Tuyên bố chung Hội nghị G20: Vượt bất đồng, tìm kiếm đồng thuận
Trong hai ngày 7 và 8/7, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã được tổ chức tại TP Hamburg (Đức). Diễn ra trong bối cảnh thế giới phải đối mặt với hàng loạt thách thức như chủ nghĩa khủng bố, an ninh mạng, biến đổi khí hậu, "bóng ma" của vũ khí hạt nhân...
Quang cảnh Phiên thảo luận về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và năng lượng của Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Hamburg, Đức. Ảnh: VGP
Năm nay, biểu tượng của Hội nghị thượng đỉnh G20 là hai dải ruy-băng thắt nút vào nhau, thể hiện ý nghĩa của chủ đề hội nghị: “Định hình một thế giới kết nối”. Đó có nghĩa là tăng cường kết nối, hợp tác trong kinh tế, thương mại, đầu tư, kết nối trong kỷ nguyên của cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng 4.0) - cách mạng số.
Hội nghị được kỳ vọng là cơ hội để lãnh đạo các nước lớn vượt qua bất đồng, tìm tiếng nói chung trong nhiều vấn đề liên quan tới sự bình ổn và phát triển toàn cầu với tập trung vào 3 nội dung chính: Bảo đảm sự ổn định, tạo nền tảng tự cường cho tương lai và cam kết trách nhiệm, với 2 nghị trình chính là biến đổi khí hậu và thương mại tự do.
Tuy nhiên, sự khác biệt ngày càng gia tăng giữa Mỹ và các thành viên khác về thương mại và biến đổi khí hậu đã biến cuộc gặp năm nay từ một sự kiện ngoại giao thường niên trở thành một trong những hội nghị “sóng gió” nhất trong lịch sử diễn đàn quốc tế đa phương này.
Không nằm ngoài dự đoán, ngoại trừ Mỹ vẫn duy trì cách tiếp cận đơn phương, 19 thành viên còn lại của G20 đều thể hiện quan điểm ủng hộ thương mại tự do, cam kết tăng cường hợp tác, sử dụng đồng bộ các chính sách tài khóa, tiền tệ, cải cách cơ cấu, chống chủ nghĩa bảo hộ nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng tự do. Hội nghị cũng đã ghi nhận việc Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và nhấn mạnh các nước thành viên khác cần tiếp tục thực hiện các cam kết theo Thỏa thuận này.
Trong tuyên bố cuối cùng được lãnh đạo 20 nền kinh tế thành viên nhất trí, 19 thành viên của G20 công nhận quyết định của Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu. Trong khi đó, Mỹ cam kết sẽ "hợp tác chặt chẽ để hỗ trợ các nước khác được tiếp cận và sử dụng nhiên liệu hóa thạch hiệu quả và thân thiện với môi trường hơn", cũng như hỗ trợ triển khai các nguồn năng lượng sạch và tái tạo khác.
Đối với vấn đề thương mại, các nhà lãnh đạo cam kết sẽ tiếp tục đấu tranh chống chủ nghĩa bảo hộ, trong đó có thương mại thiếu công bằng, nhưng mặt khác cũng dành sự tôn trọng đối với vai trò của các công cụ phòng vệ hợp pháp trong thương mại.
Tuyên bố chung về ngăn chặn tài trợ khủng bố được coi là điểm sáng hiếm hoi đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm nay. Cụ thể, nhóm G20 nhất trí tăng gấp đôi các nỗ lực ngăn chặn nguồn tài chính của các nhóm cực đoan.
Tìm kiếm sự đồng thuận trong giải quyết các vấn đề nóng của thế giới là mục tiêu chính của nước chủ nhà Đức cũng như các quốc gia thành viên G20 tại Hội nghị thượng đỉnh lần này. Việc Việt Nam được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 cho thấy quốc tế ngày càng đánh giá cao vai trò cũng như đóng góp của Việt Nam trong tiến trình phát triển của thế giới.
Theo Nghị sỹ Quốc hội Liên bang Đức Rolf Mützenich, những quan điểm của khu vực châu Á rất có ý nghĩa đối với sự phát triển của thế giới, giải quyết các vấn đề xung đột quốc tế cũng như hợp tác cùng có lợi giữa châu Á và châu Âu.
Việt Nam với tư cách là Chủ tịch APEC 2017 đóng vai trò rất quan trọng trong việc chia sẻ những khó khăn, thách thức được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này, nhất là trong các vấn đề thương mại tự do và toàn cầu hóa, vấn đề chống biến đổi khí hậu.
Chia sẻ quan điểm với ông Mützenich, tiến sỹ Rodion Ebbighausen, Kênh truyền hình Deutsche Welle (Sóng Đức) nhận xét: “Tôi nghĩ rằng Việt Nam đang đóng vai trò rất quan trọng đối với khu vực ASEAN và với Hội nghị thượng đỉnh G20, một diễn đàn rất quan trọng, được thành lập bởi các nước công nghiệp phát triển trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế. Việt Nam có cơ hội để thiết lập những mối quan hệ chặt chẽ và phát triển hơn nữa với các quốc gia G20".
Được coi là “sân chơi” của những nền kinh tế lớn nhất thế giới, chiếm tới 2/3 dân số, 90% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), hơn 80% tổng sản lượng kinh tế toàn cầu, Hội nghị Thượng đỉnh G20 luôn được xem là hoạt động định hướng và dự báo xu thế phát triển toàn cầu trong tương lai gần. Dù đạt được những kết quả nhất định nhưng qua diễn đàn lần này cho thấy vẫn còn khoảng cách lớn trong cách tiếp cận các vấn đề nổi cộm của thế giới hiện nay. Dẫu vậy, Hội nghị Thượng đỉnh G20 đã thể hiện nỗ lực hợp tác quốc tế vì sự phát triển chung của nhân loại.