Đa dạng sinh học và du lịch bền vững
Việt Nam là quốc gia giàu có về đa dạng sinh học, được xếp hạng thứ 16 trên thế giới về mức độ đa dạng của tài nguyên sinh vật. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt tình trạng suy thoái về môi trường, suy giảm hệ sinh thái ảnh hưởng đến đa dạng sinh học.
Phát triển du lịch cần đi đôi với bảo tồn đa dạng sinh học.
1. Ngày 22/5 hằng năm được chọn là Ngày quốc tế về Đa dạng sinh học. Năm nay, sự kiện này đã diễn ra với chủ đề “Đa dạng sinh học và Du lịch bền vững”.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đây là cơ hội nâng cao nhận thức và hành động của cộng đồng; giúp các nhà hoạch định chính sách công và tư nhân có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế, bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học; huy động sự tham gia của tất cả các bên liên quan, đưa du lịch trở thành chất xúc tác cho sự thay đổi tích cực trong việc bảo tồn và sử dụng dịch vụ hệ sinh thái; thúc đẩy thay đổi về chính sách, hành vi kinh doanh và tiêu dùng trong du lịch bền vững, góp phần phát triển bền vững đất nước.
Thông qua Ngày quốc tế về Đa dạng sinh học để tạo cơ hội nâng cao nhận thức và hành động đối với những đóng góp quan trọng của du lịch bền vững cho sự phát triển kinh tế, bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học đối với cộng đồng, các nhà hoạch định chính sách công và tư nhân nhằm huy động sự tham gia của tất cả các bên liên quan làm cho du lịch trở thành chất xúc tác cho sự thay đổi tích cực.
Hơn thế nữa, Chủ đề “Đa dạng sinh học và Du lịch bền vững” tạo cơ hội góp phần vào các sáng kiến đang triển khai như Chương trình Du lịch Bền vững trong khuôn khổ Chương trình 10 năm về Tiêu thụ và Sản xuất bền vững và thúc đẩy Hướng dẫn CBD về Đa dạng sinh học và Phát triển Du lịch.
Ngoài ra, trong khuôn khổ Chương trình nghị sự toàn cầu 2030 về Phát triển Bền vững và các Mục tiêu phát triển bền vững, Năm quốc tế đa dạng sinh học nhằm hỗ trợ thay đổi về chính sách, hành vi kinh doanh và tiêu dùng đối với một ngành du lịch bền vững hơn có thể đóng góp cho các Mục tiêu phát triển bền vững.
2. Các nhà khoa học cho rằng, đa dạng sinh học ở Việt Nam có ý nghĩa to lớn trong đời sống tự nhiên và con người, là cơ sở bảo đảm an ninh lương thực; duy trì nguồn gen vật nuôi, cây trồng; cung cấp các vật liệu cho xây dựng và các nguồn nhiên liệu, dược liệu, nhất là tạo nên các cảnh quan thiên nhiên đẹp cho ngành du lịch phát triển.
Theo dự đoán của các nhà khoa học, số loài thực vật bậc cao có mạch ở Việt Nam ít nhất là 20.000 loài, trong đó có khoảng trên 5.000 đã được nhân dân ta dùng làm nguồn lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thức ăn cho gia súc…
Về hệ thống động vật, hiện đã thống kê được 310 loài thú, 870 loài chim, 296 loài bò sát, 162 loài ếch nhái, trên 1.000 loài cá nước ngọt, hơn 2.000 loài cá biển và thêm vào đó là hàng chục loài động vật không xương sống ở cạn, ở biển và ở nước ngọt.
Ngoài ra Việt Nam còn có phần nội thủy và lãnh hải rộng khoảng 226.000km2, trong đó có hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ và nhiều rạn san hô phong phú, là nơi sinh sống của hàng nghìn loài động vật, thực vật có giá trị.
Năm 1994 một hệ thống các vườn quốc gia và khu bảo tồn đã được quy hoạch và thành lập trên toàn quốc. Đến nay, Việt Nam đã có 164 khu bảo tồn rừng đặc dụng với tổng diện tích gần 2,2 triệu ha và dự kiến đến năm 2020 sẽ nâng lên 176 khu tương đương 2,4 triệu ha.
Việt Nam đã có 8 khu Ramsar, 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 2 khu di sản thế giới, 5 khu vườn di sản ASEAN, 63 vùng chim quan trọng được Tổ chức Bảo tồn chim thế giới công bố trên toàn cầu.
3. Theo ThS Hoàng Ðình Chiều (Viện Nghiên cứu Hải sản), Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến đa dạng sinh học biển do có những hoạt động khai thác phá vỡ các sinh cảnh biển như việc chuyển đổi đất rừng, các vùng đất ngập nước thành đất canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, đô thị hóa, phát triển du lịch đã và đang làm mất hay phá vỡ các hệ sinh thái, nơi cư trú và các sinh cảnh tự nhiên.
Chất lượng nước biển của nước ta đang xuống cấp do các khu chăn nuôi ở cửa sông, ven biển xả rác thải, thức ăn ôi thiu khiến môi trường bị ô nhiễm. Nhiều thành phần môi trường bị suy thoái, tình trạng ô nhiễm do các chất thải khác nhau không được xử lý đổ thẳng ra môi trường, là nguyên nhân đe dọa tới đa dạng sinh học…
Theo Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, du lịch sinh thái đang trở thành ngành kinh tế đầy tiềm năng, thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Điều này nhờ tính đa dạng về hệ sinh thái bao gồm rừng, biển, đất ngập nước; sự phong phú và giàu có về các loài và nguồn gen sinh vật.
Dịch vụ sinh thái - môi trường cùng hệ thống các kiến thức truyền thống và văn hóa địa phương về quản lý và sử dụng tài nguyên đã làm cho đa dạng sinh học có vai trò và giá trị vô cùng to lớn trong việc đảm bảo an ninh lương thực và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, nhất là lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản.