Công tác thanh tra cần tập trung vào các vấn đề bức xúc để chấn chỉnh, xử lý
“Mỗi cán bộ, công chức ngành thanh tra phải thực sự trong sạch, không để bị cám dỗ, bị mua chuộc, không vì bất cứ áp lực nào mà làm sai pháp luật, phải có đầy đủ ý chí, nghị lực và lòng dũng cảm, kiên quyết bảo vệ lẽ phải, bảo vệ chân lý”.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn.
Đây là ý kiến của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2017 của ngành thanh tra, chiều 10/7.
Vẫn còn những mặt chưa thực sự đáp ứng mong muốn của Chính phủ, kỳ vọng của người dân
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nhấn mạnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của các ngành, các cấp, trong 6 tháng đầu năm 2017, nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; sản xuất công nghiệp phát triển; cơ cấu lại nền kinh tế đạt được nhiều kết quả; môi trường đầu tư kinh doanh, chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu được cải thiện đáng kể; thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán có nhiều khởi sắc; hoạt động phát triển doanh nghiệp trong nước chuyển biến tích cực. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm, phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân được cải thiện.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ: Bên cạnh những kết quả trên thì công tác quản lý nhà nước, thực thi pháp luật trên một số lĩnh vực chưa tốt, tình hình khiếu nại tố cáo của công dân vẫn còn phức tạp, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi, vi phạm pháp luật còn diễn ra trên nhiều lĩnh vực. Vì vậy, việc nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước nói chung và nhiệm vụ công tác thanh tra là rất cần thiết, đòi hỏi phải đồng bộ nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, kịp thời, phục vụ thiết thực cho công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế-xã hội.
Nhiệm vụ của ngành thanh tra rất nặng nề, nhất là trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, thanh tra phòng, chống tham nhũng. Báo cáo 6 tháng đầu năm của Thanh tra Chính phủ cho thấy, toàn ngành đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả Nhà nước, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, pháp luật, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Thẳng thắn nhìn nhận một cách khách quan, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho rằng, những kết quả của ngành thanh tra trong 6 tháng đầu năm 2017 vẫn còn những mặt chưa thực sự đáp ứng mong muốn của Chính phủ, kỳ vọng của người dân. Ngành thanh tra vẫn còn một số hạn chế, yếu kém cần lưu ý khắc phục như tiến độ thực hiện một số cuộc thanh tra còn chậm, chất lượng một số kết luận thanh tra còn có mặt hạn chế, số vụ việc chuyển cơ quan điều tra còn ít, hiệu quả công tác tiếp dân chưa cao, giải quyết khiếu nại tố cáo còn chậm, tỉ lệ thấp, có vụ việc còn thiếu khách quan, chính xác, công dân không đồng tình dẫn đến khiếu nại bức xúc, kéo dài.
Việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa cao, kết quả phát hiện tham nhũng qua thanh tra còn hạn chế, việc nắm bắt tình hình để tham mưu thanh tra đột xuất các vụ việc có dấu hiệu tiêu cực tham nhũng còn hạn chế, kết quả công tác phòng chống tham nhũng còn khiêm tốn, tổ chức bộ máy thanh tra còn bất cập, chưa phát huy được vai trò trong quản lý Nhà nước về thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng, trình độ và năng lực của một bộ phận cán bộ thanh tra ở một số nơi còn yếu; đạo đức công vụ, thái độ, tác phong khi thực thi công vụ chưa chuẩn mực, cần quan tâm chấn chỉnh.
Do đó, nhiệm vụ 6 tháng còn lại của ngành thanh tra rất nặng nề. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị toàn bộ ngành thanh tra cần thực hiện tốt một số nội dung sau.
Đó là, cần thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 04 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, triển khai Nghị quyết này phải gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần củng cố vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong mỗi cán bộ, đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và toàn Đảng bộ, góp phần củng cố xây dựng ngành thanh tra liêm chính, trong sạch, vững mạnh.
