Tái khởi động đấu giá biển số đẹp
Cục Cảnh sát giao thông (C67), Bộ Công an cho biết, đang đề nghị Chính phủ cho thí điểm thực hiện việc đấu giá biển số xe đẹp ở 5 thành phố lớn là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ, từ đó, sẽ đánh giá hoàn thiện cơ chế và áp dụng thực hiện trên cả nước.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc đấu giá biển số xe đẹp là cần thiết. (Ảnh minh họa).
Thí điểm ở 5 thành phố lớn
Nhiều năm trước, Cục CSGT đã đề xuất triển khai đề án thực hiện đấu giá biển số xe đẹp, tuy nhiên thực tế gặp phải nhiều vướng mắc vì trong Luật đấu giá tài sản không đưa biển số xe vào danh mục tài sản đấu giá. Thực tế một số địa phương đã tổ chức thực hiện việc đăng ký, cấp biển số xe tự chọn, thu lệ phí và đã cấp được một số trường hợp nhất định. Sau đó, Bộ Công an đã tiến hành sơ kết, phối hợp với Bộ Tài chính ban hành thông tư quy định chế độ thu, quản lý sử dụng lệ phí đăng ký biển số xe tự chọn đồng thời báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho triển khai việc thu phí biển số đăng ký xe tự chọn trên toàn quốc. Tuy nhiên, dư luận có nhiều ý kiến không đồng tình nên đề án phải tạm ngừng.
Vì thế, Bộ Công an đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép bán đấu giá biển số xe và đề nghị sửa đổi, bổ sung nghị định liên quan. Sau đó, do yêu cầu trong công tác quản lý, Bộ Công an đã có quy định thay biển 4 số thành 5 số nên nhu cầu về biển số xe cũng thay đổi. Bởi vậy, đến năm 2011, Bộ Tài chính có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị tạm dừng hướng dẫn bán đấu giá biển số.
Đầu năm 2017, đề án đấu giá biển số xe đẹp đã được tái khởi động với mục đích đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng người dân, tạo nguồn thu ngân sách và phòng ngừa tiêu cực trong lĩnh vực cấp biển số xe. Sau khi được Thủ tướng đồng ý, Bộ Công an đã phối hợp cùng với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính tổ chức lấy ý kiến xây dựng đề án đấu giá biển số xe.
Theo Đại tá Trần Quốc Trung - Phó Cục trưởng Cục CSGT (C67), Bộ Công an, trên cơ sở nghiên cứu phương thức, cơ chế đấu giá biển số xe, Bộ Công an đang đề nghị Chính phủ cho thí điểm thực hiện ở 5 thành phố lớn, gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ.
Cơ chế thí điểm đã được Bộ Công an trao đổi, thảo luận với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính. Ngoài 5 thành phố, nếu tỉnh, thành nào đề nghị và đủ điều kiện thì cũng sẽ thực hiện thí điểm luôn. Sau một thời gian, Bộ sẽ đánh giá, hoàn thiện cơ chế, báo cáo Chính phủ để thực hiện trên cả nước.
Theo đó, việc tổ chức đấu giá biển số sẽ diễn ra trực tiếp, công khai tại các địa phương. Theo tìm hiểu của phóng viên được biết, Ban soạn thảo đề án đang xây dựng cơ chế xác định biển số xe là tài sản nhưng chủ xe chỉ có quyền sử dụng và phải thực hiện theo nguyên tắc quản lý phương tiện của pháp luật. Mỗi biển số chỉ gắn với 1 xe, khi chủ xe muốn chuyển nhượng biển số thì sẽ phải làm thủ tục chuyển nhượng cùng với xe.
Việc làm cần thiết?
Trao đổi với phóng viên báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Văn Thành- Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, hiệp hội đồng tình với chủ trương đấu giá biển số xe đẹp. Bởi việc đấu giá biển số xe đẹp là tốt vì nó thu lại một khoản tiền lớn về ngân sách nhà nước đồng thời hạn chế tiêu cực trong việc cấp biển số xe. “Chúng tôi kiến nghị các đơn vị thực hiện đấu giá biển số xe đẹp cần thực hiện công khai minh bạch. Biển số càng đẹp cần đưa ra giá sàn càng cao…” - ông Thanh kiến nghị.
Đồng quan điểm, ông Bùi Danh Liên- Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, cho rằng, việc đấu thầu biển “đẹp”, là chủ trương không phải Việt Nam mà thế giới đã làm lâu rồi. Đối với Hiệp hội vận tải Hà Nội cũng như người dân đặt câu hỏi tại sao vấn đề này hàng chục năm chưa giải quyết được. Bây giờ ra được đề án đấu giá biển số xe đẹp, hiệp hội ủng hộ chủ trương đó. “Thực tế biển số đẹp hay biển số xấu do chúng ta đặt ra thôi, chứ thực tế không có biển số nào đẹp, có lợi, có lộc cả, mặt tâm lý xã hội sinh ra cái chuyện đấy. Từ đó sinh ra một nhu cầu có biển số đẹp là mất tiền. Từ đó thu lại được một nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Việc đó cũng góp phần tạo ra sự công bằng cho xã hội và chống được tiêu cực trong việc cấp biển số xe”- ông Liên nhấn mạnh.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Đinh Thanh Thảo- Phó trưởng phòng CSGT đường bộ- đường sắt (PC 67), Công an TP Hà Nội cho biết, trước đây cũng đã có ý kiến đề xuất nhưng chưa được ngành chức năng có thẩm quyền đồng ý. Cá nhân ông Thảo ủng hộ việc đấu giá biển số xe đẹp.
Trao đổi với phóng viên báo Đại Đoàn Kết về vấn đề đấu giá biển số xe đẹp, Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), đồng tình nhưng theo ông phải có điều chỉnh vì pháp luật hiện nay chưa quy định biển số xe là một loại tài sản. Do vậy, ngành chức năng cần phải thể chế hóa biển số xe thành một loại tài sản thì sẽ đưa ra đấu giá được. Theo luật sư Trương Anh Tú, với những biển số xe đẹp đã đăng ký là tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của cá nhân, tổ chức, không thể thu hồi lại để bán được và họ vẫn sẽ sử dụng bình thường.