Lý Đạo Thành: Thái sư hộ quốc an dân
Một trong những nhân vật lịch sử được nhân dân đương thời và hậu thế ca tụng công đức, tài năng trong hai triều Vua Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông đồng thời cũng đầy thăng trầm trong chốn quan trường lại có quan hệ sâu sắc, đa chiều, phức tạp với Lý Thường Kiệt và Hoàng Thái hậu Ỷ Lan là Thái sư Lý Đạo Thành.
Tượng Thái sư Lý Đạo Thành tại Văn Chỉ Khu di tích Đền Đô, Bắc Ninh.
Hậu thế đã tốn không ít giấy mực khi bàn luận và soi rọi mối quan hệ nói trên. Từ cuộc đời thanh liêm, chính trực, một công thần suốt đời trung với vua, trọn vẹn với nhân dân, đất nước mặc cho đường công danh chìm nổi đã cho chúng ta thấy rõ ràng hơn vẻ đẹp của Thái sư Lý Đạo Thành.
Lý Đạo Thành xuất thân ở châu Cổ Pháp - đất phát tích của dòng họ Lý (thuộc địa phận Bắc Ninh ngày nay), cha ông là Lý Kính, mẹ ông là Tạ Cẩn đều có quan hệ dòng tộc thân thuộc với Vua nhà Lý. Ngay từ thuở nhỏ, Lý Đạo Thành đã nổi tiếng là bậc thần đồng, thông minh đĩnh ngộ, tướng mạo khác thường. Ông đã sớm được giáo dục bởi những thầy giỏi. Mới ba tuổi, Lý Đạo Thành đã hiểu lễ nghĩa, tính tình nhu thuận, kính nhường. Bảy tuổi chính thức được tu tập đường văn đường võ đến năm mười ba tuổi đã tinh thông văn sách, binh thư, bản thân siêng năng, võ nghệ tinh tiến, dấu hiệu căn cốt của bậc trụ cột suốt hai triều Vua đầy sóng gió nhưng cũng nhiều huân công trong đánh giặc và trị quốc.
Dưới thời Lý Thánh Tông trị vì đất nước (1054 - 1072), Lý Đạo Thành được đặc biệt tin dùng, được phát huy mọi sở trường, tài năng về chính trị, đặc biệt là nội trị. Ông, với cương vị Thái sư đầu triều đã đặt ra nền móng căn bản, vững chắc cho vương triều Lý. Được học hành cẩn thận, tu tập toàn diện, với tài năng bẩm sinh của mình, Lý Đạo Thành luôn được Vua giao cho chủ trì việc nước khi Lý Thánh Tông cùng Lý Thường Kiệt đem quân đánh dẹp ngoài biên cương.
Có thể khẳng định, qua việc xử lý triều chính của Thái sư Lý Đạo Thành, những võ công mà Lý Thánh Tông có được, nhất là công cuộc bình Chiêm nơi phương Nam vạn dặm xa xôi có công rất lớn của Thái sư Lý Đạo Thành.
Lý Đạo Thành trị nước rất nghiêm, luôn mong mỏi tiến cử người hiền tài cho đất nước. Bản thân ông là một tấm gương sáng vằng vặc về lẽ cương thường, đạo làm quan, làm tướng, nhất là việc giữ gìn nghi lễ, nghi trượng triều đình. Lịch sử từng chứng minh, lịch sử phong kiến Trung Quốc đã sản sinh ra hàng loạt những Thái sư chuyên quyền, lấn át vua, mưu mô thoán đoạt vương vị khiến thân bại danh liệt, hậu thế chê cười. Với thực tế triều chính Đại Việt vốn ảnh hưởng rất lớn từ Trung Hoa, chắc chắn không thể không có sự nghi ngại, đề phòng của các bậc quân vương với các đại thần. Nhưng với Thái sư Lý Đạo Thành dường như không hề có điều đó. Lý Thánh Tông đặc biệt kính trọng và tin dùng Thái sư. Ngay đến lúc băng hà (năm 1072) Thái sư Lý Đạo Thành là người trực tiếp được Lý Thánh Tông ký thác con thơ. Điều này cho thấy mối quan hệ đặc biệt khăng khít giữa Lý Thánh Tông và Lý Đạo Thành luôn dựa trên cơ sở hết sức tin cậy lẫn nhau.
