Điểm 10 môn Sử
Kỳ thi THPT 2016 quốc gia và nhiều năm trước đó đã cho thấy một thực tế đáng buồn khi Lịch sử là môn ít thí sinh đăng ký thi nhất. Thậm chí có những điểm thi không có thí sinh dự thi môn sử. Nhiều giáo viên tham gia chấm thi đã từng hết sức bi quan khi điểm thi môn Lịch sử quá thấp, trong đó có nhiểu điểm 0, nhiều bài viết rất ngây ngô.
Nói về thực trạng này, GS Phan Huy Lê- Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng thời gian gần đây, học sinh chán môn Lịch sử, không thích học lịch sử biểu hiện trên nhiều phương diện. Nếu đưa vào môn học bắt buộc thi thì điểm số rất thấp. Nếu đưa vào môn tự chọn thì hầu hết không chọn môn Lịch sử. Học hết cấp phổ thông mà hiểu biết lịch sử của phần lớn học sinh là rất lờ mờ.Tình trạng này có nhiều nguyên nhân, cơ bản là do sách giáo khoa quá nặng nề, lối học và thi cử nặng về truyền thụ và đo kiến thức.
“Muốn khôi phục chất lượng giáo dục môn Lịch sử, cần đổi mới căn bản toàn và toàn diện cả hệ thống giáo dục môn Lịch sử trong nền giáo dục phổ thông và nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, thay đổi cách dạy, cách học và cách thi”- GS Phan Huy Lê nhấn mạnh.
Và kết quả điểm thi THPT quốc gia năm 2017 đã đưa đến cho chúng ta một cái nhìn khác. Khá nhiều địa phương có thí sinh đạt điểm 10 môn Lịch sử. Trong đó, Nam Định và Nghệ An mỗi tỉnh có 5 học sinh đạt điểm 10 môn Lịch sử. Điều này cho thấy học sinh không còn thơ ơ với sử như những năm trước và quan điểm không bao giờ có điểm tuyệt đối cho môn Lịch sử là sai.
Trước kỳ thi năm nay dư luận tỏ ra khá băn khoăn về việc thi trắc nghiệm. Song theo Bộ GD&ĐT, đề thi môn Lịch sử THPT quốc gia 2017 với hình thức thi trắc nghiệm tiếp tục đổi mới theo hướng không yêu cầu nhớ máy móc, giảm câu hỏi về học thuộc lòng, tập trung những câu đòi hỏi thí sinh động não và phải có khả năng tư duy, cách nhìn tổng quan về lịch sử để phân tích theo ý hiểu của bản thân.
Trên thực tế hầu hết thí sinh dự thi môn sử đã bớt tâm lý phải học nhiều, ôn tập nhiều và dần thích ứng với cách ra đề mở - phát huy tối đa năng lực, kỹ năng đánh giá vấn đề, vận dụng sáng tạo kiến thức đã học vào thực tế.
Theo như em Mai Thị Tuyết (lớp 12/1, THPT Duy Tân, TP Tam Kỳ, Quảng Nam), thí sinh duy nhất đạt điểm 10 môn Lịch sử ở Quảng Nam, thay vì học miên man thì cứ mỗi ngày em dành khoảng 1 - 2 giờ đồng hồ để tập trung học môn sử.
Bên cạnh đó, em chọn những lúc mình có cảm hứng, tâm trạng thoải mái để học bài chứ không học khi căng thẳng. Đặc biệt em luôn áp dụng lịch sử qua từng giai đoạn vào thực tế xã hội hiện nay, nên dễ nhớ.
Nhiều chuyên gia giáo dục cũng cho rằng với cách ra đề thi theo hướng đổi mới sẽ giúp thí sinh giảm bớt nỗi sợ khi chọn thi môn này, đồng thời góp phần lấy lại vị thế môn Sử. Từ thay đổi nhỏ này, những người làm giáo dục cần kịp thời có chủ trương, biện pháp thay đổi hiện trạng môn học này một cách căn bản và toàn diện.