Tập trung chỉ đạo thực hiện kế hoạch thanh tra năm 2017 gắn với thanh tra đột xuất, thanh tra hành chính phải bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, chú ý các lĩnh vực có nhiều tiêu cực, tham nhũng.
Thanh tra chuyên ngành cần quan tâm đến các vấn đề mà dư luận xã hội bức xúc, quá trình thanh tra phải thực hiện đúng chức năng, thẩm quyền và quy định của pháp luật; chú ý hạn chế chồng chéo trong hoạt động của thanh tra, giữa thanh tra với kiểm toán, thực hiện tốt Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp và Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp.
Thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra phải đóng vai trò chủ đạo trong việc tham mưu cho các cấp, các ngành, địa phương trong việc thực hiện tốt Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Củng cố, kiện toàn cán bộ làm tốt công tác này, tăng cường cơ sở, chú ý bố trí cán bộ có năng lực, phẩm chất, kinh nghiệm, có nhận thức đúng đắn về phục vụ nhân dân và hiểu biết về pháp luật.
Đánh giá đúng bản chất vụ việc để có giải pháp toàn diện trong xử lý, kiến nghị xử lý
Quang cảnh hội nghị.
Lưu ý về giải quyết các khiếu kiện bức xúc, đông người hiện nay, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh: Công tác này đã được Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra các cấp vào cuộc quyết liệt, kéo giảm các vụ việc. Tuy nhiên, việc giải quyết khiếu nại tố cáo đông người đòi hỏi các cấp phải hết sức công tâm, đánh giá đúng bản chất vụ việc để có giải pháp toàn diện trong xử lý và kiến nghị xử lý, bảo đảm quyền lợi Nhà nước, người dân, nhà đầu tư trong giải quyết các vụ việc.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chỉ rõ: Qua giải quyết các vụ việc bức xúc kéo dài, thấy nổi lên các nguyên nhân chính là việc thu hồi đất thực hiện dự án của nhà đầu tư sau đó chuyển mục đích sử dụng đất, làm giá trị tăng lên, một số vụ việc thực tế thu hồi đất tăng lên, giải quyết lại không thấu tình đạt lý, quyền sử dụng đất ổn định của người dân trước tháng 10/1993 nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận, sau đó bị thu hồi thì đền bù không thoả đáng cho dân. Đây là nguyên nhân lớn trong các vụ khiếu kiện bức xúc kéo dài.
“Chúng ta tôn trọng quyền lợi nhà đầu tư, Nhà nước cần thúc đẩy sự phát triển, cuộc sống người dân gắn chặt quyền lợi với đất. Do đó, quá trình giải quyết phải hài hoà lợi ích của các bên, các giá trị gia tăng cũng phải giải quyết cho dân, nhưng cũng không để nhà đầu tư thiệt thòi”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ lưu ý.
Đồng thời, các quy hoạch phải hết sức công khai, trưng cầu ý kiến dân, phải thấu tình đạt lý, làm tốt công tác bồi thường, tái định cư, dạy nghề… để người dân có cuộc sống tốt hơn. Thanh tra phải tham mưu tốt về hoàn thiện thể chế, công bằng xã hội, công tâm, không chỉ là xử lý vi phạm…
Phải đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng theo hướng đi vào thực chất, tránh hình thức, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về phòng chống tham nhũng.
Tiếp tục chú trọng xây dựng ngành, lực lượng thanh tra trong sạch, vững mạnh, góp phần xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân. Mỗi cán bộ, công chức ngành thanh tra phải thực sự trong sạch, không để bị cám dỗ, bị mua chuộc, không vì bất cứ áp lực nào mà làm sai pháp luật, phải có đầy đủ ý chí, nghị lực và lòng dũng cảm, kiên quyết bảo vệ lẽ phải, bảo vệ chân lý. Thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ là “phẩm chất của người cán bộ thanh tra là tự mình nghiêm chỉnh và phải có đạo đức cách mạng”.