Ai cũng nghĩ với chức vị và năng lực toàn diện, đạo đức trong sáng như Lý Đạo Thành, lại được đích thân Lý Thánh Tông ủy thác con thơ ắt đường quan của Lý Đạo Thành sẽ bằng phẳng vững bền để ông tiếp tục cống hiến cho đất nước. Lịch sử nếu như vậy chẳng phải sẽ tẻ nhạt lắm sao? Đường quan cứ như vậy chẳng phải Trời xanh không thử dạ hiền tài hay sao? Lịch sử đôi khi trêu tròng hậu thế cũng là lẽ thường vậy.
Khi Lý Nhân Tông bảy tuổi lên ngôi, trong triều bắt đầu nảy sinh phe phái tranh giành quyền lực. Về lý, Thượng Dương Thái hậu là bậc chính thất, Lý Đạo Thành là Thái sư được ủy thác giúp Vua mới trông coi triều chính nhưng về tình, về đạo lý thì Hoàng Thái hậu Ỷ Lan (khi đó còn là Hoàng Thái phi) mới chính là mẹ đẻ của Lý Nhân Tông đương nhiên khó bề cam chịu. Ỷ Lan cũng là bậc xuất chúng. Xuất thân nơi thôn dã đi thẳng vào trong cung vua, là vợ Vua Lý Thánh Tông, sinh ra Vua con Lý Nhân Tông đâu phải là người cam phận. Việc mẹ nhờ cậy vào con xưa nay là lẽ tự nhiên. Bám chắc vào lý ấy, Hoàng Thái phi Ỷ Lan vừa khôn khéo vừa kiên quyết hành động. Ỷ Lan một mặt dùng tình cảm mẹ con để tranh thủ Lý Nhân Tông thực hiện mọi ý định của mình một mặt kết giao mật thiết với Thái úy Lý Thường Kiệt, bậc võ tướng trải nhiều huân công từng rất được Lý Thái Tông và Lý Thánh Tông tin dùng. Ngay trong triều chính, Lý Thường Kiệt từng 12 năm làm nội thị theo hầu Lý Thái Tông được ban đến chức Nội thị Sảnh đô tri khi mới 35 tuổi (1053). Hoàng Thái phi Ỷ Lan đã rất sáng suốt khi liên danh với Thái úy Lý Thường Kiệt. Trong khi Thái sư Lý Đạo Thành và Thái hậu Thượng Dương dường như chủ quan cho rằng Lý Thường Kiệt chỉ giỏi đánh giặc nơi biên trấn chứ vận hành triều chính nhất định phải là Thái sư đức cao vọng trọng được trăm quan tín phục.
Đó cũng là sự cao cường bí ẩn của lịch sử.
Khi cục diện triều chính thay đổi, Hoàng Thái phi Ỷ Lan và Thái úy Lý Thường Kiệt từng bước nắm chắc quyền lực, đẩy Thượng Dương Thái hậu vào chỗ mắc trọng tội khép vào tội chết, dùng mệnh vua Lý Nhân Tông giáng Lý Đạo Thành xuống chức Tả Gián nghị Đại phu chuyển đi coi sóc công việc ở châu Nghệ An cũng là lúc vở kịch hạ màn, cả triều kinh sợ. Lão luyện triều chính như Thái sư Lý Đạo Thành còn bàng hoàng sửng sốt, không thể ngờ rằng một cô thôn nữ hái dâu, một viên võ quan xuất thân thái giám lại có đủ bản lĩnh và quả đoán đến nghiệt ngã như vậy. Tìm hiểu vấn đề này, hậu thế không ngớt khen chê. Nhưng càng có độ lùi thời gian, ta càng thấy sự thắng thế của Hoàng Thái phi Ỷ Lan và Thái úy Lý Thường Kiệt là có lý có tình, có cơ sở khoa học vững chắc.
