Phiến quân IS dạt về đâu sau khi thất thủ ở Mosul?
Sau khi quân đội Iraq tuyên bố chiến thắng tại Mosul – nơi từng được coi là thành trì của IS trên lãnh thổ nước này – thì tàn dư của đội quân khủng bố dưới quyền của kẻ đầu sỏ Abu Bakr al-Baghdadi đã bị đẩy ra các vùng sa mạc khô cằn và nhiều khu vực khác.
Chiến thắng ở Mosul không có nghĩa rằng phiến quân IS đã bị tiêu diệt hoàn toàn (Nguồn: AP).
Sau gần 9 tháng thực hiện chiến dịch tái chiếm Mosul, các lực lượng vũ trang Iraq cuối cùng đã giành lại được tầm kiểm soát cả 2 rìa của con sông Tigris, và Thủ tướng Haider al-Abadi đã tuyên bố chiến thắng trước IS tại thành phố lớn thứ hai của Iraq này.
Tại thành phố Raqqa của Syria, một lực lượng nổi dậy được hậu thuẫn bởi Mỹ cũng đã đẩy lùi IS, dồn ép chúng vào một vùng lãnh thổ nhỏ hẹp. Hàng loạt đợt không kích vẫn dội xuống các nguồn lực chính của IS – đặc biệt là dầu mỏ - và các thủ lĩnh của tổ chức này, khiến cho IS đã suy yếu đi rất nhiều.
Tuy nhiên, tổ chức phiến quân này đã lên kế hoạch sẵn cho ngày này. Chúng đã bắt đầu tăng cường quân lực cho Mosul trước chiến dịch tái chiếm của quân đội Iraq ngay khi chiếm thành phố này vào tháng 6-2014. Bằng chứng là IS đã tổ chức một phong trào ngầm, thiết lập nhiều chi nhánh trên khắp Iraq và sẽ cố gắng tồn tại trong thời điểm khó khăn nhất.
Cuộc chiến còn tiếp diễn
Trước khi bị tiêu diệt trong một vụ không kích hồi năm ngoái, người phát ngôn của IS Abu Mohammed al-Admani từng nói về khả năng chúng bị thất thủ ở Mosusl và Raqqa, nhưng tuyên bố rằng dù điều đó có xảy ra cũng không có nghĩa là tổ chức này đã chấm dứt.
“Không: Thất bại chính là việc để mất ý chí và khát vọng chiến đấu” – al-Admani từng nói.
Dù lãnh thổ mà IS chiếm được có thể thu nhỏ, và tất cả các cơ quan nội bộ của chúng bị sụp đổ, thì thứ vẫn còn tồn tịa là tư tưởng hệ độc hại mà chúng từng reo rắc. Đối với những người từng phải sống dưới ách cai trị của IS thì chỉ có những ký ức khủng khiếp ám ảnh họ, nhưng đối với một số người hồi giáo dòng Sunni ở Iraq và Syria thì cuộc chiến này vẫn còn tiếp diễn.
Kể từ khi mới thành lập, IS đã chuẩn bị sẵn cho “tương lai của Nhà nước Caliphate” của chúng, với khẩu hiệu luôn là “Tồn tại và mở rộng”.
Chiến lược mới của IS
IS trong khoảng thời gian hoành hành đã tìm cách reo tầm ảnh hưởng sâu đến tận gốc rễ ở nhiều khu vực có người Sunni sinh sống ở Iraq. Trong thập kỷ qua, tổ chức này đã phát triển nhiều mạng lưới chuyên huy động nguồn vốn, vũ khí và các tổ chức bí mật trên vùng lãnh thổ rộng lớn của Iraq – từ Diyala cho tới biên giới Jordan.
Hàng loạt cuộc không kích từ phía liên quân Mỹ dẫn đầu đã khiến cho IS thay đổi chiến lược, phòng thủ ở một số thành phố như Fallujah và Baiji. Tổ chức này liên tục cho thấy chúng có đủ khả năng để vượt qua hàng rào an ninh ở thủ đô Baghdad để thực hiện các vụ đánh bom tự sát, và đôi lúc thực hiện các vụ tấn công chớp nhoáng.
Và trong lúc IS dần mất đi sức mạnh của mình, một số tay súng của tổ chức này có thể quay sang đầu quân cho các nhóm phiến quân khác. Ở Syria, các tổ chức này bao gồm một chi nhánh cũ của al-Qaeda, nhóm Jabhat Fateh Al-Sham. Ở Iraq thì lựa chọn cho những tay súng của IS hạn chế hơn bởi chúng từng muốn tiêu diệt tất cả các phe phái đối lập trong khu vực.