“Ngành thanh tra phải thường xuyên bồi dưỡng trình độ nghiệp vụ, đạo đức, tác phong chuyên nghiệp, ứng xử văn hoá, tăng cường công tác kiểm tra nội bộ, xử lý nghiêm công chức vi phạm để củng cố ngành, thực hiện nghiêm công tác phòng, chống tham nhũng , tiêu cực trong ngành thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay trong ngành”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chỉ rõ.
Về định hướng chương trình thanh tra năm 2018, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu Thanh tra Chính phủ xây dựng định hướng và khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, làm cơ sở xây dựng kế hoạch một số mục tiêu cụ thể như làm tốt việc phát hiện, chấn chỉnh những yếu kém trong quản lý Nhà nước, thực thi chính sách, pháp luật; xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm pháp luật, kể cả xử lý trách nhiệm người có thẩm quyền trong việc không thực hiện đúng pháp luật về khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân, để xảy ra khiếu nại bức xúc, gây ra hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến an ninh trật tự và dư luận xấu trong xã hội.
Công tác thanh tra năm 2018 cần tập trung vào các vấn đề bức xúc để chấn chỉnh, nội dung cần tập trung vào công tác quản lý sử dụng đất đai, nhà ở, khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường, đầu tư, xây dựng, tài chính ngân hàng, xử lý nợ xấu, quản lý thị trường và phòng, chống buôn lậu, hàng giả, đấu thầu thuốc và thiết bị y tế, cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, thanh tra chuyên đề diện rộng về chống thất thu thuế, quản lý Nhà nước về nghĩa vụ nộp thuế của các doanh nghiệp… Coi đây là biện pháp quan trọng để tạo sự đồng thuận trong xã hội, nhất là khi kiến nghị, kết luận biện pháp xử lý các cuộc thanh tra lớn, phức tạp, bức xúc trong xã hội.
Thanh tra phát hiện vi phạm 29.510 tỷ đồng
Báo cáo của ngành thanh tra cho biết: Về công tác thanh tra 6 tháng đầu năm 2017, toàn ngành đã triển khai 3.847 cuộc thanh tra hành chính và 136.096 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
Qua thanh tra phát hiện vi phạm 29.510 tỷ đồng, 4.978 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước 19.521 tỷ đồng và 4.676 ha đất (đã thu hồi 5.536 tỷ đồng); xử phạt vi phạm hành chính 2.469 tỷ đồng; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý 9.988 tỷ đồng, 302 ha đất.
Qua thanh tra đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 724 tập thể, 22 cá nhân; ban hành 82.074 quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổ chức, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 49 vụ, 113 đối tượng; chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực.
Về công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, toàn ngành đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 1.875 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra. Qua đôn đốc, các cơ quan chức năng đã thu hồi và xử lý khác 237 tỷ đồng (đạt tỉ lệ 56%), 262 ha đất (đạt tỉ lệ 28%); xử lý hành chính 242 tổ chức, 545 cá nhân; khởi tố 7 vụ, 18 đối tượng.
Về công tác tiếp công dân, trong 6 tháng đầu năm 2017, cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã tiếp 197.697 lượt công dân (tăng 8% so với cùng kỳ năm 2016) với 125.512 vụ việc (tăng 27% so với cùng kỳ năm 2016), có 2.716 đoàn đông người (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2016).
Thông qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại quyền lợi cho 750 công dân số tiền 32 tỷ đồng, 4 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 142 người, chuyển cơ quan điều tra 11 vụ, 3 đối tượng.
Về minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, số người đã kê khai tài sản, thu nhập năm 2016 đạt tỉ lệ 99,8% so với số người phải kê khai. Nhiều bộ, ngành, địa phương có số người đã kê khai đạt tỉ lệ 100%; kết quả công khai đạt tỉ lệ 99,8%.
Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, trong 6 tháng đầu năm 2017, có 1 trường hợp người đứng đầu bị kết luận thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng; xử lý kỷ luật 4 người do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, trong đó có 3 người vi phạm phát hiện từ kỳ trước.
Về phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, trong 6 tháng đầu năm, ngành thanh tra đã phát hiện 47 vụ, 66 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng.