Cần Thơ: Nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững
Thực hiện nghị quyết của Thành ủy và chương trình hành động của UBND TP Cần Thơ về việc thực hiện chương trình quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Cần Thơ đã triển khai và nhân rộng nhiều mô hình giảm nghèo bền vững.
Trong đó, quan tâm hơn tới việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xóa nghèo trong nhóm dân tộc thiểu số, các nhóm dễ bị tổn thương với mục tiêu vì người nghèo…
Ảnh minh họa.
Theo Sở LĐTB&XH thành phố, đầu năm 2016, qua kết quả điều tra xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020, toàn thành phố có 16.165 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,12%; 8.357 hộ cận nghèo chiếm 2,64% số hộ.
Đến đầu năm 2017, TP Cần Thơ giảm còn 11.993 hộ nghèo, tỷ lệ 3,75%, hộ cận nghèo lại tăng lên 10.274 hộ, chiếm 3,21%. Thành phố dự kiến đến cuối năm 2017 giảm 1% tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2,75%.
Cụ thể giai đoạn 2015 - 2017, các quận huyện, đoàn thể của thành phố đã xây dựng được 172 dự án, mô hình giảm nghèo trong đó có 42 dự án, mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm; 35 dự án mua bán nhỏ; 36 dự án trồng trọt; 31 dự án tiểu thủ công nghiệp; 11 dự án mô hình làm dịch vụ và 17 dự án mô hình kết hợp.
Có 2.397 hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia với tổng kinh phí thực hiện trên 25,3 tỷ đồng, trong đó vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội trên 17,8 tỷ đồng, vốn vận động từ cộng đồng trên 1,4 tỷ đồng và vốn vay của hộ gia đình trên 6 tỷ đồng. Các dự án, mô hình này đã tạo việc làm cho 3.311 lao động.
Điển hình trong việc thực hiện các dự án, mô hình như huyện Cờ Đỏ đã triển khai xây dựng 7 dự án, mô hình giảm nghèo, gồm nuôi bò, nuôi heo thịt, heo sinh sản; tổ phun xịt thuốc, trồng màu…
Có 42 hộ nghèo tham gia mô hình với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng qua đó đã có 20 hộ thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Điển hình là xã Trung Thạnh xây dựng mô hình trồng màu, được đánh giá là mô hình giảm nghèo hiệu quả.
Ngân hàng chính sách xã hội cho 8 hộ vay 240 triệu đồng nhờ đó thu nhập bình quân mỗi hộ khoảng 2 triệu đồng/1 tháng nên 8 hộ được co6gn nhận thoát nghèo.
Cũng ở Cờ Đỏ có mô hình nhiều người nghèo cùng nhau gom vốn đầu tư dụng cụ, phương tiện để xịt thuốc, xịt cỏ mướn cho thu nhập lên tới 300 ngàn đến 500 ngàn/ngày.
Tại quận Ô Môn, giai đoạn 2015 - 2017 cũng xây dựng được 8 dự án, mô hình giảm nghèo như: nuôi ếch, bò, dê, heo và nuôi gà,… 54 hộ nghèo, cận nghèo ở các phường Thới Hòa, Thới Long được hỗ trợ vay vốn 800 triệu đồng tham gia các mô hình nuôi ếch, bò, heo, dê,… cũng đã được công nhận thoát nghèo.
Ông Nguyễn Thanh Vững- Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết: Năm 2017, UBND thành phố đề ra kế hoạch giảm tỷ lệ hộ nghèo khoảng 1% để đến năm 2020 Cần Thơ chỉ còn khoảng 0,25% hộ nghèo.
Để thực hiện được lộ trình này, thời gian qua Cần Thơ tích cực triển khai, nhân rộng các mô hình dự án giảm nghèo bền vững.
Đến nay, Cần Thơ đã xây dựng được 172 mô hình dự án, mô hình giảm nghèo, đang tổ chức nhân rộng để cả hệ thống chính trị, cả cộng đồng cùng tham gia thực hiện.
Bên cạnh việc cả cộng đồng, cả hệ thống chính trị cùng tham gia vận động, thực hiện các mô hình, thành phố chú trọng nâng cao chất lượng công tác đào tạo, dạy nghề theo nhu cầu của thị trường và theo đúng tâm tư nguyện vọng của người dân.
Ông Vững chia sẻ thêm: Thời gian qua, UBND thành phố chỉ đạo sát sao ngành LĐTB&XH, các hội, đoàn thể triển khai, nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả tại các quận, huyện, đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ các hộ nghèo về vốn vay từ nguồn tín dụng ưu đãi để phát triển chăn nuôi, sản xuất, trồng trọt, mua bán nhỏ…hướng đến mục tiêu vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bà Trần Thị Xuân Mai- Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết: Ngành LĐTBXH thành lập nhóm hộ, tổ hợp tác để cùng giúp nhau hỗ trợ phát triển sản xuất ở cộng đồng dân cư cùng giúp nhau về giống, vốn, kỹ thuật,… qua đó cùng hợp tác, giúp nhau trong sản xuất, đời sống.
Để việc giảm nghèo bền vững, căn cơ hơn, ông Lê Văn Tâm- Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ đề nghị ngành LĐTB&XH và người dân TP Cần Thơ cần đổi mới tư duy và phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều; tích cực thay đổi tư duy sản xuất, sản xuất sản phẩm chất lượng cao tạo ra giá trị gia tăng đồng thờ chú ý xây dựng thương hiệu cho sản phẩm; Chú trọng chuyển giao và ứng dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng thực hiện các mô hình hiệu quả…
Ông Huỳnh Cao Minh- Phó Chủ tịch UBND xã Thới Xuân huyện Cờ Đỏ: Cần thường xuyên kiểm tra các mô hình, dự án giảm nghèo Hàng năm UBND xã triển khai cho các ấp, khảo sát nhu cầu tham gia các tổ, nhóm, mô hình làm ăn có hiệu quả như nuôi bò, nuôi dê, nuôi lươn, từ đó mời các nhà khoa học, các chuyên gia tập huấn cho cán bộ và người dân cách thực hiện mô hình. Chính quyền tranh thủ tìm các nguồn vốn vay hỗ trợ cho người dân vay. Ngoài ra Ban chỉ đạo giảm nghèo của xã còn phân công các cán bộ xuống tận hộ dân để nắm nhu cầu của người dân từ đó có chính sách phù hợp đáp ứng nguyện vọng của người dân. Chủ động phối hợp với ngành chức năng, ngăn ngừa tới mức thấp nhất phòng chống dịch bệnh. Tìm kiếm nơi bao tiêu sản phẩm để người dân an tâm sản xuất và làm ăn… Ông Nhâm Thanh Hùng, ấp Thới Thuận, xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ: Cần tăng nguồn vốn vay cho nông dân Trước đây là hộ nghèo, từ năm 2015 nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay 40 triệu của ngân hàng chính sách xã hội, cộng với sự kiên trì làm ăn phát triển kinh tế nên đến cuối năm 2016, gia đình tôi được công nhận đã thoát nghèo.Tuy nhiên, phần lớn nhiều hộ nghèo muốn làm ăn phát triển kinh tế nhưng thiếu vốn để làm. Vì vậy, chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa, tạo điều kiện người dân tiếp cận nguồn vốn, triển khai các mô hình làm ăn hiệu quả. Đặc biệt tìm đầu ra ổn định để người dân chí thú làm ăn. |