Lý Đạo Thành vốn là một bậc túc nho tài kiêm văn võ, kinh nghiệm dày dặn đã dần dần tĩnh tại, nhận ra tình thế của mình, càng nhận ra việc cho rời xa kinh thành cũng chính là nước cờ cao cường của Hoàng Thái hậu Ỷ Lan (nay đã đường hoàng ngôi vị Hoàng Thái hậu) và Thái úy Lý Thường Kiệt vậy. Nếu là người khác hoàn toàn có thể giết ông để trừ hậu họa. Chính việc này đã cho ông suy nghĩ khác hẳn về những đối thủ vừa đánh bại mình.
Vào châu Nghệ An, Lý Đạo Thành lập Viện địa tạng trong Miếu vương thánh, đặt tượng Phật và bài vị của Lý Thánh Tông mà thờ phụng ngầm bày tỏ lòng trung thành và nỗi u uất của một vị quan thanh liêm chính trực đứng đầu triều bỗng chốc bị đưa đi kiêm quản vùng đất biên cương.
Những ngày này, hẳn Lý Đạo Thành đã có thừa thời gian suy nghĩ và thấy được sự tất yếu của cuộc chuyển giao quyền lực. Triều chính vốn là nơi hung hiểm không chỉ cậy vào tài đức mà còn là nơi diễn ra những thủ đoạn cổ kim chưa từng thấy. Lý Đạo Thành đã thấy được sự trớ trêu của lịch sử, sự khó lường của lòng người nhưng không vì thế mà ông ngừng suy nghĩ và làm việc có lợi cho dân cho nước.
Chính điều này đã làm nên vẻ đẹp căn cốt nhất của Lý Đạo Thành.
Năm 1074, trước nguy cơ xâm lược của nhà Tống nơi phương Bắc và sự quấy nhiễu triền miên của Chiêm Thành phía Nam, đứng trước sự lựa chọn sống còn, Hoàng Thái hậu Ỷ Lan dùng mệnh vua, với quyền nhiếp chính đã giao cho Lý Thường Kiệt vào Nghệ An phong chức Thái phó Bình chương quân quốc trọng sự cho Lý Đạo Thành và mời ông về kinh tham dự triều chính giúp Vua, giúp nước. Ta lại thấy một vẻ đẹp sâu sắc khác nơi Lý Đạo Thành. Ông bình tâm nhận lời và bằng tài năng, đức độ, viễn kiến sâu xa, tấm lòng gạt bỏ hiềm khích hết sức hết lòng giúp nước.
Trên cương vị Thái phó, được giao chủ trì việc nội trị - một sở trường của ông đã giúp cho triều chính Đại Việt dưới thời Vua Lý Nhân Tông thêm vững vàng để Lý Thường Kiệt với cương vị tổng chỉ huy quân đội đánh thắng giặc Tống, chinh phạt Chiêm Thành, lập nên những huân công đã được ghi vào lịch sử.
Ở đây ta cũng thấy sự khác thường, vượt rất xa cách suy nghĩ của chế độ phong kiến đương thời của Hoàng Thái hậu Ỷ Lan và Thái úy Lý Thường Kiệt về trọng dụng hiền tài, nhất là khi đất nước đứng trước họa xâm lăng. Thái hậu và Thái úy đã biết nhìn ra mấu chốt của thế nước chính là ở sự đoàn kết nơi triều đình, nhất là những người nắm giữ quyền lực cao nhất mới có thể có đủ sức mạnh để đánh thắng giặc.
Cũng thấy một điều, cả ba người: Lý Đạo Thành, Lý Thường Kiệt, Hoàng Thái hậu Ỷ Lan đều là những bậc anh hùng tuấn kiệt, danh nhân của đất nước vậy.
Trong cuộc kháng chiến chống Tống (1077 - 1078), khi Thái úy Lý Thường Kiệt cùng các tướng lĩnh đánh thắng giặc Tống với trận Như Nguyệt nổi tiếng lịch sử thì Lý Đạo Thành điều tiết công việc triều chính vô cùng kỷ cương, kỷ luật để các quan lại theo chức trách của mình hoàn thành mọi nhiệm vụ, tạo sức mạnh tổng hợp, hậu thuẫn cho tướng sĩ nơi chiến trường đánh giặc góp phần vào thắng lợi chung.