Một lời xin lỗi khó lắm hay sao?
Hồi còn nhỏ, tôi và bạn bè cùng trang lứa đã được cha mẹ dạy bảo về cảm ơn, xin lỗi, với lời dặn khi được giúp đỡ phải nói lời cảm ơn; làm việc có thể gây phiền hà cho người khác, hay có điều sơ suất, thậm chí là sai, trước hết phải xin lỗi. Đó là điều thường tình khi sống trong cuộc đời và ứng xử với đồng loại, vả lại cảm ơn, xin lỗi còn làm cho mỗi người được trân trọng hơn.
Ngay cả khi cảm ơn, xin lỗi một cách chiếu lệ, không thật lòng, như để cho xong chuyện, vẫn có thể xoa dịu người liên quan, làm giảm sự căng thẳng, nhẹ nhàng hóa một vấn đề có thể diễn biến phức tạp. Là điều thường tình nên đối với tôi, việc cảm ơn, xin lỗi không phải là việc khó khăn, cho dù đôi khi làm như thế lại bị coi là... khách sáo! Nhưng dần dà tôi thấy trong sinh hoạt xã hội, lời cảm ơn, xin lỗi như đang vơi mỏng, thưa thớt. Hình như đã có người coi việc người khác giúp đỡ mình là trách nhiệm nên không cần cảm ơn, lại có người làm việc sai, thậm chí rất sai, vẫn không có nổi một lời xin lỗi?
Cũng hình như cảm ơn, xin lỗi giờ hiếm hoi đến mức có khi người nhận được lời cảm ơn lại rất ngạc nhiên. Như lần lên Điện Biên, tôi tìm mua mấy lít mật ong. Trời nắng nóng, sợ để trên ôtô vài ngày mới về Hà Nội thì mật ong sủi bọt tràn ra ngoài, tôi vào chợ mua hai túi nilon lồng vào nhau, và nhờ chị bán hàng đưa giúp “can” mật ong vào túi. Làm hộ tôi xong, chị còn chằng buộc, dặn dò cẩn thận. Tôi trả tiền và cảm ơn chị. Vừa nghe tôi cảm ơn, chị bán hàng liền tròn xoe mắt: “Cả tuần nay em mới thấy có người mua hàng còn cảm ơn!”. Trên đường về, tôi ngẫm nghĩ về chị bán hàng thật thà, chân thành, vậy mà một lời cảm ơn dành cho chị vẫn hiếm hoi!
Cảm ơn, xin lỗi trong sinh hoạt hàng ngày giờ thưa vắng đến mức ngày nọ lần đầu tiên ra nước ngoài, mỗi khi chờ và ngồi trên tàu điện ngầm, trong thang máy, đi ngoài đường, xem chương trình nghệ thuật, vào siêu thị,... luôn được nghe cảm ơn (thank you), xin lỗi (sorry) mà tôi lại ngạc nhiên! Ngạc nhiên nhất là lần trong siêu thị, vì đứng gần nhìn không rõ hàng hóa bày ở quầy trên cao, tôi lùi lại phía sau một chút nhìn cho rõ. Khi lùi, tôi cũng vô ý không nhìn sau lưng, nên va phải một người. Tôi ngoảnh lại, chưa kịp xin lỗi thì người phía sau đã xin lỗi trước. Hai người cùng xin lỗi và cùng cười, trong khi thực ra tôi mới là người có lỗi, do đã vô ý.
Lại nghĩ đến những lần đi trên vỉa hè hoặc đi xe máy trên đường, có người hỏi đường, tôi hướng dẫn cặn kẽ, hoặc bảo đi cùng sẽ chỉ giúp, vậy mà chỉ đôi lần nhận được lời cảm ơn, đa số hỏi xong là đi luôn, thản nhiên như không! Lần khác, thấy đèn xi-nhan xe máy của người phía trước nháy sang phải, tôi yên tâm đi thẳng. Ngờ đâu người đó lại rẽ sang trái, hai xe va vào nhau, ngã quay lơ. Chưa kịp hoàn hồn, người kia đã nhanh chóng văng tục, chửi tôi là “lão già mù”, rồi sừng sộ như sắp đánh nhau. Đang lồm cồm dưới đất, tôi chỉ đèn xi-nhan xe máy của anh ta vẫn còn nhấp nháy sang phải, anh ta ngó rồi lầm bầm, quay ra ngắm trước ngắm sau xe của mình và nổ máy bỏ đi, không một lời xin lỗi. Mấy cháu thanh niên vừa đỡ tôi đứng dậy vừa hỏi tại sao không giữ người kia lại, tôi bảo: “Giữ làm gì cháu, họ đã như thế có giữ cũng chỉ nghe chửi thêm thôi”! Lần khác thì ngược lại, đang đi trên đường tôi nghe có tiếng ai đó nói ồm ồm “Chơn chống, chơn chống...!” bên cạnh. Nhìn sang thấy một anh Tây. Anh hướng ánh mắt xuống phía dưới nhắc tôi chưa gạt chân chống xe máy. Tôi chưa kịp cảm ơn thì anh Tây đã phóng đi!
