Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú cần những quy định gì?
Theo phản ánh của ông Nguyễn Xuân Thủy, Nghị định 27/2015/NĐ-CP quy định điều kiện xét tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú là phải chủ trì 2 đề tài cấp Bộ, tuy nhiên thực tế việc áp dụng quy định này tại các trường thuộc Bộ Quốc phòng rất khó khăn vì chỉ những cán bộ có chức vụ cao mới được giao chủ trì đề tài cấp Bộ.
Ông Thủy cho rằng điều này đã dẫn đến rất thiệt thòi cho các nhà giáo có nhiều công lao trong sự nghiệp giáo dục đào tạo nhưng vẫn không đủ tiêu chuẩn.
Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, ông Thủy đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét lại quy định trên.
Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:
Danh hiệu Nhà giáo nhân dân (NGND), Nhà giáo ưu tú (NGƯT) là danh hiệu nghề nghiệp cao quý nhất của ngành giáo dục.
Các tiêu chuẩn để được phong tặng danh hiệu NGND, NGƯT quy định tại Nghị định số 27/2015/NĐ-CP ngày 10/3/2015 của Chính phủ về xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT. Trong đó, tiêu chuẩn về tài năng sư phạm, sáng kiến hoặc đề tài nghiên cứu khoa học đối với giảng viên các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng như sau:
"Giảng dạy, hướng dẫn sinh viên, học viên đổi mới phương pháp học tập, nghiên cứu khoa học, thực hành, thực tập đạt chất lượng và hiệu quả cao; có nhiều đóng góp trong việc đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy học;
Chủ trì 3 sáng kiến hoặc 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, bộ hoặc 2 nhánh đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia được hội đồng sáng kiến, hội đồng khoa học cấp tỉnh, bộ, cấp quốc gia nghiệm thu, được ứng dụng vào thực tiễn đem lại hiệu quả thiết thực; chủ biên 1 giáo trình hoặc tham gia biên soạn 2 giáo trình môn học được sử dụng trong giảng dạy, hoặc tác giả của 1 sách chuyên khảo hoặc tác giả chính 2 sách chuyên khảo; tác giả chính 5 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước hoặc quốc tế;
Giảng viên các đại học, trường đại học, học viện, viện khoa học có đào tạo trình độ tiến sĩ đạt các tiêu chuẩn quy định tại Điểm này và hướng dẫn chính 2 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ hoặc hướng dẫn 5 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II, bác sĩ nội trú" (Điểm e Khoản 4 Điều 9 Nghị định 27/2015/NĐ-CP)".
Tiêu chí chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến
Qua 13 lần xét tặng, Bộ Quốc phòng đều có các nhà giáo là giảng viên đại học được phong tặng danh hiệu NGND, NGƯT.
Năm 2014, Bộ Quốc phòng có 29 nhà giáo được phong tặng danh hiệu NGND, NGƯT, trong đó có 15 nhà giáo là giảng viên đại học.
Năm 2017, danh sách đề nghị xét phong tặng danh hiệu NGND, NGƯT của Hội đồng Bộ Quốc phòng có 35 nhà giáo, trong đó có 16 nhà giáo là giảng viên đại học.
Các nhà giáo là giảng viên đại học thuộc Bộ Quốc phòng tham gia xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT vẫn đáp ứng được tiêu chuẩn chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến theo quy định qua các lần xét tặng đều đạt tiêu chuẩn với tỷ lệ cao trong khối các Bộ, ngành.
Tiêu chí hướng dẫn nghiên cứu sinh và học viên cao học
Đối với các ngành đặc thù thuộc Bộ Quốc phòng không được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ thì được áp dụng theo quy định tại Khoản 4, Điều 10 Nghị định 27/2015/NĐ-CP:
"Giảng viên các đại học, trường đại học, học viện không được giao nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ được thay thế bằng một trong những thành tích sau:
Hướng dẫn 3 sinh viên đoạt Huy chương Vàng, Bạc, Đồng hoặc đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong các kỳ thi quốc tế; hướng dẫn 5 sinh viên đoạt Huy chương Vàng, Bạc, Đồng hoặc đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong các kỳ thi quốc gia; hướng dẫn 5 công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên đạt giải "Tài năng khoa học trẻ" hoặc "Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo" cấp bộ".
Quá trình xây dựng tiêu chuẩn thay thế đã có sự phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Quốc phòng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu ý kiến góp ý của ông Nguyễn Xuân Thủy và tiếp tục lắng nghe ý kiến phản ánh, góp ý của các Bộ, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục đào tạo trong cả nước để tham mưu sửa đổi, bổ sung Nghị định của Chính phủ (nếu cần thiết) trong thời gian tới.