Củng cố niềm tin của nhân dân bằng giám sát, phản biện

Tuệ Phương (thực hiện) 09/07/2017 09:05

Qua 3 năm triển khai thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị về giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, MTTQ các cấp tỉnh Thừa Thiên- Huế đã đạt nhiều kết quả tích cực. Thông qua hoạt động giám sát đã giúp cho các cơ quan quản lý Nhà nước làm tốt chức năng của mình. Đó là khẳng định của ông Nguyễn Nam Tiến- Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên- Huế với PV Báo Đại Đoàn kết.

Ông Nguyễn Nam Tiến.

PV: Công tác giám sát và phản biện xã hội đã đi được một chặng đường khá dài. Vậy, theo ông làm thế nào để nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động giám sát và phản biện xã hội?

Ông Nguyễn Nam Tiến: Sau 3 năm triển khai Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị, Mặt trận các cấp tỉnh Thừa Thiên-Huế đã thực hiện khá tốt vai trò, vị trí, trách nhiệm của mình đối với các hoạt động giám sát và phản biện nói chung, trong đó có việc giám sát các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân khi họ đến tiếp xúc, làm việc.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chúng tôi thấy có mấy vấn đề phải tiếp tục hoàn thiện. Trước hết, chúng ta hết sức phấn khởi khi có Nghị quyết liên tịch số 403 giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ với UBTƯ MTTQ Việt Nam quy định chi tiết hoạt động giám sát, phản biện của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên.

Đây là văn bản pháp lý quan trọng để tạo điều kiện cho Mặt trận thực hiện tốt nhiệm vụ, trách nhiệm, vai trò của mình trong thực hiện nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội. Nhưng có một thực tế, lâu nay các cấp Mặt trận, đặc biệt là cán bộ Mặt trận cơ sở rất muốn có một cơ chế hoàn chỉnh để tổ chức thực hiện nhiệm vụ nhưng phải cho họ thời gian để hoàn thiện dần.

Khi thực hiện giám sát và phản biện xã hội, những khó khăn mà cán bộ Mặt trận Thừa Thiên - Huế gặp phải là gì, thưa ông?

-Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này, chúng tôi cũng có một số băn khoăn nhất định. Ví dụ như việc giao cho Mặt trận, các tổ chức đoàn thể và các tổ chức thành viên thực hiện nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội nhưng ngay cả trong Nghị quyết liên tịch 403 cũng chưa quy định rõ ràng ai là người chủ trì việc thực hiện giám sát mà vẫn cứ nói chung chung là căn cứ vào từng nội dung, từng lĩnh vực gì đấy quan trọng, liên quan đến hoạt động của đối tượng, tầng lớp, giai cấp để phân công người đó làm chủ trì.

Việc này không rõ ràng, cơ chế làm việc vẫn chưa hoàn chỉnh mặc dù Nghị quyết đã được ban hành. Chưa kể cần phải có cơ chế giữa người phản biện và đối tượng phản biện. Trách nhiệm của đối tượng phản biện thế nào; thực hiện ý kiến của người phản biện là Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội sau phản biện ra sao.

Về phía Mặt trận, hoạt động giám sát và phản biện xã hội rất quan trọng và nó cần phải có nhiều kiến thức để tổ chức thực hiện nhưng cán bộ Mặt trận lại rất ít được đào tạo chuyên sâu. Nếu Mặt trận chỉ làm một việc là tổ chức các hoạt động giám sát không thôi sẽ không hiệu quả còn để trực tiếp làm lại không đủ năng lực.

Rất mừng là sắp tới UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ cho ra đời một cuốn sổ tay về giám sát và phản biện để hướng dẫn công tác này. Nhưng tôi nghĩ đó chỉ là phương tiện ban đầu còn quan trọng nữa đó là cần phải có những lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về các hoạt động giám sát cho cán bộ Mặt trận.

Ký kết phối hợp công tác giữa Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên-Huế với Cảnh sát PCCC tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Nhiều người nói giám sát của Mặt trận ít tính răn đe nên khó gây được áp lực đối với đối tượng được giám sát thưa ông?

- Đúng vậy, Mặt trận chỉ có chức năng giám sát nhưng lại không có chế tài xử lý nên rất khó đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Không chỉ riêng đối tượng giám sát mà các cơ quan quản lý Nhà nước cũng ít quan tâm. Nếu chiếu theo quy định, sau 15 ngày tổ chức đi giám sát Mặt trận phải báo cáo lại với Thường vụ, cấp ủy, chính quyền nhưng không quy định sau bao nhiêu ngày phải trả lời nên có tình trạng thích thì trả lời không thích thì không trả lời.

Mặc dù chúng ta có Luật quy định khá cụ thể về hoạt động giám sát của Mặt trận và các tổ chức thành viên mà cụ thể là trong Chương 5, Điều 25 đến Điều 31 của Luật Mặt trận nhưng tổ chức thực hiện như thế nào lại là một câu chuyện khác. Chưa kể một số chi tiết cụ thể cho hoạt động của Ban TTND và Ban GSĐTCCĐ vẫn chung chung, chưa có gì cụ thể hơn.

Thưa ông, ở đâu đó nhiều người vẫn nói cán bộ Mặt trận cơ sở “ít dũng khí” khi thực hiện việc này?

- Đối với cán bộ Mặt trận cấp cơ sở hoạt động chủ yếu dựa vào vài ba cá nhân. Họ chỉ có một Chủ tịch chuyên trách, một Phó Chủ tịch không chuyên trách còn Trưởng ban Công tác Mặt trận ở cơ sở thì hoàn toàn kiêm nhiệm do vậy có thể do điều kiện gì đấy họ khó có thể thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình mặc dù họ biết vấn đề.

Tôi đảm bảo các cán bộ Mặt trận cơ sở các vấn đề về chính trị, trật tự, an ninh, kinh tế - xã hội ở các địa phương, ở địa bàn họ nắm được nhưng có phản ánh hay không và khả năng xử lý thông tin của họ như thế nào mới là quan trọng. Vì vậy, để nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ cán bộ này lại nằm ở câu chuyện tập huấn, lại phải đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tuệ Phương (thực hiện)