Bộ KHCN trả lời EuroCham về xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ
Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) gửi một số góp ý về việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ (SHTT).
Theo ý kiến của EuroCham, Chính phủ cần lập các chương trình nâng cao nhận thức người tiêu dùng và doanh nghiệp về tác hại của hàng giả; thực hiện các biện pháp xử lý như: nghiêm chỉnh lên án các hành vi vi phạm quyền SHTT, tăng mức phạt hành chính đối với cá nhân vi phạm bản quyền, tăng mức tiền phạt bồi thường và các hình thức xử lý khác.
Đồng thời, sửa đổi Luật SHTT để cho phép thực thi hiệu quả luật này trong môi trường trực tuyến, áp dụng chính sách giải quyết tranh chấp tên miền thống nhất (UDRP) để giải quyết tranh chấp tên miền “.vn” và hình thức chiếm dụng tên miền, sửa đổi Luật SHTT hoặc Luật Công nghệ thông tin để giải quyết các trường hợp tranh chấp hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, EuroCham đề nghị công bố trực tuyến các bản án về thực thi quyền SHTT và thực thi các điều khoản chung về hiệu lực thi hành, các điều khoản thực thi về chỉ dẫn địa lý (GI) trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) để bảo đảm môi trường SHTT bền vững cho những công ty nước ngoài nắm giữ quyền SHTT tại Việt Nam.
Về vấn đề này, Bộ Khoa học và Công nghệ trả lời như sau:
Từ nhiều năm nay, Chính phủ Việt Nam đã tiến hành nhiều chương trình nhằm nâng cao nhận thức về tác hại của hàng giả đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp. Các chương trình cụ thể được thực hiện bao gồm: Các chương trình tuyên truyền, nâng cao nhận thức xã hội thông qua các phương tiện truyền hình, phát thanh, báo chí và các phương tiện truyền thông khác; tổ chức các triển lãm, hội chợ về hàng giả; tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn, phổ biến kiến thức; xây dựng đề án đưa SHTT vào giảng dạy tại các trường THPT và các trường đại học… Những chương trình này sẽ tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới.
Đối với mức phạt và các hình thức xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (SHCN), lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đã được quy định chi tiết và đầy đủ trong Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 99/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực SHCN và Nghị định số 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan.
Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHCN, vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan lên tới 250 triệu đồng, đối với các tổ chức là 500 triệu đồng. Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả.
Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính, hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định 99/2013/NĐ-CP phù hợp với tình hình thực tiễn trong lĩnh vực SHCN cũng như điều kiện kinh tế, xã hội tại Việt Nam.
Hiện nay Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đang tiến hành tổng kết 10 năm thi hành Luật SHTT, trong đó có hoạt động nghiên cứu và đánh giá về tính hiệu quả của các biện pháp thực thi hành chính trong lĩnh vực SHCN.
Từ các nghiên cứu này, Bộ KH&CN sẽ kiến nghị Chính phủ các giải pháp trung và dài hạn phù hợp trong việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHCN.
Việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT trên Internet
Liên quan đến thực thi quyền SHTT trong môi trường trực tuyến, về cơ bản, pháp luật Việt Nam không phân biệt các hành vi xâm phạm quyền trên môi trường thực và môi trường trực tuyến.
Quy định cụ thể về các hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại… cũng được áp dụng trên môi trường mạng và bị xử lý theo quy định tại các Điều 10, 11, 12 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP.
Liên quan đến giải quyết tranh chấp tên miền nói chung, hiện nay, việc giải quyết tranh chấp tên miền “.vn” được thực hiện theo Luật Công nghệ thông tin, Điều 16 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Điều 16 Thông tư số 24/2015/TT-BTTTT ngày 18/8/2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet.
Liên quan đến giải quyết tranh chấp tên miền vi phạm pháp luật về SHTT, Điều 130 Luật SHTT quy định xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền.
Theo đó, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền, cụ thể là hành vi đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền, được quy định chi tiết tại Khoản 2, Điều 19 Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN. Các biện pháp xử phạt hành vi này bao gồm phạt tiền và có thể bị buộc phải thay đổi thông tin tên miền hoặc trả lại tên miền.
