Người cựu binh ép đất cằn nở hoa
Với nỗ lực không mệt mỏi, người bệnh binh hạng 2/3, Hoàng Sỹ Bá trú xã Thọ Phú, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) đã biến khu đồng đất bạc màu của mình thành trang trại, với hơn 1.500 gốc bưởi, cam xanh ngắt, trĩu quả.
Vợ chồng ông Hoàng Sỹ Bá trong trạng trại cây ăn quả.
Nỗ lực ấy không chỉ giải bài toán thoát nghèo, đưa kinh tế hộ gia đình đi lên mà còn là minh chứng sống động cho tinh thần vượt khó của người lính cụ Hồ.
Chúng tôi về xã Thọ Phú tìm gặp ông, đúng lúc ông đang say sưa hướng dẫn cho một số hộ dân khác trong xã kỹ thuật ghép nhân giống và chăm bón cho giống bưởi da xanh.
Dưới nắng hè chói chang, đôi bàn tay không còn nhanh nhẹn vẫn tỉ mẩn cắt, ghép từng chồi cây, miệng không ngớt chỉ dẫn cho bà con cách làm.
“Các cậu dùng từ “quy mô” với vườn cây của mình nghe sang quá! Thực ra, với diện tích và số cây mà mình trồng được đang còn rất nhỏ so với nhiều mô hình đang làm ăn hiệu quả khác”- ông từ tốn cho biết.
Sau thời gian tham gia quân ngũ, tháng 9/1988, ông phục viên trở lại địa phương hưởng chế độ bệnh binh loại 2/3. Ngày hồi hương, ông nhìn khắp làng trên, xóm dưới, đâu đâu cũng một màu xơ xác do tàn dư của chiến tranh để lại…
Làm gì để thoát nghèo là câu hỏi thường trực trong đầu ông suốt một thời gian dài. Vượt qua khó khăn, ông cùng vợ xoay đủ nghề trên chính đồng đất của mình để kiếm sống.
Phải tới cuối những năm 2000, khi địa phương thực hiện chủ trương “dồn điền đổi thửa”, ông xin xã cho đổi toàn bộ diện tích một mẫu đất ruộng của gia đình nằm rải rác ở nhiều nơi về khu đồng Xuôi cằn cỗi.
Ban đầu, gia đình bắt tay vào sản xuất lúa với suy nghĩ sẽ vượt qua đói nghèo. Thế nhưng lúa trồng trên thân đất bạc màu, luôn trong tình trạng thiếu nước nên thành quả ông Bá thu về gần như bằng không.
“Năm 2014, vợ chồng tôi quyết định chuyển sang trồng cây ăn quả”- ông Bá nhớ lại. Một lần nữa, người cựu binh này dốc hết vốn liếng và vay mượn thêm từ anh em, bạn bè được gần 100 triệu đồng đầu tư trồng thử nghiệm giống bưởi Diễn, bưởi da xanh và cam Canh…
Cuối cùng, đất không phụ công người, những hàng bưởi, hàng cam hợp thổ nhưỡng, khí hậu vươn mình phát triển.
Nhìn thành quả hứa hẹn sẽ mang lại những điều tốt đẹp, vợ chồng ông nắm chặt tay nhau, khấp khởi mừng. Từ thực tế vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đến đầu năm 2016, gia đình ông Bá đã mạnh dạn đưa vào trồng thêm 500 gốc bưởi Diễn, 500 gốc bưởi da xanh và hơn 500 gốc cam Canh.
Đến cuối năm 2016, từ những gốc bưởi, cam trồng ban đầu đã cho gia đình ông mùa quả ngọt đầu tiên. Theo tính toán của ông Bá, sau khi trừ mọi chi phí, trang trại cây ăn quả mang lại nguồn thu nhập cho gia đình khoảng 80 triệu đồng/năm.
Nhiều hộ dân trong vùng cũng tìm đến gia đình ông, học hỏi kinh nghiệm, mua cây giống về bắt tay vào sản xuất. Không phân biệt, bất kể là người trong làng hay ngoài xã ông Bá đều nhiệt tình, tận tâm hướng dẫn, truyền đạt lại những kinh nghiệm của mình.
“Tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều người thành công với mô hình trang trại cây ăn quả. Một người thoát nghèo sẽ góp phần vào sự phát triển chung của xã hội”- ông Bá cười vui vẻ.
Nói về hiệu quả từ mô hình trồng cây ăn quả của ông Hoàng Sỹ Bá, Chủ tịch UBND xã Thọ Phú- Vũ Khắc Hiệp cho biết: Trong những năm qua địa phương đều đặc biệt quan tâm đến đời sống của các đối tượng chính sách trên địa bàn xã.
Chính quyền địa phương luôn khuyến khích và tạo điều kiện để các đối tượng là thương, bệnh binh, gia đình chính sách tham gia sản xuất, có thêm điều kiện để cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Trang trại của ông Hoàng Sỹ Bá là một trong hơn 30 trường hợp thuộc đối tượng chính sách được xã tạo điều kiện cho thuê đất, phát triển kinh tế mang lại nguồn thu nhập từ 30 – 80 triệu đồng/năm.