực để cùng khống chế và tiêu diệt các cá nhân hay nhóm mà họ cho là khủng bố, từng được al-Jazeera đề cập tới trong các bài viết hay phỏng vấn, mà Osama bin Laden, Muammar Gaddafi là những ví dụ.
Bên cạnh đó, rất nhiều người Hồi giáo dòng Sunni ở các nước Arab, những người có tư tưởng tự do và người Hồi giáo nói chung đều xem al-Jazeera là một kênh truyền thông có tư tưởng dân chủ, đưa ra được viễn cảnh tích cực cho tương lai. Điều này đặc biệt đáng ngại với các nước láng giềng của Qatar khi phải chứng kiến một hãng truyền thông có sức ảnh hưởng ngày một tăng, trong khi người dân ở các nước này lo lắng về việc chính phủ hoạt động không hiệu quả.
Thực ra, Qatar cũng là một chính phủ chuyên quyền như các nước trong khu vực, nhưng do là một nước nhỏ và giàu có, các quy luật thông thường không khiến họ bị ảnh hưởng. Đó là lý do tại sao mà nước này tỏ ra không khuất phục trước yêu sách mà các nước láng giềng đưa ra, ngay cả khi hạn chót để họ chấp nhận yêu sách đã chấm dứt trong hôm 3/7.
Ngày 3/7, Arab Saudi và các nước đồng minh Vùng Vịnh, Ai Cập đã đồng ý gia hạn cho Qatar khoảng thời gian 48 giờ để chấp nhận bản yêu sách bao gồm 13 yêu cầu nếu Doha muốn nối lại quan hệ giữa hai bên, theo hãng tin AFP. Động thái trên được đưa ra theo yêu cầu từ Kuwait - trung gian hoà giải trong cuộc khủng hoảng. |