Thỏa thuận ngầm Riyadh bị hé lộ, khủng hoảng Vùng Vịnh càng trầm trọng

11/07/2017 19:10

Tài liệu tối mật mà kênh CNN của Mỹ công bố hôm 11/7 liên quan tới thỏa thuận ngầm giữa Qatar và các nước Arab láng giềng trong năm 2013 và 2014 đã hé lộ sự phức tạp trong mối quan hệ giữa các nước này, và có thể khiến khủng hoảng Vùng Vịnh tăng nhiệt.

Thỏa thuận Riyadh giữa các nước Vùng Vịnh được viết bằng tay. (Nguồn: CNN).

Theo tài liệu mật mà CNN công bố có tên “Thỏa thuận Riyadh”, Qatar từng ký một loạt thỏa thuận ngầm với các nước láng giềng vùng Vịnh trong năm 2013 và 2014, trong đó nước này cam kết không ủng hộ các nhóm thù địch và đối lập ở các nước láng giềng, cũng như ở Ai Cập và Yemen.

Sự tồn tại của các thỏa thuận này đã được biết đến, nhưng cả nội dung lẫn tài liệu liên quan tới chúng đều được giữ kín do tính chất nhạy cảm, và bởi thực tế rằng các thỏa thuận đều được ký kết riêng giữa các vị lãnh đạo các nước này.

Thời gian gần đây, các nước Vùng Vịnh từng cáo buộc Qatar không tuân thủ 2 thỏa thuận, điều lý giải nguyên nhân gây nên cuộc khủng hoảng ngoại giao tồi tệ nhất ở Trung Đông trong suốt nhiều thập kỷ qua. Đáng chú ý, trong số 6 nguyên tắc mà các nước Vùng Vịnh đưa ra với Qatar để hàn gắn quan trong tuần trước, việc cam kết các thỏa thuận ngầm này cũng là một trong số đó.

Nội dung thỏa thuận ngầm

Thỏa thuận đầu tiên giữa các nước này - được viết tay và ghi ngày 23/11/2013 - do Quốc vương Arab Saudi, Quốc vương Qatar và Quốc vương Kuwait ký kết. Nó đặt ra cam kết tránh can thiệp vào chuyện nội bộ của các nước Vùng Vịnh, trong đó bao gồm ủng hộ tài chính hay chính trị đối với các tổ chức chống đối chính phủ.

Thỏa thuận này, còn gọi là “Thỏa thuận Riyadh”, đặc biệt ngăn cấm việc hậu thuẫn phong trào Anh em Hồi giáo (MB), tổ chức mà các nước Vùng Vịnh từng liên tiếp cáo buộc Qatar có hậu thuẫn, cũng như ngừng ủng hộ các tổ chức đối lập ở Yemen có thể đe dọa các nước trong khu vực.

Trước đó, để giải thích cho hành động cấm vận Qatar của mình, các nước gồm Arab Saudi, Ai Cập, Bahrain, UAE và Yemen đã cáo buộc rằng nước này hỗ trợ khủng bố trong đó có Hezbollah và tổ chức Anh em Hồi giáo.

Trong thỏa thuận bí mật đầu tiên, các quốc gia cũng cam kết không hỗ trợ “truyền thông đối kháng” dường như để ám chỉ Al Jazeera - kênh truyền hình có trụ sở tại Qatar và được chính phủ nước này tài trợ. Các quốc gia Vùng Vịnh đã cáo buộc Al Jazeera tuyên truyền cho các nhóm đối lập tại Ai Cập và Bahrain.

Thỏa thuận thứ hai được dán nhãn “Tối mật” và ghi ngày 16/11/2014, có chữ ký của Quốc vương Bahrain, Hoàng thái tử tiểu vương quốc Abu Dhabi và Thủ tướng UAE. Thỏa thuận này đặc biệt nhấn mạnh vào cam kết thúc đẩy sự ổn định của Ai Cập, trong đó gồm việc ngăn chặn Al-Jazeera ủng hộ các nhóm hoặc chính trị gia thách thức chính phủ Ai Cập.

Một tài liệu bổ sung cho thỏa thuận 2013 đã được ký bởi Ngoại trưởng các quốc gia bàn về việc thực thi các thỏa thuận này.

Phản ứng từ các bên sau trong cuộc

Sau khi được CNN đặt câu hỏi về các văn bản thỏa thuận này, một người phát ngôn của Qatar đã nói trong một tuyên bố rằng chính Arab Saudi và UAE là bên “đã phá vỡ tinh thần của thỏa thuận”.

“Yêu sách của họ - rằng Qatar phải đóng của Al-Jazeera, buộc nhiều gia đình ly tán, và chi “tiền bồi thường” - là những yêu cầu không có liên quan gì tới Thỏa thuận Riyadh” - ông Sheikh Saif Bin Ahmed Al-Thani, Giám đốc văn phòng truyền thông của chính phủ Qatar, khẳng định - “Thêm nữa, Arab Saudi và UAE cũng chưa từng sử dụng cơ chế này để nêu mối quan ngại của họ với Qatar”.

Ông al-Thani nói rằng yêu sách mà các nước láng giềng đưa cho Qatar “là đòn công kích chưa từng có tiền lệ nhằm vào chủ quyền” của họ.

Sau khi CNN công bố tài liệu mật, nhóm “Bộ tứ” gồm Arab Saudi, UAE, Bahrain và Ai Cập cũng đưa ra một tuyên bố chung nói rằng các tài liệu trên “đã xác nhận về sự thất bại của Qatar trong việc thực hiện các cam kết và sự vi phạm cam kết của họ”.

“4 quốc gia nhấn mạnh rằng 13 yêu cầu gửi tới chính phủ Qatar là nhằm yêu cầu họ thực hiện các cam kết trước đó và các yêu cầu này ban đầu đã được nêu trong Thỏa thuận Riyadh” - Tuyên bố do nhóm Bộ tứ đưa ra nêu rõ.

Trong khi đó, Qatar phản ứng bằng một tuyên bố từ ông Al-Thani, nói rằng các yêu sách mà nhóm Bộ tứ đưa ra hồi tháng trước “không có liên quan gì tới Thỏa thuận Riyadh”.

Các tài liệu mật mới được công bố đã hé lộ phần nào mối căng thẳng dài kỳ giữa các nước thành viên của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC). Tháng 3-2014, Arab Saudi, UAE và Bahrain từng triệu hồi các đại sứ của họ ở Qatar về nước sau khi cáo buộc Qatar không thực hiện cam kết của mình.