Ca sĩ Hồ Quang 8: Tuổi nghề của nghệ sĩ bolero không bao giờ già

Thu Hương (ghi) 10/07/2017 15:35

Bolero là dòng nhạc đã nổi tiếng từ khá lâu và lứa tuổi như thế hệ 8x về trước hầu như ai cũng biết. Ở thời điểm những thập kỷ trước thì đây gần như là thứ âm nhạc “phổ thông” mọi người nghe hàng ngày. Đây thực sự là những lời ca, tiếng hát “phổ thông” của mọi người sau những buổi lao động mệt nhọc.

Ca sĩ Hồ Quang 8.

Như tôi ngày xưa ở quê trong lúc lao động đồng ruộng miệt mài đó là những lời ca, tiếng hát “thư giãn” mỗi ngày. Tuy nhiên, dòng nhạc Borelo cũng có những thăng và trầm khi có thời điểm nhiều tác phẩm hồi đó còn bị hạn chế về nhiều mặt trong việc cấp phép. Nhưng sau này, bằng tình yêu các tác phẩm Bolero từ trước năm 1975 mới được phát hành và sử dụng. Nhờ đó mà dòng nhạc này mới có cơ hội để tiếp cận nhiều hơn cho lớp trẻ sau này được nghe và thưởng thức.

Còn tại sao lại được nổi tiếng và cuốn hút nhiều người xem đó là nó rất gần gũi với người dân, phản ánh cuộc sống của họ một cách rõ nét nhất. Với giai điệu uyển chuyển, lời bài hát rất thực tế với đời sống của người Việt Nam, không hoa mỹ, cao sang hay khó hiểu mà ngược lại hoàn toàn phản ánh đời sống của nhân dân xưa nay.

Về sự ảnh hưởng của dòng nhạc Bolero đối với đời sống âm nhạc hiện đại thì nó mang tính tích cực là chính. Ví như bản thân tôi là một người hát nhạc Bolero nhiều năm tôi thấy mỗi khi cất tiếng hát lên khán giả có khi là một người tiêu cực nhưng khi được nghe một tác phẩm hay có thể phần nào đó giúp họ dần tích cực hơn trong đời sống hàng ngày. Họ sẽ tự nhận ra rằng bản thân phải làm thế nào để sống tốt đẹp và có ý nghĩa hơn. Và thực tế là như vậy.

Nhưng tôi thường nghe nhiều người nói rằng nhạc Bolero nhiều khi bị quá đà nên sẽ mang lại nhiều chiều hướng tiêu cực, gần như là không tốt cho đời sống cho xã hội, nhưng đó luôn là vấn đề hai chiều. Mỗi người một quan điểm, những nhà nghiên cứu âm nhạc thì họ không cọ sát với khán giả bằng các nghệ sĩ biểu diễn trực tiếp cho khán giả. Chính những nghệ sĩ đấy mới biết được thực sự khán giả cần gì.
Khi người ta tìm thấy cái đích thực, cái hay thì người ta phải chọn. Mỗi dòng nhạc đều có giá trị riêng của nó. Không có nghĩa các nghệ sĩ bây giờ phải sáng tác những tác phẩm mới để đáp ứng nhu cầu hiện tại của đời sống xã hội hiện nay. Nếu như bản thân nhạc sĩ không thể đáp ứng được nhu cầu thưởng thức đối với các ca khúc mới thì đương nhiên khán giả sẽ tìm lại những tác phẩm cũ để nghe vì nó mang lại những cảm xúc thực tế dành cho họ. Bây giờ những sáng tác của các nghệ sĩ mới, họ cũng rất mong sẽ được khán giả đón nhận nhưng lại không đạt được yêu cầu và nhu cầu của khán giả nên không thể nói cái gì là quá cả.

Nhưng quả thật các tác phẩm mới ngày nay, số lượng để vang danh được thì rất ít, nhiều tác phẩm không thể thành công ngay được. Nhưng nhạc Bolero ngày xưa thì người ta sáng tác bài nào cũng thấy hay, bài nào cũng nổi tiếng, tôi khẳng định là như vậy. Còn bây giờ, khi một tác phẩm – một bài hát mới ra đời thì trong hàng ngàn ca khúc nhưng mãi mới được một vài ca khúc. Ví dụ như Hội Nhạc sĩ Việt Nam có người chọn ra được một số tác phẩm đạt giải A giải B trong các cuộc thi nhưng có khi lại không được công chúng biết đến, đấy gọi là một sự thất bại.

Nó xứng đáng lên ngôi là việc thứ nhất, nói vậy thôi trong mỗi chúng ta hay kể cả trong những tiền bối, danh ca về dòng nhạc Bolero thì họ nổi tiếng và mãi họ không hết “pin”, đấy là một điều khẳng định rằng Bolero lên ngôi là đúng. Tại sao có nhiều nghệ sĩ 70 tuổi rồi khi biểu diễn thì khán giả phần đông vẫn nườm nượp mua vé vào xem? Tại sao lại được như thế? Tuổi đời có thể già nhưng tuổi nghề của các nghệ sĩ Bolero thì không bao giờ già. Điều này chứng tỏ Bolero có vị trí riêng của nó, nó có đặc thù riêng mà các dòng nhạc khác không thể so bì được.

Nhiều bài hát nhạc của dòng nhạc khác, có khi chỉ hot được một thời gian, người ta nghe cũng thấy thích thú nhưng bản thân họ lại không thấy được hình ảnh nào trong đấy cả thì người ta sẽ lãng quên ngay, mà khán giả lại là ban giám khảo, họ đúng lắm, không có ban giám khảo nào chuẩn bằng khán giả trong âm nhạc cả. Mỗi một nghệ sĩ nếu muốn được thăng hoa thì phải nhờ có khán giả, và khán giả nhờ sự ngưỡng mộ, hâm mộ của bản thân để phục vụ lại nghệ sĩ, không có nghệ sĩ nào sáng tác hay biểu diễn chỉ để cho nhau xem.

Thu Hương (ghi)