Ám ảnh Ebola
Những tưởng đại dịch Ebola đã qua, nhưng gần đây Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lại lên tiếng cảnh báo rất có thể dịch bệnh cực kỳ nguy hiểm này đã quay trở lại. Nếu điều đó là đúng thì cuộc chiến chống căn bệnh này sẽ rất căng thẳng.
Xét nghiệm virus Ebola.
1. Đầu tháng 5 vừa qua, Hãng tin Reuters cho biết, WHO cho rằng đại dịch Ebola bùng phát trở lại tại Congo (châu Phi) khi mà 1 người đã thiệt mạng sau khi nhiễm virus chết người này.
Cụ thể ngày 22/4, tại tỉnh Bas-Uele, vùng đông bắc Congo có 9 người tử vong do sốt xuất huyết. Ngày 10/5, Bộ Y tế Congo thông báo với WHO rằng trong số 5 mẫu máu được kiểm tra tại phòng thí nghiệm nghiên cứu Y sinh thuộc Viện Quốc gia tại thủ đô Kinshasa, có 1 mẫu dương tính với chủng Zaire của virus Ebola. Người nghi nhiễm virus Ebola có dấu hiệu ốm từ ngày 22/4 tại tỉnh Bas-Uele, cách thủ đô Kinshasa 1.300km, gần với biên giới cộng hòa Trung Phi. Bộ trưởng Y tế nước này nói:
- Chúng tôi đang phải đối mặt với một đợt bùng phát virus Ebola có thể phát sinh cuộc khủng hoảng y tế quốc tế. Nhưng mọi người đừng hoảng sợ. Nhà nước Congo đã thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để đáp ứng một cách nhanh chóng và hiệu quả dịch bệnh này.
Còn theo Eugene Kabambi- người phát ngôn của WHO tại Congo thì khu vực phát hiện Ebola là một vùng rất hẻo lánh và ít dân cư nên ổ dịch sẽ khó bùng phát nhanh được. Và, không chỉ 1 người tử vong mà con số đó là 3. Vị chuyên gia này cho biết thêm, WHO đang làm việc với các chuyên gia để tiến hành một cuộc điều tra dịch tễ nhằm hiểu rõ hơn về mức độ lây lan, đồng thời khoanh vùng những người dễ mắc virus.
Như vậy, rất có thể Ebola đã quay trở lại nơi nó từng phát sinh. Điều đó cho thấy virus gây bệnh này đã không “biến mất” mà vẫn “lẩn khuất” đâu đó, chờ dịp bùng phát. Còn nhớ, tháng 3-2014, các ổ dịch Ebola xuất hiện ở Tây Phi và nhanh chóng trở thành đợt bùng phát nguy hiểm nhất trong lịch sử căn bệnh này kể từ lần đầu được tìm ra năm 1976. Hồi năm 2014-2015, đại dịch Ebola bùng phát đã giết chết hơn 11.300 người và 28.600 người khác bị nhiễm bệnh, chủ yếu tại các nước như Guinea, Sierra Leone và Liberia. Sau đó Ebola đã lan rộng tới hầu hết các châu lục, tạo nên sự chấn động lớn trong mọi cộng đồng.
Tuy nhiên, WHO vẫn khuyến cáo cho dù Ebola rất nguy hiểm nhưng mọi người không nên hốt hoảng. “Chúng ta đang sống trong thời đại của nhiều loại dịch bệnh mới mà chưa điều chế được vaccine điều trị. Ebola nên được coi là một trong những dịch bệnh đó”- một chuyên gia của tổ chức này nói.
Vẫn theo WHO, người ta đã phát triển được một loại vaccine để sử dụng trong trường hợp dịch Ebola bùng phát. Theo Tiến sĩ Seth Berkley, Ebola có thể quay lại nhưng khó có khả năng bùng phát trở thành đại dịch.
Nhân viên y tế Congo trong đại dịch Ebola.
2. Ebola là bệnh gây ra do virus. Các triệu chứng ban đầu bao gồm hiện tượng sốt đột ngột, cơ thể suy yếu trầm trọng, đau cơ và đau cổ họng. Sau đó, khi bệnh tiến triển, các triệu chứng như nôn mửa, tiêu chảy và trong một số trường hợp, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với nguy cơ xuất huyết trong và ngoài cơ thể.
Người ta cho rằng, vật chủ tự nhiên của virus Ebola có thể là loài dơi ăn quả đặc biệt có khả năng lây truyền cho người. Tiếp đó là một số loài linh trưởng cũng là một nguồn lây nhiễm bệnh. Nguy hiểm hơn, sau đó nó sẽ lây lan từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, chất dịch cơ thể hoặc nội tạng của người nhiễm bệnh.
Thời kỳ ủ bệnh có thể kéo dài từ 2 ngày đến 3 tuần, trong khi đó chẩn đoán là rất khó khăn. Chính vì thế mà nhân viên y tế được coi là nhóm dễ bị lây nhiễm Ebola nhất.
Đầu tiên, các trận dịch Ebola bùng phát ở những ngôi làng hẻo lánh tại Trung và Tây Phi, khu vực gần rừng nhiệt đới. Năm 1976, tại Congo, lần đầu tiên giới khoa học phát hiện virus Ebola. Còn theo Tổ chức Thầy thuốc không biên giới (MSF) thì đợt dịch năm 2014 là “chưa từng thấy” khi nó tấn công một số thành phố của Guinea, nơi rất đông dân cư, dẫn đến khả năng lây nhiễm cao.
Vậy, làm thế nào để phòng tránh Ebola?
WHO khuyến cáo mọi người tránh tiếp xúc với bệnh nhân Ebola và chất dịch cơ thể của họ, đồng thời không nên chạm bất cứ vật gì có thể là nguồn lây nhiễm ở nơi công cộng. Đối với người chăm sóc bệnh nhân, nhất thiết phải đeo găng tay và thiết bị bảo vệ, kể cả mặt nạ. Một biện pháp nữa là thường xuyên rửa tay. Những thói quen ăn uống như thịt thú rừng nướng cũng được cho là khá nguy hiểm...
- Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Ebola là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất thế giới với tỷ lệ tử vong cao nhất so với những dịch bệnh do virus gây ra.
- Dịch Ebola xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1976 tại một ngôi làng gần sông Ebola ở Congo và một ngôi làng khác ở vùng hẻo lánh thuộc Sudan. Tên virus này được đặt theo tên của con sông nơi phát hiện lần đầu.
- Virus Ebola lây qua tiếp xúc gần với máu, dịch tiết hoặc các dịch cơ thể khác; kể cả những con vật trung gian truyền bệnh như tinh tinh, khỉ đột, dơi, khỉ, linh dương thậm chí cả nhím (tại châu Phi).
- Triệu chứng của Ebola, theo WHO, là sốt đột ngột, căng thẳng, đau cơ, nhức đầu và đau cổ họng. Một số người bị ói mửa, tiêu chảy, phát ban, suy giảm chức năng thận và gan; chảy máu cả bên trong lẫn bên ngoài.