Nâng giá trị cho thép Việt Nam

Q.Định - Đ.Dương 06/07/2017 09:15

Thông tin mới từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tính chung trong 6 tháng đầu năm 2017 sản xuất thép trong nước vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ, đạt 7.876.016 tấn, tăng 12% so với cùng kỳ 2016.

Sản lượng tiêu thụ của các DN thép đều tăng mạnh.

Bán hàng thép các loại trong nước đạt 6.432.889 tấn, tăng 7,2% so với cùng kỳ 2016. Về xuất nhập khẩu thép, tính đến hết tháng 4-2017, nhập khẩu thép thành phẩm đạt hơn 5,594 triệu tấn, với tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 3,161 tỷ USD, chỉ tăng 1% về lượng, nhưng tăng 52% về giá trị. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu chính, với lượng nhập khẩu hơn 2,76 triệu tấn, chiếm tới 49% tổng lượng thép thành phẩm nhập khẩu.

Việt Nam đã xuất khẩu thép thành phẩm đạt 1,448 triệu tấn, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 970,4 triệu USD, tăng 43% về lượng, và tăng 78% về giá trị. ASEAN vẫn là thị trường xuất khẩu chính, với lượng xuất khẩu hơn 823,7 triệu tấn, chiếm tới 62% tổng lượng thép thành phẩm xuất khẩu. Xuất khẩu thép xây dựng (thanh, cuộn và hình) khoảng 361.000 tấn, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Võ Nguyễn Khoa Tuấn- Giám đốc nghiệp vụ đầu tư của Dragon Capital, cho biết, sản lượng tiêu thụ của các DN thép đều tăng mạnh nhờ sự phục hồi của thị trường bất động sản. Nhu cầu xây dựng căn hộ tăng cao giúp các DN thép lớn như Hoà Phát, Hoa Sen...hoạt động gần như tối đa công suất. Giá thép thế giới phục hồi mạnh, kéo theo sự phục hồi của giá thép trong nước giúp một số “đại gia” trong ngành thép mở rộng biên lợi nhuận gộp.

Trong năm nay, theo ông Tuấn, yếu tố biến động mạnh của giá thép sẽ không còn nên các DN thép mặc dù vẫn sẽ hoạt động có lãi nhưng có thể khó có mức tăng trưởng đột biến như năm ngoái.

Tuy vậy, ông Tuấn vẫn cho rằng, mặc dù giá thép thế giới biến động mạnh nhưng các DN đầu ngành như Hòa Phát, Hoa Sen, Nam Kim đều vẫn duy trì được đà tăng trưởng lợi nhuận ổn định. Chẳng hạn như Hoa Sen ghi nhận mức tăng trưởng, lợi nhuận rất ấn tượng trong 3 năm trở lại đây. Lợi thế này có được nhờ việc hoàn thiện chuỗi giá trị, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, cải thiện biên lợi nhuận gộp. Mức ROE (tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) của các công ty thép Việt Nam đều trên 20%/năm, vượt trội khi so với các DN thép khác trong khu vực.

Như thống kê của Hiệp hội Thép thế giới, ngoài bán thành phẩm, các sản phẩm gia công sau cán như tôn mạ, ống thép là các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu trong cơ cấu xuất khẩu thép toàn cầu. Và hiện nay, tôn mạ kim loại cũng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, chiếm 33% (tương ứng với hơn 1,3 triệu tấn) trong cơ cấu xuất khẩu thép năm 2016 (VSA).

Bên cạnh đó, nguyên liệu thép sản xuất que hàn có biên lợi nhuận gộp cao, ở mức 20% vẫn đa số phải nhập khẩu. Do vậy, đây đều là những phân khúc còn tiềm năng tăng trưởng tốt cho các DN thép Việt.

Q.Định - Đ.Dương