Cây ở hồ Gươm cần được bảo tồn
Quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) không đề xuất thay thế cây xanh ở hồ Gươm, bởi đây là những cây xanh quan trọng, có tính chất di sản, tạo ra giá trị đặc trưng cho cảnh quan quanh hồ cần được bảo tồn. Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn đã khẳng định như vậy với Đại Đoàn Kết.
Ông Dương Đức Tuấn.
PV:Cây xanh tạo ra nét đặc trưng riêng có cho cảnh quan, kiến trúc quanh hồ, vậy vì sao dư luận lại nghĩ rằng quận Hoàn Kiếm có ý định thay thế cây thưa ông?
- Ông Dương Đức Tuấn: Vừa qua thực hiện Dự án cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Gươm- di tích quốc gia đặc biệt. Theo đó, có rất nhiều nội dung phải xin ý kiến một số bộ ngành Trung ương. Cụ thể, có thỏa thuận, thống nhất của Bộ VHTT&DL, gần đây có thêm thỏa thuận, thống nhất của Bộ Xây dựng.
Tuy nhiên, trong văn bản của Bộ Xây dựng, trên cơ sở hồ sơ, Bộ Xây dựng có đưa ra một số nội dung khuyến cáo mang tính chất nguyên tắc trong việc quản lý phát triển cây xanh khu vực hồ Gươm thuộc nội dung Dự án.
Trên cơ sở ý kiến của Bộ Xây dựng nêu ra tiêu chí, nguyên tắc giải pháp là gợi ý quản lý nhà nước của Trung ương cho TP Hà Nội. Đối chiếu với hồ sơ trình Bộ Xây dựng, cụ thể về vấn đề cây xanh, đơn vị tư vấn cũng như chủ đầu tư là UBND quận Hoàn Kiếm không đề xuất nội dung thay thế cây xanh, bởi đây là những cây xanh quan trọng, có tính chất di sản, tạo ra đặc trưng cảnh quan của hồ Hoàn Kiếm lịch sử, là một trong những nội dung quản lý nhà nước của di tích quốc gia đặc biệt.
Tuy nhiên, trước những thông tin Bộ Xây dựng nêu ra tại văn bản, một số chuyên gia, nhà kiến trúc nghĩ rằng quận Hoàn Kiếm đề xuất thay thế cây xanh. Và với trách nhiệm của công dân Thủ đô, một số chuyên gia đã nêu ra ý kiến cốt là để bảo vệ cây xanh quanh hồ.
Việc đó hoàn toàn phù hợp với hồ sơ của UBND Hoàn Kiếm đề xuất. Rõ ràng có sự hiểu nhầm thông tin, quận Hoàn Kiếm không hề đề xuất thay thế cây xanh. Trước ý kiến của nhân dân, các chuyên gia, quận Hoàn Kiếm luôn tôn trọng, lắng nghe để chuẩn hóa các nội dung quản lý về cây xanh thuộc nội dung quản lý nhà nước về cây xanh.
Tác động về cảnh quan quanh hồ là tác động vào thảm hoa, thảm cỏ mà chúng ta đã làm trong các kỳ, cuộc, những ngày lễ lớn để tạo ra giá trị cảnh quan, tạo không gian cảnh quan đặc sắc, xứng tầm giá trị di tích quốc gia đặc biệt. Đây là một nội dung quan trọng để tăng giá trị cho không gian đi bộ, của hồ Hoàn Kiếm và khu vực phụ cận. Điều này chúng ta đã triển khai hơn một năm nay và đã thành công.
Vậy hồ Gươm sẽ được cải tạo, chỉnh trang theo hướng nào thưa ông?
- Việc cải tạo, chỉnh trang xung quanh hồ Gươm đã được Bộ VHTT&DL, Bộ Xây dựng, Thành ủy, UBND TP thông qua. Nội dung chỉnh trang chủ yếu tập trung vào thảm cỏ, vườn hoa, chuẩn hóa lại hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hiện đại hóa vấn đề về điện lực hạ ngầm, thông tin liên lạc, các khu vực vệ sinh, không gian tiện ích về hạ tầng ở mức độ cao. Thậm chí, bổ sung các nội dung về ánh sáng theo các lễ hội, các nội dung khác đã thể hiện trong các hồ sơ hoàn chỉnh.
Việc triển khai Dự án sẽ tạo ra khu vực có tính chất như công viên lịch sử, rất đẹp có tiện ích cao cho khu vực này để xứng tầm với giá trị di tích, đáp ứng nhu cầu không gian khu vực và vùng phụ cận. Đây sẽ trở thành điểm nhấn trong hoạt động giao lưu cộng đồng, mang tính chất giao lưu quốc tế di sản cũng như phát triển du lịch đồng thời kích hoạt các yếu tố thương mại, du lịch của TP.
Ông vừa nói rằng việc triển khai tuyến phố đi bộ rất tốt, vậy sắp tới có nhân rộng không?
- Song song Dự án cải tạo, chỉnh trang hồ Gươm để nâng cấp xứng tầm di tích quốc gia đáp ứng các điều kiện về không gian đi bộ chất lượng cao, đối với khu vực phân khu đô thị xung quanh hồ và vùng phụ cận sẽ nghiên cứu cụ thể. Theo đó, có quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu vực hồ Gươm và phụ cận.
Chúng tôi đang hoàn tất đồng bộ hóa trong toàn bộ quy hoạch kiến trúc của hồ. Đồng thời những nghiên cứu thiết kế, cải tạo chỉnh trang các tuyến phố xung quanh. Hiện Hà Nội đã cải tạo, chỉnh trang tuyến phố Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, Hàng Khay.
Thời gian tới sẽ chỉnh trang 12 tuyến phố nhánh ở khu vực xung quanh hồ đồng thời gắn với việc quản lý quy hoạch, quản lý kiến trúc đô thị theo việc thực thi các đồ án đô thị, quy hoạch kiến trúc. Trước mắt là củng cố giá trị cảnh quan đặc sắc mang tính chất lịch sử văn hóa của hồ như ranh giới đi bộ hiện nay.
Trong thời gian tới, tùy thuộc vào các điều kiện phát triển không gian đi bộ đồng bộ với kiện toàn các điều kiện hạ tầng, văn hóa toàn thủ đô cũng như phát triển mạnh về du lịch, thương mại, dịch vụ kèm theo, chúng tôi cũng tính đến khả năng mở rộng không gian đi bộ kết nối với những giá trị lớn hơn như kết nối với Nhà hát Lớn.
Hiện Bộ VHTT&DL dự kiến khu vực này thành công viên mở, nâng tầm với di tích quốc gia với khu vực phụ cận có trục Tràng Tiền hay khu vực của các di tích lịch sử xung quanh cũng tính tới. Chúng tôi sẽ vừa triển khai vừa hoàn chỉnh để đưa ra sản phẩm du lịch đồng bộ, hoàn chỉnh. Đích đến là tạo ra vùng giá trị mang tính chất là trung tâm của thủ đô lịch sử có giá trị nổi bật đặc trưng, là điểm nhấn, là không gian đặc sắc, xứng tầm giá trị.
Trân trọng cảm ơn ông!