Sau vụ thử tên lửa mới của Triều Tiên: Mỹ - Hàn tung đòn đáp trả
Hàn Quốc và Mỹ trong hôm 5/7 đã khai hỏa nhiều tên lửa để thực hiện cuộc tấn công giả định, trong một phản ứng đáp trả lại vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nói là “một món quà” dành cho nước Mỹ.
Dàn phóng M270 của Mỹ phóng thử nghiệm tên lửa MGM-140 về phía biển Nhật Bản để đáp trả. (Nguồn: CNN).
Phô diễn sức mạnh
Vụ phóng hôm thứ Ba được Mỹ chính thức xác nhận là 1 ICBM - đánh dấu một cột mốc mới trong quá trình phát triển khả năng tên lửa của Triều Tiên trong nhiều thập kỷ qua, và đã cho thấy một hành động thách thức chính sách ngoại giao của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ông Trump từng tuyên bố rằng điều này “sẽ không xảy ra”, nhưng giới chuyên gia độc lập lại cho rằng ICBM của Triều Tiên đủ khả năng để với tới bang Alaska hoặc thậm chí tới các khu vực khác của nước Mỹ.
Trong lúc mà toàn cộng đồng quốc tế lên án vụ thử nghiệm tên lửa trên, Hàn Quốc và Mỹ cũng tổ chức phóng nhiều tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ bán đảo Triều Tiên về phía Biển Nhật Bản, chỉ 24 giờ sau. Tất cả các tên lửa trên đều đã đáp trúng mục tiêu đặt ra, quânđội Hàn Quốc cho hay, “cho thấy khả năng tấn công chính xác nhằm vào các trụ sở của quân địch trong lúc khẩn cấp”.
Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người có quan điểm ủng hộ đàm phán và đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán hạt nhân 6 bên, cho hay “hành động khiêu khích nghiêm trọng của Triều Tiên đòi hỏi chúng ta phải phản ứng chứ không chỉ đưa ra tuyên bố”. Tướng Vincent Brooks, chỉ huy lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, nói rằng: “Kiềm chế luôn là cách phân chia đình chiến và chiến tranh. Trong lúc cuộc phô diễn tên lửa của khối đồng minh này đang diễn ra, chúng tôi có thể thay đổi lựa chọn đó khi được chỉ thị bởi các lãnh đạo của khối đồng minh”.
Các tuyên bố này có thể gây tức giận cho chính quyền Bình Nhưỡng, bên từng tuyên bố rằng họ cần vũ khí hạt nhân để tự vệ trước mối đe dọa xâm lược và đã chịu nhiều lớp lệnh trừng phạt của LHQ vì các chương trình hạt nhân, tên lửa của mình.
Động thái phóng tên lửa đáp trả của Mỹ và Hàn Quốc xuất hiện chỉ vài giờ sau khi lãnh đạo Trung Quốc và Nga cũng kêu gọi các bên kiềm chế và giảm căng thẳng. Bất đồng về cách thức phản ứng đối với Triều Tiên chắc chắn sẽ khiến các cuộc thảo luận tại LHQ trở nên căng thẳng khi Hội đồng Bảo an dự kiến có phiên họp khẩn cấp vào cuối hôm thứ Tư.
Mức độ căng thẳng mới
Sau khi đích thân quan sát vụ thử nghiệm, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tuyên bố rằng “người Mỹ sẽ không vui vẻ gì khi nhận được món quà này vào đúng ngày 4-7 (Quốc khánh Mỹ)”; theo Hãng thông tấn nhà nước KCNA của Triều Tiên. Hãng thông tấn này còn thêm rằng, ông Kim “nói rằng chúng ta nên thỉnh thoảng gửi quà cho họ để giúp họ đỡ nhàm chán”.
Được biết lãnh đạo Triều Tiên đã đích thân tới quan sát vụ phóng thử tên lửa đạn đạo Hwasong-14, và thể hiện sự hài lòng của mình với kết quả vụ phóng. Tờ Rodong Sinmun của Triều Tiên đã dành ra 5 trong tổng số 6 trang báo của mình để đưa tin về sự kiện này, trong đó đăng tải tới 55 bức ảnh màu.
Hiện vẫn còn nhiều câu hỏi liên quan tới khả năng thực sự của tên lửa liên lục địa Triều Tiên, nhưng một số hình ảnh mà kênh truyền hình nhà nước của họ đã cho thấy rõ giai đoạn đầu tiên của vụ phóng- khi tầng thứ nhất của tên lửa tách ra và rơi xuống, diễn ra rất suôn sẻ.
KCNA nói rằng tên lửa này có khả năng mang theo “một đầu đạn hạt nhân lớn và nặng” và có thể chịu được các điều kiện khắc nghiệt khi đi ra ngoài tầng khí quyển của Trái Đất, trong đó gồm khả năng “chịu nhiệt lên tới hàng nghìn độ C” và đánh trúng mục tiêu một cách chính xác.
Tên lửa này chỉ di chuyển được quãng đường hơn 900 km trước khi rơi xuống Biển Nhật Bản, nhưng độ cao mà nó đạt được hơn 2.800 km, cho thấy nó có khả năng di chuyển được xa hơn nữa. Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo đã ước tính rằng tầm bắn của tên lửa trên là vào khoảng 7.000 - 8.000 km, tức đủ để đặt cơ quan chỉ huy của Mỹ ở Thái Bình Dương vào tầm ngắm.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cùng ngày đã cực lực lên án vụ thử nghiệm, nói rằng: “Thử nghiệm một ICBM cho thấy mức gia tăng mối đe dọa đối với Mỹ, các đồng minh và đối tác của chúng tôi, khu vực và cả thế giới. Như chúng tôi, cùng nhiều nước khác, từng nêu rõ, chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận việc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân”.
Giới phân tích cho rằng, sau vụ phóng thử này thì cánh cửa đàm phán về hạt nhân ở Triều Tiên đã khép lại.
“Cánh cửa đàm phán về giải giáp hạt nhân đã khép lại”- Jeffrey Lewis, chuyên gia về giải giáp vũ khí hạt nhân, nói với AFP. “Điểm đáng nói ở đây là chúng ta buộc phải chấp nhận thực tế rằng Triều Tiên đang sở hữu ICBM có thể mang đầu đạn hạt nhân”.