Có thực mới vực được đạo
Đến hẹn lại lên, cứ trước SEA Games, các VĐV trọng điểm của Việt Nam được tăng chế độ tiền công, tiền ăn cũng như được phát thuốc bổ, thực phẩm chức năng. Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, việc các VĐV được quan tâm hơn từ những bữa ăn, giấc ngủ cũng là điều rất đáng quý.
Tăng cả lượng và chất
Cách đây 6 năm, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 32 về chế độ đối với HLV, VĐV thể thao khi tập trung tập huấn và thi đấu. Theo đó, mức tiền ăn dành cho VĐV đội tuyển quốc gia được nâng lên 200 nghìn đồng/ngày (trước đó là 120 nghìn đồng/ngày).
Ngoài ra, tiền công với các HLV, VĐV cũng được tăng theo. Theo đó, tiền công mà HLV trưởng đội tuyển quốc gia được nhận ở mức 300 nghìn đồng/ngày, thành viên trong Ban huấn luyện đội tuyển quốc gia nhận 200 nghìn đồng/ngày.
Được tăng về chế độ ăn, tiền công luôn là niềm vui với các HLV, VĐV, bên cạnh thành tích huy chương ở mỗi kỳ đại hội. Thế nhưng đã 6 năm, khi giá cả tăng đáng kể thì mức tiền ăn nói trên không đủ đối với VĐV ở nhiều bộ môn có tính đặc thù.
Nhưng cái khó với ngành thể thao là họ phải phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước chứ muốn tăng chế độ cũng không được.
Để giải quyết vấn đề này, cứ trước mỗi kỳ SEA Games hay ASIAD, Olympic, ngành thể thao lại lên một danh sách HLV, VĐV trọng điểm.
Trong năm nay, nhằm chuẩn bị cho SEA Games 2017 và ASIAD 2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có những chính sách để đầu tư cho những HLV và VĐV có nhiều khả năng giành huy chương. Theo đó, có 16 HLV và 64 VĐV sẽ được hưởng chính sách đặc thù về chế độ dinh dưỡng, tiền công, chăm sóc y tế, thực phẩm chức năng, trang thiết bị luyện tập, thi đấu.
Cụ thể, HLV được hưởng chế độ tiền ăn 400.000 đồng/người/ngày; tiền công 500.000 đồng/người/ngày. VĐV trọng điểm được hưởng chế độ tiền ăn 400.000 đồng/người/ngày; tiền công 400.000 đồng/người/ngày. Chế độ này bắt đầu áp dụng từ ngày 15/1/2017 đến 31/12/2017.
“Trong năm nay, chúng tôi xác định SEA Games là mục tiêu thi đấu của năm 2017 và cũng là bước đệm chuẩn bị cho kỳ ASIAD 2018 và Olympic 2020. Vì thế mà ngành thể thao đang tập trung rà soát lực lượng để chuẩn bị một cách kĩ càng, những VĐV trọng điểm xuất sắc sẽ được đầu tư một cách đặc biệt. Hay nói cách khác là nguồn lực của ngành sẽ tập trung đầu tư cho các VĐV này”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, trưởng đoàn TTVN Trần Đức Phấn chia sẻ.
Bữa ăn khá đạm bạc của VĐV.
Cần công khai, minh bạch
Có mặt tại Trung tâm HLTTQG Nhổn những ngày này, chúng tôi cảm nhận được bầu không khí hối hả, khẩn trương và cả sự háo hức của các VĐV. Tất cả đều thể hiện sự cố gắng hết mình chuẩn bị cho một kỳ SEA Games thành công trên đất Malaysia, vào tháng 8 tới.
Tại khu nhà ăn của Trung tâm, đúng 11h30, hàng trăm VĐV đã có mặt đông đủ để ăn trưa. Nhà ăn được chia làm 2 khu rất riêng biệt, dành cho VĐV trọng điểm và phần còn lại.
Suất ăn của VĐV hôm chúng tôi có mặt gồm cá rán, thịt lợn rang, nem rán, khoai tây xào, ếch xào, canh cùng sữa chua, dứa tráng miệng. Người quản lý khu ăn cho biết suất ăn cho tuyển thủ bình thường (có chế độ 200.000 đồng/người/ngày ) là: Sáng 30.000 đồng/người, bữa trưa và bữa tối 75.000 đồng/người.
Trong khi đó, bàn ăn và món ăn của VĐV trọng điểm được bài trí cầu kỳ hơn tuyển thủ bình thường (có ga trải bàn). Đồ ăn của VĐV trọng điểm cũng có sự khác biệt đôi chút so với các VĐV khác, khi món cá rán được thay bằng gà luộc, đồ tráng miệng có dưa hấu và sữa chua. Đặc biệt, có những bàn chỉ có 2 VĐV ngồi ăn một con cá sốt kèm theo rau sống. Được biết, đây là bàn dành cho các VĐV ép cân, nên họ thường ăn ít nhưng có sự thay đổi liên tục theo sở thích.
VĐV trọng điểm hưởng chế độ ăn 400.000 đồng/ngày. Theo quản lý khu bếp, suất ăn của VĐV này mỗi ngày là: bữa sáng 40.000 đồng/người, bữa trưa và bữa tối là 120.000 đồng/người. Tổng cộng tiền ăn cho 1 VĐV trọng điểm là 280.000 đồng/ngày.
Như vậy, cả tiền ăn của VĐV bình thường và VĐV trọng điểm đều không dùng hết. Cụ thể, VĐV bình thường còn thừa 20 nghìn đồng, còn VĐV trọng điểm thừa tới 120 nghìn đồng. Vậy số tiền thừa đi đâu?
Khi được hỏi về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm HLTTQG Nguyễn Mạnh Hùng cho biết số tiền thừa dùng vào tiền nước, tiền thuốc bổ trợ cho VĐV. Ngoài ra, tiền thừa cũng sẽ được trả cho VĐV cầm về.
Ở bàn ăn của một VĐV trọng điểm môn bắn súng, VĐV này cho hay, đồ ăn như vậy là ổn, nhưng nên “mùa nào món đó” để phù hợp với khẩu vị. Hơn nữa, với mỗi môn lại có một đặc thù riêng. Chẳng hạn như bắn súng chủ yếu cần vitamin thay vì chất đạm, trong khi những môn thiên về sức mạnh như vật, judo, điền kinh… lại cần nhiều thịt trong khẩu phần ăn của mình. Cũng có những VĐV trong giai đoạn ép cân, gần như không ăn gì.
Với đặc thù khác nhau, nên tiền ăn của các VĐV cũng khác nhau. Ngoài việc Trung tâm Nhổn cần phải công khai, minh bạch khoản tiền ăn thừa của VĐV, thì sự lắng nghe nguyện vọng của họ ở những vấn đề tưởng như rất nhỏ như ăn uống, cũng phải được quan tâm hơn nữa!.