Tối hậu thư với tiêu cực
Ngày 5/7, tại phiên họp triển khai kết luận của Bộ Chính trị về xử lý các tồn tại yếu kém của một số nhà máy, dự án yếu kém của ngành Công thương, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ- Trưởng ban Chỉ đạo của Chính phủ đã ra tối hậu thư với nhiều nhà quản lý doanh nghiệp: không làm được thì thay cán bộ.
Cách đây 4 năm, trên nghị trường Quốc hội, nhiều đại biểu đề cập đến việc thất thoát, lãng phí và trách nhiệm khi bàn về Luật Đầu tư công. Tuy nhiên đến nay, đó vẫn là vấn đề gây bức xúc với nhiều dự án “trùm mền” gây thất thoát lớn.
Khởi nguồn chuyện thất thoát của 12 dự án được Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nhắc đến khi yêu cầu Chính phủ báo cáo về 5 dự án thua lỗ ngàn tỷ khiến dư luận râm ran. Từ sự lắng nghe phản ánh của Quốc hội, sau đó từ 5 dự án khởi thủy, đến nay Chính phủ rà soát và chốt ở con số 12 dự án. Nhưng số phận của 12 dự án hiện giờ ra sao? Câu trả lời đã có trong báo cáo của Chính phủ gửi Bộ Chính trị.
Đó là: trong 12 dự án, có 6 nhà máy vận hành nhưng thua lỗ gồm: Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP Đình Vũ, DAP Lào Cai, Công ty đóng tàu Dung Quất, Nhà máy thép Việt-Trung. 3 dự án bị dừng thi công do chi phí tăng cao và thiếu vốn gồm: Dự án sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ, Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên, Dự án bột giấy Phương Nam. Còn 3 nhà máy đang bị dừng sản xuất do giá thành cao, thua lỗ lớn là: Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất, Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước và Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ.
Đáng nói hơn nữa, trong 10 nhà máy đang hoạt động hay dừng sản xuất có lỗ luỹ kế là 16.126 tỷ đồng (tại thời điểm 31/12/2016). Vốn chủ sở hữu chỉ còn 3.956 tỷ đồng, trong đó nhiều nhà máy âm vốn. Những con số đã được thống kê cụ thể đến từng chi tiết.
Ngày 5/7, tại phiên họp triển khai kết luận của Bộ Chính trị về xử lý các tồn tại yếu kém của 12 dự án ngành Công thương, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ- Trưởng ban Chỉ đạo của Chính phủ đã chỉ ra căn bệnh chung của 12 dự án.
Đó là khi lập dự án, phê duyệt dự án thì làm rất nhanh nhưng khi tổ chức thực hiện, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản rất trì trệ. Điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng thêm 43% so với dự toán, nhiều dự án kéo dài tới giờ chưa xong, có nhà máy xong rồi nhưng không hoạt động được. Căn bệnh thứ hai được ông nhắc đến là khi lập phương án đầu tư, sản xuất kinh doanh thì thông số đầu vào khả quan, chi phí sản xuất thấp và giá trị đầu ra cao nhưng khi vận hành thì ngược lại.
“Nếu làm không được thì thay thế cán bộ. Còn tài sản không định giá được, cho cơ quan chức năng vào xem tài sản thế nào, giá ra sao, tiêu cực tham nhũng chỗ nào. Có mỗi cái tàu 104.000 tấn nói 1 năm trời không chịu làm”- Phó Thủ tướng gay gắt khi yêu cầu lần này phải rõ Thứ trưởng nào phụ trách dự án nào và thuộc trách nhiệm của ai? Không thể cứ nói chung chung mà phải có người chịu trách nhiệm.
Điều đó cũng được ông Bùi Đức Thụ- Phó Trưởng ban Công tác đại biểu, thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề cập đến khi nhắc đến 12 dự án. Là bởi việc Luật Quản lý nợ công đã phân công cụ thể trách nhiệm với các dự án vay và các điều kiện sử dụng vốn vay. Nhưng việc “cắt khúc” giữa người đi vay, người sử dụng và người trả nợ dẫn tới tình trạng “người vay cứ vay, người làm cứ làm, còn trả nợ thì tính sau”. Dẫu là nguyên nhân chủ quan và khách quan ra sao nhưng phải có người xử lý trách nhiệm. Một câu hỏi quá quen trong mọi sự thua lỗ yếu kém nhưng đã thiếu lời giải suốt thời gian qua.
Nếu như tiết kiệm là quốc sách thì lãng phí đang là quốc nạn. Cách đây hơn 60 năm, nói chuyện với đội ngũ cán bộ cao cấp về thực hành tiết kiệm, chống tham ô lãng phí, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Tham ô lãng phí là kẻ thù của nhân dân và Chính phủ. Nó không mang gươm mang súng mà nó nằm ngay trong tổ chức ta. Vì vậy chống tham ô, lãng phí cũng cần thiết như đánh giặc”.
60 năm đã qua, song bài học chống tham nhũng, lãng phí của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thời sự, vẫn “phả hơi nóng” và còn nguyên giá trị thực tiễn. Lãng phí, thất thoát diễn ra trên nhiều lĩnh vực, là mối đe dọa lớn đối với xã hội bên cạnh tham nhũng. Tham nhũng bị coi là tội phạm trong khi ở nhiều trường hợp lãng phí chỉ bị xem là khuyết điểm. Đầu tư lãng phí cả hàng ngàn tỷ đồng không hiệu quả thì chỉ bị nhắc nhở hoặc rút kinh nghiệm là khó chấp nhận.
“Tập trung xử lý dứt điểm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các dự án, công trình đầu tư của doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài”- đó là mục tiêu đến năm 2020 mà Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước đặt ra.
Vì thế, cách đây đúng 1 tuần, tại Hội nghị toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) của Đảng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc đến tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát, kiểm tra, thanh tra, không bị thất thoát lãng phí vốn, tài sản Nhà nước, đồng thời tập trung xử lý dứt điểm các tập đoàn, các tổng công ty, các doanh nghiệp, các dự án, các công trình đầu tư không hiệu quả, thua lỗ kéo dài, kể cả bằng biện pháp giải thể, phá sản. Kiên quyết xử lý các vi phạm, nhóm lợi ích, sân sau, trục lợi cá nhân, tham nhũng, lãng phí.
Lời nhắc nhở của Thủ tướng đã được Chính phủ và các Phó Thủ tướng biến thành hành động. Trong trường hợp của 12 dự án yếu kém được “điểm mặt” là ra “tối hậu thư” phải sớm giải quyết dứt điểm, khắc phục tối đa thiệt hại cho Nhà nước theo lộ trình hết năm 2017 hoàn thành phương án, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức xong việc triển khai các phương án. Đến hết năm 2018 xử lý căn bản các yếu kém. Năm 2020 hoàn thành xử lý các nhà máy, dự án này. Đồng thời xử lý nghiêm minh các vi phạm quản lý kinh tế của các cá nhân, tập thể gây thua lỗ.
Một lần nữa, Chính phủ đã tỏ thái độ kiên quyết với tham nhũng, lãng phí, với những tiêu cực trong bộ máy. Không thể cứ “trùm mền” là xong, bây giờ phải “lộ sáng”. Những dự án lãng phí, thất thoát tài sản của Nhà nước phải được xử lý minh bạch, không chỉ để quy tội đúng người mà còn để lâu dài không thể tái diễn những điều tệ hại như vậy.