Nhớ vị Đại tướng được Bác Hồ đặt tên
Đã 50 năm ngày mất của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (6/7/1967), một vị Đại tướng bình dị mà tài năng, hết lòng vì sự nghiệp cách mạng, một người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tọa đàm "Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh". Ảnh: VGP.
Nhân dịp tròn 50 năm buổi gặp gỡ cuối cùng giữa Bác Hồ với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và tưởng nhớ ngày Đại tướng đi xa, Bộ VH-TT&DL và Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức tọa đàm khoa học và giao lưu nhân chứng “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh”.
Tên khai sinh của Đại tướng là Nguyễn Vịnh. Tại Quốc dân đại hội Tân Trào tháng 8/1945, khi nghe có tên Nguyễn Chí Thanh trong danh sách Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nguyễn Vịnh quay sang hỏi Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi bên cạnh: "Nguyễn Chí Thanh là ai mà nghe lạ thế!". Đại tướng Võ Nguyên Giáp mỉm cười trả lời: "Là anh chứ ai nữa, chính Bác đặt tên cho anh đấy". Nguyễn Vịnh vừa ngỡ ngàng, vừa sung sướng! Từ đây cái tên Nguyễn Chí Thanh trở thành một phần lịch sử của quân đội ta, của Cách mạng Việt Nam.
Có mặt tại buổi tọa đàm dù tuổi cao, sức yếu, Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh nhấn mạnh: “Cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh kể từ buổi ban đầu đến khi ở những cương vị lãnh đạo cao nhất, lúc nào anh cũng xông xáo thâm nhập vào cuộc sống của đồng bào và chiến sĩ, lăn lộn với phong trào, tìm ra quy luật phát triển tạo ra bước ngoặt mới cho cách mạng, tự tôi rèn mình trong đấu tranh cách mạng. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã trở thành nhà chính trị-quân sự lỗi lạc của Đảng, quân đội và dân tộc ta.
Trọn đời mình, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là hình ảnh tiêu biểu của "Anh bộ đội Cụ Hồ", là một trong những cán bộ lãnh đạo lỗi lạc của Cách mạng Việt Nam, của Đảng ta, Nhà nước ta, của Quân đội ta. Anh là người con ưu tú của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh quang vinh!”.
Đại tướng Lê Đức Anh kể lại: Thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam đã cùng Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền chỉ đạo và tổ chức quân và dân miền Nam phát huy tư tưởng chiến lược tiến công trong tình hình nhiệm vụ mới, đề ra phải đánh thắng quân Mỹ ngay từ những trận đầu.
Để thực hiện mục tiêu đó, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã chú trọng quán triệt xây dựng tư tưởng quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ trong toàn thể đồng bào, chiến sĩ miền Nam. Đại tướng đặc biệt coi trọng việc xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang ba thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và tự vệ chiến đấu; đồng thời xây dựng và tập dượt phương án tác chiến hiệp đồng giữa 3 thứ quân. Hình thành và phát triển phương châm chiến đấu phối hợp chặc chẽ của 3 mũi giáp công (tiến công quân sự, chính trị và binh vận) trên cả 3 vùng chiến lược: Miền núi, đồng bằng và đô thị.
Triển lãm ảnh "Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh" được trưng bày tại Khu di tích Phủ Chủ tịch. Ảnh: VGP/Phương Liên.
Là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đầu tiên của quân đội ta, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh rất coi trọng công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, trong đó có cán bộ chính trị. Trung tướng Phạm Hồng Cư bồi hồi nhớ lại: “Tôi đã được nghe Đại tướng Nguyễn Chí Thanh giải thích cặn kẽ: Tuyệt đối có nghĩa là không chia sẻ quyền lãnh đạo với bất kỳ một tổ chức hay cá nhân nào khác. Trực tiếp có nghĩa là ở mọi cấp từ Trung ương đến cơ sở đều có hệ thống cấp ủy Đảng lãnh đạo quân đội, không qua một Đảng đoàn hay một hình thức gián tiếp nào khác. Về mọi mặt nghĩa là bao gồm mọi hoạt động: Xây dựng và chiến đấu; mọi nhiệm vụ: Chiến đấu, công tác, sản xuất; mọi mặt công tác: Quân sự, chính trị, hậu cần, kỹ thuật; mọi chiến trường, mọi địa bàn hoạt động trong nước cũng như làm nhiệm vụ quốc tế".
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh còn được coi là một vị tướng khởi xướng các phong trào. Trung tướng Phạm Hồng Cư nhớ lại năm 1960, lúc ông là Trưởng phòng Tuyên truyền Cục Tuyên huấn, có vinh dự tháp tùng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đến Đại đội 2 sơn pháo thuộc Trung đoàn pháo binh 64, Sư đoàn 304.
Tại đơn vị này, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã nắm bắt thực tiễn phong trào thi đua của đại đội lập thành tích nhiều nhất, thành tích các mặt đều nhất, chất lượng cao nhất trên mọi mặt công tác của đơn vị để chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 3.
Đại tướng đã khái quát thành phong trào thi đua Ba nhất, phát động trong toàn quân và dân quân tự vệ, nêu cao tinh thần “Rẽ sóng ra khơi”, chống thái độ “nước chảy bèo trôi” (Câu nói này là của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh). Phong trào “Ba nhất” đã trở thành một trong ba phong trào thi đua yêu nước ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa trong những năm 1960-1963. Hai phong trào kia là Sóng Duyên Hải và Gió Đại Phong cũng đều do Đại tướng Nguyễn Chí Thanh phát động khi được Trung ương điều động ra làm Trưởng ban Nông nghiệp của Đảng.
Tính từ tháng 8/1945 đến 6/7/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng nhiều lần ra các chỉ thị, quyết định phân công, điều chuyển công tác với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Theo thống kê bước đầu của Khu Di tích Phủ Chủ tịch, có tới trên 20 lần Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được giao các nhiệm vụ khác nhau, trên nhiều lĩnh vực đối nội, đối ngoại.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy, cho đến nay, chúng ta chưa thống kê được chính xác bao nhiêu lần Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được gặp Bác để tham gia các cuộc họp Bộ Chính trị, để báo cáo công việc, trao đổi xin ý kiến chỉ thị, đến thăm trong dịp lễ, tết…
“Tuy nhiên, thông qua việc tập hợp các hình ảnh, tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng lời kể của các nhân chứng lịch sử là dịp để chúng ta tìm hiểu sâu sắc hơn về tình cảm, sự quan tâm, tin cậy của Bác dành cho Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Qua những năm tháng hoạt động, làm việc sát cánh bên Người, Đại tướng trở thành một trong những nhà lãnh đạo lớn, có uy tín của cách mạng Việt Nam”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, con trai Đại tướng Nguyễn Chí Thanh khẳng định gia đình ông có may mắn rất lớn khi có nhiều kỷ niệm với vị Cha già dân tộc. Cha ông may mắn được trở thành người học trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh và được Người đặt tên. Những dấu ấn sâu đậm về hình ảnh của Bác luôn lưu giữ trong ông và gia đình ông, là động lực phấn đấu trong học tập và công tác của ông cho đến ngày nay.