Quan hệ Nga - Mỹ, những tín hiệu tích cực
Tổng thống Mỹ Donald Trump trên truyền hình nhìn rất khác so với ngoài đời, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói trong hôm kết thúc thượng đỉnh G20, thêm rằng sau cuộc họp giữa ông với lãnh đạo Mỹ tại Hamburg, ông cảm thấy rằng mối quan hệ giữa hai nước có thể được khôi phục một phần.
Cú bắt tay đầu tiên giữa lãnh đạo Nga-Mỹ tại thượng đỉnh G20 tổ chức tại Hamburg, Đức hôm 7/7. (Nguồn: Reuters).
“Tôi nghĩ rằng quan hệ cá nhân giữa hai bên đã được thiết lập” - tổng thống Putin kể về cuộc gặp với Tổng thống Trump - “Ông Trump mà chúng ta thấy trên truyền hình rất khác so với ngoài đời thực”.
“Tôi nghĩ rằng nếu chúng tôi tiếp tục xây dựng mối quan hệ như trong cuộc nói chuyện đó, sẽ có cơ sở để tin rằng chúng tôi có thể - ít nhất là một phần nào đó - khôi phục lại sự hợp tác mà chúng tôi cần” - Hãng tin RT dẫn lời ông Putin, cho hay.
Tổng thống Putin nói rằng, những lời cáo buộc Nga can thiệp vào kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm ngoái đã được nêu trong cuộc nói chuyện với ông Trump. Ông nhấn mạnh rằng, không có lý do gì để tin rằng Nga can thiệp vào tiến trình bầu cử năm 2016 cả.
“Ông Trump đã đưa ra nhiều câu hỏi về vấn đề đó. Tôi đã trả lời mọi câu hỏi tốt nhất có thể. Tôi nghĩ rằng ông ấy cũng đã nhất trí quan điểm với tôi, nhưng các bạn nên hỏi xem ông ấy thực sự cảm thấy gì” - ông Putin nói.
Liên quan tới vấn đề an ninh mạng, lãnh đạo Nga nói rằng ông và Tổng thống Trump đã cùng nhất trí rằng không nên để xảy ra tình trạng bất ổn trong lĩnh vực này, đặc biệt là trong tương lai.
“Tổng thống Mỹ và tôi nhất trí rằng chúng tôi sẽ thiết lập một nhóm làm việc, cùng hợp tác về cách thức kiểm soát an ninh chung trong lĩnh vực an ninh mạng, cách thức đảm bảo tuân thủ luật pháp quốc tế, và làm thế nào để ngăn chặn việc can thiệp vào chuyện nội bộ của nước ngoài” - ông Putin nói.
“Nếu như chúng tôi có thể làm được điều đó, và tôi không có lý do gì để nghi ngờ về nó, thì sẽ không còn sự ngờ vực lẫn nhau trong vấn đề này nữa” - ông Putin nói thêm.
Phát biểu về các cáo buộc nhằm vào Nga, trong đó bao gồm cáo buộc Moscow can thiệp vào chuyện nội bộ của các nước khác, Tổng thống Putin cho rằng, các hãng truyền thông nước ngoài đã thổi phồng sự việc.
“Nếu như các bạn phân tích truyền thông Đức, Pháp và châu Âu nói chung - chính họ là những bên liên tiếp can thiệp vào chuyện nội bộ của chúng tôi. Nhưng chúng tôi cảm thấy tự tin và chúng không thể ảnh hưởng tới chúng tôi” - ông Putin nói.
Tình hình chiến sự ở Syria cũng là một vấn đề được nhắc tới trong cuộc họp báo này, trong đó ông Putin nói rằng chính quyền mới của nước Mỹ đã áp dụng một quan điểm “thực dụng hơn” trong vấn đề này.
“Tôi cho rằng quan điểm của Mỹ đã trở nên thực tế hơn. Nó dường như không thay đổi quá mạnh mẽ so với chính quyền Obama trước kia, nhưng có một cảm giác chung ở đay là chúng tôi có thể đạt được nhiều thứ hơn khi phối hợp lực lượng với nhau” - ông Putin nói.
Và chính hướng tiếp cận mới tích cực của chính quyền Tổng thống Trump đa giúp cả hai bên đạt được một thỏa thuận thiết lập vùng giảm căng thẳng ở miền Nam Syria, thỏa thuận được xem như “một trong các bước đột phá” trong cuộc thảo luận giữa ông Trump và Putin.
Lãnh đạo Nga đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của khu vực giảm thang trong việc duy trì chủ quyền lãnh thổ của nhà nước Syria sau khi cuộc xung đột chấm dứt. Ông giải thích rằng khu vực này sẽ trở thành một vùng lãnh thổ nguyên mẫu cho phép các bên trong cuộc xung đột hợp tác với nhau và với cả chính phủ Damascus.
Tổng thống Nga cũng nhận xét về các tuyên bố mà Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và giới chức Washington đưa ra trước đây, trong đó khẳng định rằng nội chiến Syria sẽ không thể được giải quyết khi mà Tổng thống Basharl al-Assad còn nắm quyền lực.
“Ông Tillerson là một người rất đáng kính và từng nhận một huân chương của Nga. Chúng tôi yêu quý và tôn trọng ông ấy. Nhưng sau cùng ông ấy không phải một công dân Syria và tương lai của Syria cũng như tương lai chính trị của Tổng thống Bashar al-Assad chỉ nên được quyết định bởi người dân Syria” - ông Putin nói.
Cuộc gặp gỡ lần đầu tiên giữa Tổng thống Nga Vladimpir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump thời điểm cuối tuần qua, bên lề hội nghị thượng đỉnh G20, được xem là một cuộc họp mang nhiều tín hiệu tích cực khi cả hai nhà lãnh đạo đạt được một số đồng thuận đáng chú ý.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng Tổng thống Trump khó có thể thực hiện đầy đủ được các thỏa thuận đã nhất trí hay phục hồi quan hệ với Moscow, trong lúc mà nhiều cơ quan của Mỹ đang nhập cuộc điều tra về cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử của họ.