Trình tự, thủ tục thay đổi, thu hồi tên miền vi phạm pháp luật về SHTT cũng như trách nhiệm phối hợp giữa cơ quan thực thi và cơ quan quản lý tên miền trong quá trình xử lý tên miền vi phạm pháp luật SHTT được quy định cụ thể tại Thông tư liên tịch số 14/2016/TT-BTTTT-BKHCN ngày 8/6/2016.
Trong giai đoạn hiện nay, hoạt động xâm phạm quyền SHCN trên môi trường trực tuyến rất đa đạng và phức tạp. Đây là loại hình xâm phạm mới, các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm, trong khi đó nhận thức chung của tổ chức, cá nhân Việt Nam về bảo vệ quyền SHTT trong môi trường trực tuyến còn rất hạn chế, chưa thực hiện các biện pháp để bảo vệ quyền SHTT của mình theo quy định tại Điều 198 Luật SHTT.
Mặc dù là lĩnh vực mới mẻ nhưng các cơ quan thực thi quyền SHCN cũng đã tiến hành xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHCN trên môi trường trực tuyến (xử lý chủ yếu đối với các trang thông tin điện tử có đăng tải các thông tin có chứa các nội dung xâm phạm quyền SHCN hoặc các chủ thể đăng ký, sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ), đã phối hợp với Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý các vụ việc cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền.
Tuy nhiên, việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHCN trên môi trường trực tuyến còn gặp nhiều khó khăn do khó xác định được tổ chức, cá nhân vi phạm; khó thu thập được chứng cứ về yếu tố xâm phạm để bảo đảm căn cứ cho quá trình xử lý; không áp dụng biện pháp thu hồi tên miền đối với tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng tên miền nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng…
Về vấn đề này, Bộ KH&CN đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc nghiên cứu và tiến tới xây dựng các quy định xử lý đối với hành vi xâm phạm quyền SHCN trên môi trường trực tuyến và hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền cho phù hợp và hiệu quả hơn.
Đã xây dựng website về thực thi quyền SHTT
Về kiến nghị công bố trực tuyến các bản án về thực thi quyền SHTT và thực thi các điều khoản chung, vấn đề này hiện còn phụ thuộc vào nhân lực, cơ sở hạ tầng mạng thông tin viễn thông của hệ thống Tòa án Việt Nam.
Liên quan đến lĩnh vực, phạm vi quản lý của mình, Bộ KH&CN thông qua cơ quan có chức năng thực thi quyền SHCN là Thanh tra Bộ đã xây dựng trang thông tin trực tuyến www.thanhtra.most.gov.vn để đăng tải những thông tin liên quan đến xử lý xâm phạm quyền SHCN của Thanh tra ngành KH&CN.
Trong thời gian tới, Bộ KH&CN cũng sẽ tích cực phối hợp với các đối tác để có thể hoàn thiện cơ sở dữ liệu này.
Bên cạnh đó, với sự trợ giúp của Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Bộ KH&CN phối hợp cùng 5 cơ quan khác bao gồm Cục SHTT, Thanh tra Bộ KH&CN, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính), Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) và Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an) đã xây dựng Hệ thống thông tin về thực thi quyền SHTT.
Trong thời gian tới, hệ thống nêu trên sẽ tiếp tục được hoàn thiện và cập nhật các thông tin liên quan tới thực thi quyền SHTT.
Về các điều khoản thực thi về chỉ dẫn địa lý trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), mặc dù đã kết thúc đàm phán, nhưng đến nay Hiệp định EVFTA vẫn đang trong quá trình rà soát pháp lý để tiến tới ký kết và thông qua.
Ngay sau khi Hiệp định được ký kết, Bộ KH&CN sẽ nghiên cứu, đánh giá sự tương thích của các quy định trong pháp luật Việt Nam đối với các cam kết trong Hiệp định và đề xuất phương án thi hành đối với những nội dung mà pháp luật Việt Nam chưa tương thích để có thể thi hành nghiêm túc các cam kết khi Hiệp định có hiệu lực, trong đó có các quy định liên quan đến chỉ dẫn địa lý.