Hộ kinh doanh làng nghề: Động lực để trở thành doanh nghiệp
Theo chia sẻ của nhiều hộ kinh doanh làng nghề, mặc dù nhìn ra nhiều lợi ích khi chuyển đổi thành doanh nghiệp (DN), song, trên thực tế, nhiều sản phẩm làng nghề hiện nay khó phát triển vì không có thị trường.
Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng, để khuyến khích các hộ kinh doanh làng nghề phát triển thành DN thì cần phải có cơ chế chính sách đặc thù riêng cho từng ngành nghề.
Nhiều hộ kinh doanh làng nghề ngại thành DN.
Nhiều rào cản
Là một hộ kinh doanh trong lĩnh vực tranh sơn mài đã chuyển đổi lên thành DN từ năm 2011, ông Đỗ Hồng Chiêu, Giám đốc Công ty CP sản xuất và Thương mại dịch vụ An Huy, Chủ tịch Hội sơn mài Hạ Thái, xã Yên Thái, Thường Tín, Hà Nội rất ủng chủ trương này. Ông Chiêu chia sẻ, từ hộ kinh doanh đi lên thành DN, ông đã nhận được khá nhiều lợi ích.
“Là DN sẽ có thêm tư cách pháp nhân khi ký kết hợp đồng với các đối tác trong và ngoài nước, làm ăn bài bản, quy mô hơn, đối tác tin cậy hơn. Mặc dù là DN siêu nhỏ nhưng được hưởng lợi từ cơ chế chính sách của nhà nước rất nhiều như được hỗ trợ vốn sản xuất, mặt bằng, sản phẩm xuất khẩu có thuế suất bằng 0%...... Đặc biệt nhiều sản phẩm sơn mài đến nay đã xuất khẩu ra nước ngoài, một phần cũng nhờ sự chuyển đổi đó” – ông Chiêu nhấn mạnh.
Là điển hình trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất từ hộ lên DN, nhưng trong Hội Sơn mài Hạ Thái của ông Chiêu chỉ có hơn 10 DN, số còn lại hơn 100 hộ vẫn là sản xuất cá thể, nhỏ lẻ.
Ông Chiêu cho biết, hầu hết các hội viên của Hội đều mong muốn trở thành DN để có tư cách pháp nhân, để kinh doanh lớn hơn, bài bản hơn và có nhiều động lực để mở rộng quy mô, song, thực tế không phải cứ muốn là được.
Vị chủ DN tranh sơn mài nhớ lại, trước năm 2008, khi lĩnh vực sơn mài hưng thịnh, rất nhiều hộ kinh doanh chuyển đổi lên thành DN, nhiều DN thương mại bên ngoài đổ xô về xã để kinh doanh, giao dịch.
Lúc đó, có thể nói là thời kỳ phát nhất của làng nghề sơn mài ở Yên Thái. Thế nhưng, từ sau năm 2008 đến nay, khi thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng do biến động kinh tế thế giới, thị trường nội địa cũng đìu hiu, DN gặp khó khăn, không bán được hàng hóa, không trụ được, nhiều DN bắt đầu giải thể.
“Bởi vậy, để trở thành DN, trước hết lĩnh vực mà DN đó làm phải có “đất” phát triển” - ông Chiêu nêu quan điểm.
Theo ông Chiêu, nhiều hộ có quy mô quá nhỏ, công việc thất thường, không ổn định nên không thể lên DN được.
Vì vậy, vị này cho rằng, khuyến khích hộ kinh doanh thành DN cũng cần phải có cơ chế đặc thù riêng cho từng loại ngành nghề, không nên chung chung, bên cạnh đó cần lựa chọn hộ kinh doanh mạnh, những lĩnh vực trọng điểm để khuyến khích chuyển thành DN chứ không phải ai cũng lên DN hết. Và khi đã nâng tầm lên DN thì phải xứng đáng và sống được bằng nghề.
Bên cạnh đó, theo lý giải của nhiều hộ kinh doanh làng nghề, khi chuyển thành DN phải đối diện với hàng loạt các thủ tục như yêu cầu về kế toán, hệ thống sổ sách có đến 31 loại, rồi các loại hóa đơn, chứng từ… Trong khi đó, làm nhỏ kiểu hộ cá thể, tất cả những thủ tục rườm rà phức tạp đều không có, nhàn thân hơn nhiều.
Không nên sử dụng mệnh lệnh hành chính
Ông Đỗ Văn Bình, hộ sản xuất đồ thờ tại xã Duyên Thái, Thường Tín cho rằng, nếu chuyển đổi được lên DN thì đó là điều đáng mừng với ông. Vì DN có điều kiện mở rộng sản xuất, thị trường, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Nhưng bên cạnh đó, ông cũng lo lắng bởi thực tế nhiều hộ kinh doanh chưa có kiến thức, chưa rõ các thủ tục đóng thuế…
Vì từ trước tới nay là cơ sở sản xuất nhỏ lẻ nên ông rất ít khi để ý về thuế mà chỉ đóng theo mức khoán của địa phương. Mặt khác, ông cũng như nhiều hộ kinh doanh trong khu vực đang vướng mắc về mặt bằng.
“Chúng tôi muốn chuyển đổi thành DN với hy vọng được tiếp cận chính sách đất đai dễ dàng hơn để mở rộng nhà xưởng, quy mô, nhận được các ưu đãi về vốn... Song vẫn luôn nơm nớp lo rằng, không biết có trụ được không và còn nhiều thứ chi phí phát sinh khác rất phức tạp”, ông Bình cho biết.
Trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông Đỗ Hồng Quân – một Việt kiều đã và đang sinh sống, làm ăn tại châu Phi cho rằng, kinh nghiệm kinh doanh ở nơi đất khách, ông thấy tốt nhất nhà nước để người dân tự nguyện, chứ không nên gây áp lực. Khi họ đã có nguồn tài chính đủ mạnh sẽ tự chuyển đổi lên thành DN để đáp ứng nhu cầu của chính họ.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, tốt nhất nên dùng các đòn bẩy kinh tế hơn là mệnh lệnh hành chính. Cần tạo môi trường kinh doanh thông thoáng và phù hợp với quy mô và tính chất kinh doanh, để làm sao mỗi doanh nhân, hộ kinh doanh thấy được việc lớn lên thành DN có lợi hơn nhiều lần so với việc cứ nhỏ bé mãi, lúc đó họ sẽ tự chủ động lớn.
Được biết, để tạo điều kiện, khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành DN, Bộ Tài chính đang dự kiến trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định 51/2010/NĐ-CP, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP theo hướng 100% các DN, hộ kinh doanh sẽ sử dụng hóa đơn điện tử/hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.
Khi tất cả các DN, hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử/hóa đơn điện tử có mã thì các thủ tục về hóa đơn như hiện nay sẽ bị bãi bỏ.
Đơn cử, DN sẽ không phải gửi thông báo phát hành hóa đơn, không phải lập báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn, không phải gửi thông báo hủy, hỏng hóa đơn...
Nhiều ý kiến cho rằng, điều này khi được thực thi thì sẽ đóng góp rất nhiều cho việc khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN.