Giám sát quyền lực

Việt Thắng 11/07/2017 07:50

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đến nay đã gần 1 năm.

Trong 5 năm (trong đó có 4 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI), đã xử lý kỷ luật gần 1.400 tổ chức đảng và hơn 74.000 đảng viên ở các cấp.

Trong số bị kỷ luật có 82 tỉnh ủy viên và tương đương; hơn 1.500 huyện ủy viên và tương đương; gần 3.000 đảng viên bị kỷ luật bằng hình thức cách chức; hơn 8.700 bị khai trừ ra khỏi Đảng và hơn 4.300 cán bộ, đảng viên phải xử lý bằng pháp luật- theo Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính.

Kết quả trên bước đầu có tác động thúc đẩy đất nước vượt qua khó khăn, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế xã hội, củng cố niềm tin trong Đảng và nhân dân.

Đó cũng là căn cứ, cơ sở để Trung ương ban hành Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, tiếp tục chống suy thoái đạo đức, lối sống; chống tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết vì lợi ích nhóm để trục lợi; lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực.

Gần 1 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, nhiều vụ vi phạm đã được đưa ra ánh sáng. Mới đây nhất, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận những vi phạm, khuyết điểm của bà Hồ Thị Kim Thoa- Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Công thương là nghiêm trọng, đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng kỷ luật cảnh cáo bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai.

Công tác cán bộ là việc của Đảng, là then chốt của mọi then chốt, là vấn đề được đặt lên đầu tiên. Nhưng thời gian qua cái “chốt” đó đã phần nào bị lỏng.

Nhìn nhận rõ thực tế, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thẳng thắn đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật đối với một số cán bộ cấp cao được dư luận quần chúng nhân dân đánh giá cao.

Nói đi đôi với làm, cương quyết xử lý sai phạm và không có vùng cấm trong xử lý cán bộ đảng viên vi phạm, qua đó tạo được niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Nhưng điều đó cũng đặt ra dấu hỏi tại sao con voi vẫn chui lọt lỗ kim dù quy trình giới thiệu, bổ nhiệm cán bộ được cho là rất chặt chẽ, nghiêm túc? Việc “cả họ làm quan” hay những quyết định bổ nhiệm cán bộ một cách thần tốc khó có thể nói trong hai chữ “khách quan”, nhưng lại được cho là “đúng quy trình”. Quy trình không sai.

Cái sai là ở con người vận dụng quy trình đó. Đó chính là việc trao chức, trao quyền quá lớn nhưng không có cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) thẳng thắn chỉ ra xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay cần có cơ chế kiểm soát quyền lực, hoàn thiện thể chế để chống lại sự tha hóa trong cán bộ, đảng viên.

Theo đó, không tạo dựng được cơ chế kiểm soát quyền lực thì suy thoái đạo đức của cán bộ, đảng viên, hay “khuyết tật” trong Đảng sẽ không thể loại trừ.

Trong nhiều trường hợp vấn đề kiểm soát chưa đạt yêu cầu, khi vỡ lở, báo chí phát hiện thì cơ quan chức năng mới vào cuộc. Kiểm soát phải được xem là vấn đề rất lớn bởi quyền lực nếu được sử dụng đúng sẽ có sức mạnh to lớn.

Nhưng quyền lực được giao mà thiếu kiểm soát sẽ dẫn đến lạm quyền, lộng quyền, từ đó sẽ đưa tới nhiều hệ lụy khó lường.

Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Túc- Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam thì phải kiểm soát quyền lực bằng giám sát để những người có chức, quyền thấy rằng quyền càng cao, thì trách nhiệm của họ càng lớn và vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.

Đặc biệt cần bổ sung thêm một quy trình rất quan trọng đó là phải lấy ý kiến của nhân dân nơi cư trú trước khi bổ nhiệm. Nhưng việc lấy ý kiến của nhân dân phải thực chất chứ không được làm chiếu lệ cho xong.

Đại hội VI của Đảng đã nêu 4 nội dung cần đổi mới, đó là đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế; đổi mới tổ chức; đổi mới đội ngũ cán bộ; đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác.

Vấn đề “đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác” đến Đại hội VII đã được điều chỉnh lại thành “đổi mới phương thức lãnh đạo và phong cách công tác”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn “chủ trương 1, nhưng biện pháp phải 10 và quyết tâm thực hiện phải 20 thì mới thành công”.

Chủ trương, biện pháp đã có, cái cần chính là quyết tâm trong hành động. Mà điều đó đòi hỏi từ sự nêu gương của người đứng đầu.

Công tác cán bộ là việc của Đảng, là then chốt của mọi then chốt, là vấn đề được đặt lên đầu tiên. Nhưng thời gian qua cái “chốt” đó đã phần nào bị lỏng. Nhìn nhận rõ thực tế, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thẳng thắn đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật đối với một số cán bộ cấp cao được dư luận quần chúng nhân dân đánh giá cao.

Việt Thắng