Nhìn rộng ra phải nói rằng càng gần đây, trong sinh hoạt và giao tiếp hàng ngày ở Việt Nam, nhiều người tỏ ra ít quan tâm cảm ơn, xin lỗi lẫn nhau trong sinh hoạt, giao tiếp. Hệ lụy nhãn tiền của việc không biết nhận lỗi, xin lỗi là hai sự việc ầm ĩ gây chú ý trong dư luận gần đây liên quan một bà hiệu trường, một bà cán bộ cấp sở. Tôi nghĩ, chuyện sẽ không có gì ầm ĩ nếu ngay từ đầu họ biết nhận lỗi và xin lỗi, nhưng họ đã không làm như vậy, mà họ cố tìm mọi cách chối bay chối biến với đủ thứ bằng chứng, lý lẽ cù nhầy, mà càng chối thì sự dối trá càng lộ ra. Không có bản lĩnh nhận lỗi, xin lỗi nên bà hiệu trưởng phải thực hiện một chuỗi phát ngôn, việc làm dối trá, thậm chí để bảo vệ mình, bà không ngần ngại vu cáo người khác nói không đúng sự thật, chỉ đến khi sự thật được sáng tỏ, không còn cơ hội để cãi, bà mới chịu im lặng! Tương tự, với bà cán bộ cấp sở chụp ảnh tự sướng. Lẽ ra, bà chỉ có một lời xin lỗi công khai, đàng hoàng thì dư luận cũng dễ bỏ qua, nhưng lúc đầu bà lại cãi bằng các lý lẽ rất khôi hài, tỷ như: ở đó không có biển cấm hái hoa hoặc cấm bẻ hoa, hoa do tài xế bẻ và bà thấy hay thì cầm lên để chụp ảnh, rồi khẳng định báo chí muốn quy chụp! Và bà chỉ xin lỗi khi không còn lý sự cùn được nữa. Cho nên sau khi bà xin lỗi, tôi vẫn coi đấy chỉ là xin lỗi chiếu lệ, không thật lòng, một việc làm cực chẳng đã khi bà bị dồn đến chân tường, không còn đường bao biện, chối cãi.
Sự việc của hai vị cán bộ kể trên làm tôi liên tưởng tới một sự kiện xảy ra tháng 11/2016. Trên đường đi học, vì làm vỡ gương chiếc ô-tô đậu bên đường, Nguyễn Thế Tùng, học sinh lớp 11 Trường PTTH Trần Nguyên Hãn (TP Hải Phòng) viết một mảnh giấy để lại cho chú lái xe với nội dung: “Do vô tình nên cháu đâm vào gương ô-tô. Cháu xin lỗi ạ. Liên lạc với cháu theo số điện thoại … để cháu đền ạ”. Gần đây hơn là statuts trên facebook vào tháng 12-2016 của anh Nguyễn Hùng Sơn - lái xe taxi, kèm tấm ảnh một chú bé đi xe đạp đâm vào xe của anh Sơn đang đỗ. Vì thấy “cu cậu đâm xong thì không đi mà cứ đứng đấy”, anh Sơn hạ kính xuống nhìn ra “thì cu cậu đứng ngay ngắn: cháu xin lỗi chú”. Đó là chú bé Nguyễn Hữu Hoài Lâm, học sinh lớp 2 Trường tiểu học Dư Hàng Kênh (Hải Phòng).
Rồi anh Sơn viết: “lái taxi nên bị va quệt suốt ngày, nhưng những lời xin lỗi hơi hiếm mà đa số thay vào đấy là lườm, là chửi, không thì lại bỏ chạy sợ bị đền”! Thú vị là sau khi sự việc được báo chí đề cập, cha mẹ của bé Lâm còn gặp tài xế taxi để xin lỗi lần nữa... Và không có gì xác đáng hơn ý kiến chủ nhân chiếc xe bị vỡ gương: “Cháu thành thực xin lỗi khiến tôi rất cảm động. Không nhiều người dám chịu trách nhiệm như cháu, ngay cả những người lớn. Tôi thấy cháu này được giáo dục rất tốt. Cháu xin được đền bù vì làm vỡ gương nhưng tôi thấy việc cháu dũng cảm nhận lỗi còn quý hơn nhiều giá trị chiếc gương”! Từ hai sự việc trên, tôi tự hỏi, chẳng lẽ bà hiệu trưởng, vị cán bộ sở nọ lại không có được các ứng xử như của mấy chú học trò Nguyễn Hữu Hoài Lâm, Nguyễn Thế Tùng hay sao?
Lại nhớ về điều Khổng Tử bảo rằng: “Người quân tử yêu cầu chính là bản thân mình, kẻ tiểu nhân yêu cầu là ở những người khác” và một tác giả phân tích đại loại: khi gặp điều không hay, người quân tử sẽ tự đánh giá bản thân xem có sai lầm, thiếu sót gì để sửa chữa; còn kẻ tiểu nhân thì luôn nhìn vào người khác, đổ lỗi và trách cứ người khác mà không xem lại mình, họ luôn cho bản thân là đúng, lỗi lầm đều do người khác, họ yêu cầu người khác rất cao nhưng không có yêu cầu gì cho bản thân, không nhìn nhận khuyết điểm của bản thân,... Hồ Chí Minh cũng đã từng nói: “Người đời ai cũng có khuyết điểm. Có làm việc thì có sai lầm. Chúng ta không sợ có sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa sai lầm và khuyết điểm”, tức là theo Người, khuyết điểm là một khả năng luôn có thể xẩy ra, vấn đề quan thiết là phải biết nhận ra khuyết điểm để tự điều chỉnh. Và thiết nghĩ, từ quan hệ bản chất của vấn đề thì muốn xét lại, muốn sửa chữa sai lầm, khuyết điểm của bản thân mình, trước hết phải trung thực với chính mình, phải trung thực với đồng loại, nhất là với các cá nhân giữ vị trí quan trọng, như cha mẹ trong gia đình, lãnh đạo chính quyền các cấp, các doanh nghiệp, đoàn thể, hệ thống nhà trường...
Khi các tiêu chí ứng xử của Nho giáo đã dần dà phai nhạt, nếu trong gia đình cha mẹ lấy câu “muốn nói ngoa làm cha mà nói” làm nguyên tắc ứng xử, khi làm sai không dám nhận,... thì khó có thể nhận được sự kính trọng của con cái, càng khó có thể trở thành tấm gương để con cái học hỏi. Còn lãnh đạo chính quyền, doanh nghiệp, đoàn thể,... lại coi câu “miệng nhà quan có gang có thép” làm tiêu chí ứng xử với nhân dân, với thuộc cấp, thì uy tín sẽ rất dễ nhạt nhòa, niềm tin sứt mẻ,... làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín cơ quan, đoàn thể, nhà trường. Cho nên nếu trung thực là phẩm chất mọi người cần trau dồi và thực hành, thì trước hết phải được thể hiện qua những điều nhỏ nhặt nhưng chứa đựng các giá trị có ý nghĩa to lớn, như nhận lỗi, xin lỗi chẳng hạn.
Ví như đọc trên internet, tôi đã đọc một tác giả viết: “Biết nói lời xin lỗi, chứng tỏ ta có lòng kính trọng và thiện cảm đối với người bị hàm oan. Xin lỗi có khả năng hóa giải cơn giận. Xin lỗi ngăn chặn các hiểu lầm nhau. Lời xin lỗi như liều thuốc chữa lành mọi vết thương lòng. Xin lỗi mở cánh cửa tha thứ, giúp con người cảm thông với nhau. Khi lỡ xúc phạm đến ai, ta cảm thấy hối hận và xấu hổ rồi bần thần, áy náy lương tâm. Khi ngỏ lời xin lỗi, ta tìm đựơc bình an tâm hồn, cảm nhận sự thanh thản và thân thiện với anh em. Biết lỗi và xin lỗi là dấu chỉ của một con người khiêm nhường. Xin lỗi có một lối đi từ trái tim đến trái tim. Thành tâm, không giả tạo, mang đến nhiều lợi ích trong ứng xứ. Một lời xin lỗi chân thành có sức mạnh vĩ đại, có khả năng biến đổi đời người, cho cả người xin và kẻ nhận”.