Khi các tay súng trở về nước
Tầm ảnh hưởng của IS suy giảm cũng tạo cơ hội cho al-Qaeda ở Iraq, Syria và nhiều nơi khác. Chuyên gia về chủ nghĩa khủng bố, Bruce Hoffman, cho rằng một số kẻ phiến quân sẽ xem al-Qaeda như lựa chọn duy nhất của chúng để được tiếp tục chiến đấu, thêm vào đó, IS cũng bắt nguồn từ một chi nhánh của al-Qaeda ở Iraq (AQI).
Hiện nay khó có thể ước tính được còn bao nhiêu chiến binh nước ngoài đang ở trong khu vực. Nhưng tổn thất về quân số của IS ở Mosul, Raqqa và Palmyra (Syria) mới đây cho thấy chỉ còn khoảng 15.000 chiến binh vào cuối năm 2016.
Vấn đề đáng quan ngại nhất đối với các nước phương Tây chính là việc các chiến binh nước ngoài này, sau sự sụp đổ của IS, có thể trở về nước để thực hiện các vụ tấn công khủng bố kiểu “sói đơn độc”, đồng thời tuyển mộ thêm các thành viên mới để khôi phục lại mạng lưới ngầm.
Như một ví dụ rõ ràng nhất, hiện nay trong lúc dòng người di cư đổ tới chây Âu từ biển Địa Trung Hải đã giảm mạnh, thì dòng người đến châu Âu thông qua tuyến đường Libya (nơi mà IS hiện diện) tăng mạnh. Dòng người di cư đến Italy trong nửa đầu năm nay đã đạt 85.000 người, tăng gần 20% so với nửa đầu năm 2016.
Thêm vào đó, chính quyền các nước châu Âu không thể nắm được số lượng các thành viên IS có thể đã trở về châu lục này.
Sự mở rộng của các chi nhánh IS
Thay vì chấp nhận nhiều rủi ro để trở về nước, một số thành viên của IS có thể cố gắng tìm đến các vùng mà phiến quân kiểm soát khác. Có nhiều chứng cứ cho thấy hàng trăm tay súng của IS đã đổ tới các tỉnh mà chúng đang kiểm soát trong khu vực, đặc biệt là ở Libya – nơi được coi là vị trí thực hiện “Kế hoạch B” của nhóm phiến quân này.
Xét trên nhiều khu vực khác của thế giới, từ vùng Bắc Caucasus của Nga cho tới Nigeria, có nhiều nhóm phiến quân đã vứt bỏ lá cờ của chúng để thay thế bằng lá cờ của IS trong vòng 3 năm trở lại đây. Các nhóm này đôi lúc chỉ gồm vài chục tay súng cố thủ trong các dãy núi hoặc rừng rậm, một số nhóm lại sở hữu vũ khí hiện đại và có nguồn tiền đầy đủ…và tất cả đều có mối quan hệ mật thiết với văn phòng đầu não của IS.
Đáng ngịa nhất là một số tổ chức phiến quân nổi dậy có khả năng tấn công để gây ra tổn thất lớn cho quân đội một nước, như chi nhánh của IS tại bán đảo Sinai của Ai Cập.
Một số tay súng của IS đang ở Iraq và Syria có thể sẽ gia nhập vào chi nhánh ở bán đảo Sinai hoặc tới Afghanistan, giống như các chiến binh của al-Qaeda từng di chuyển tới Iraq và Yemen thời kỳ hậu 11/9. Chúng sẽ cố gắng tận dụng các tuyến đường di cư và cố gắng đi một mình để tránh sự chú ý.
Cần kế hoạch tái thiết hậu chiến sự
Việc IS có tiếp tục tồn tại theo dạng khác hay có một tổ chức nào khác vực dậy từ đống tro tàn của nó, sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào các diễn biến ở các vùng lãnh thổ mà chúng từng kiểm soát. Điều đó cũng phụ thuộc vào việc người dân Iraq sẽ xử lý tình hình “hậu xung đột” ra sao, và liệu thỏa thuận hòa bình ở Syria có được các bên thông qua hay không.
IS từng cho thấy khả năng tận dụng căng thẳng sắc tộc và khủng bố các cộng đồng người dân để gia tăng tầm ảnh hưởng. Hiện nay phương thức đó vẫn được IS áp dụng ở tỉnh Diyala của Iraq, cách Mosul không xa. Bởi vậy, việc cần thiết trước mắt chính là phải xóa tan căng thẳng sắc tộc ở một số khu vực mà IS từng chiếm đóng, đồng thời khởi động công cuộc tái thiết.
Hiện nay, lá cờ của IS đã bị hạ xuống ở 2 thành trì của chúng là Raqqa và Mosul, cùng nhiều nơi khác. Nhưng chính quyền các nước Syria và Iraq không thể coi nhẹ khả năng reo rắc nỗi kinh hoàng, lợi dụng những nơi mà chính quyền không với tới và lợi dụng căng thẳng sắc tộc…vốn đã được chúng thể hiện rõ trong khoảng thời gian còn đang hoành hành.