Quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm: Loay hoay tìm cách giải quyết
Tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn ở kỳ họp HĐND tỉnh Nam Định mới đây, vấn đề quản lý hoạt động giết mổ, tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn được đại biểu quan tâm, chất vấn chính quyền, cơ quan chức năng. Với câu hỏi của đại biểu: “Có giải pháp đột phá nào không?” Chủ tịch UBND TP Nam Định đã thừa nhận “Tôi chưa nghĩ ra”.
Gia cầm được giết mổ ngay tại chợ ở Nam Định.
Ông Lương Hùng Tiến- Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nam Định cho biết, việc giết mổ gia cầm tại các chợ diễn ra công khai, liên tục nhưng không có sự kiểm soát; việc giết mổ gia súc thì diễn ra chủ yếu ở các hộ gia đình, không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường, dễ lây lan dịch bệnh.
Từ đó, ông Tiến đề nghị ông Lê Quốc Chỉnh- Chủ tịch UBND TP Nam Định làm rõ thêm thực trạng này ở thành phố, đồng thời cho biết các giải pháp chấn chỉnh của chính quyền.
Trả lời, ông Lê Quốc Chỉnh cho biết, trên địa bàn TP Nam Định hiện có 10 gia trại chăn nuôi (5 gia trại chăn nuôi gia cầm, 4 gia trại chăn nuôi lợn, 1 gia trại chăn nuôi bò), còn lại chủ yếu là hoạt động chăn nuôi nhỏ lẻ ngay tại hộ gia đình.
Địa bàn thành phố hiện cũng chỉ có 3 cơ sở giết mổ lợn tập trung, 95 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ (36 cơ sở giết mổ lợn, 53 cơ sở giết mổ gia cầm, 3 cơ sở giết mổ trâu bò, 3 cơ sở giết mổ chó mèo).
“Qua kiểm tra, hầu hết hoạt động giết mổ đều diễn ra tại gia đình, tại chợ, tận dụng ngay tại bếp, tại sân, tại nền gạch; các điều kiện giết mổ đều không đáp ứng các yêu cầu đảm bảo vệ sinh.
Hoạt động giết mổ đều diễn ra vào ban đêm, kết thúc vào đầu giờ sáng do vậy rất khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, xử lý.
Cho đến nay, phần lớn các cơ sở khi được kiểm tra đều không có giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường”- ông Chỉnh nói và cho rằng việc quản lý, kiểm soát hoạt động giết mổ, tiêu thụ gia súc, gia cầm là việc cần thiết, là trách nhiệm của nhiều cấp, nhiều ngành, đồng thời đưa ra 6 nhóm giải pháp: TP sẽ tiếp tục kêu gọi, thu hút doanh nghiệp về đầu tư để hoàn thành cơ sở giết mổ tập trung.
Khuyến khích các hộ giết mổ gia cầm nhỏ lẻ thành lập các tổ, các HTX; thực hiện liên doanh, liên kết để thành lập các cơ sở giết mổ tập trung, đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tiến tới xóa bỏ các điểm giết mổ nhỏ lẻ. Tạo điều kiện, khuyến khích các hộ kinh doanh, buôn bán các sản phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ.
Hình thành thói quen tiêu dùng sản phẩm có nguồn gốc cho người dân. Nâng cấp, sắp xếp lại các khu hàng cung cấp thực phẩm tại các siêu thị, các chợ truyền thống để đảm bảo vệ sinh.
Nhưng theo Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Nam Định Lương Hùng Tiến thì 6 nhóm giải pháp được Chủ tịch UBND thành phố nêu ra là các giải pháp đã có từ rất lâu.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiệu quả quản lý, kiểm soát hoạt động giết mổ, tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố lâu nay chưa có nhiều chuyển biến, vẫn tồn tại nhiều bất cập, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.
Từ đó, ông Tiến đặt câu hỏi: “Với vai trò, trách nhiệm của mình, trước mắt Chủ tịch UBND thành phố có giải pháp nào mang tính đột phá không?”
Trả lời câu hỏi này, ông Lê Quốc Chỉnh nói: “Để quản lý, kiểm soát được, theo tôi cần phải có một giải pháp tổng thể, lâu dài, có lộ trình và phải thực hiện đầy đủ các giải pháp. Còn nói rằng trước mắt có giải pháp đột phá nào không thì quả thật là tôi chưa nghĩ ra”.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND TP.Nam Định: Có một giải pháp rất quan trọng là phải căn cứ vào cung và cầu. Theo đó, phải tăng cường tuyên truyền để người tiêu dùng nâng cao nhận thức, không sử dụng, tỏ rõ thái độ, tẩy chay những sản phẩm không rõ nguồn gốc, không an toàn.
Cùng với đó, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chỉ cho phép những sản phẩm an toàn, có giấy chứng nhận xuất xứ rõ ràng mới được tiêu thụ.