Môi trường kinh doanh: Vẫn loay hoay cải thiện
Hơn 61.000 doan nghiệp (DN) thành lập mới và 15.000 DN quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2017, giới chuyên gia kinh tế đánh giá đây là một tín hiệu tốt từ quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ. Tuy nhiên, nếu nhìn vào con số DN phải tạm ngừng kinh doanh và tuyên bố phá sản, vẫn còn nhiều điều đáng trăn trở…
Kinh tế phát triển hay không phụ thuộc chính vào khu vực kinh tế tư nhân.
Sinh nhiều, “tử” cũng lắm
Số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, cả nước có thêm 61.276 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 596.196 tỷ đồng, tăng 12,4% về số DN và tăng 39,4% về số vốn đăng ký. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt 9,7 tỷ đồng, tăng 24,3%. Nếu tính cả số DN phục hồi hoạt động, thì tổng số DN thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động của cả nước là 76.655 DN, trong đó có 61.276 DN thành lập mới và 15.379 DN quay trở lại hoạt động.
Những con số nói trên cho thấy, sự nỗ lực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ đang bộc lộ những hiệu quả tốt, có tính chất lan tỏa, tạo động lực cho cộng đồng DN yên tâm làm ăn sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, nếu nhìn vào con số 15.000 DN phục hồi trong 6 tháng đầu năm 2017 so với 70.000 DN ngừng hoạt động trong năm 2016 thì số ngừng hoạt động năm nay vẫn cao hơn số phục hồi rất nhiều.
Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, đây là điều rất đáng phải xem xét. “Thông thường chúng ta chỉ khen về con số mới thành lập và con số mới phục hồi, nhưng không tính trừ đi số DN đã rút ra khỏi thương trường là rất lớn” – bà Lan nhận định và nhấn mạnh: “Số rút ra này mới tạo ra tăng trưởng thực cho nền kinh tế”. Theo vị chuyên gia này, chỉ cần lắng nghe tâm tư của các doanh nhân, cộng đồng DN nhỏ và vừa, có thể hiểu rõ họ đang cảm nhận thế nào về môi trường kinh doanh hiện nay.
Sự thật là hiện nhiều DN vẫn còn rất kêu về các rào cản, thủ tục hành chính, về những chi phí ngầm, rồi việc tiếp các đoàn thanh tra… Đó mới chính là những điểm khiến cho nhiều DN vừa mới manh nha khởi nghiệp đã bị dập tắt ngay. Theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, hơn lúc nào hết, khu vực kinh tế tư nhân phải được coi trọng vì những đóng góp của khu vực này cho nền kinh tế không phải là nhỏ. Đặc biệt là về các lĩnh vực công ăn việc làm, những sản phẩm phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của người dân… Do đó, đây mới chính là khu vực DN cần phải được quan tâm nhất.
Cải thiện mãi chưa xong
Không phủ nhận, gần đây Chính phủ đã quan tâm hơn tới khu vực kinh tế tư nhân và ngày càng có nhiều động thái nhằm tạo lực đẩy cho khu vực kinh tế này phát triển. Gần đây nhất phải kể đến mục tiêu thúc đẩy hộ kinh doanh nhỏ lẻ chuyển đổi thành DN để hướng đến năm 2020, cả nước có 1 triệu DN. Tuy nhiên, nhìn nhận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, các chủ hộ kinh doanh vẫn luôn than phiền những yêu cầu hiện nay quá phức tạp, rắc rối khiến họ không muốn lớn lên. Bản thân các DN nhỏ và vừa cũng vẫn luôn “kêu” về các rào cản thủ tục hành chính, chi phí ngầm cũng còn đang ngáng đường làm ăn của họ.
“Điều này cho thấy, những con số về cải thiện môi trường kinh doanh, con số DN thành lập mới lên đến hàng chục ngàn vẫn chưa chứng tỏ được gì, kinh tế tư nhân vẫn không phát triển bao nhiêu” – TS Lê Đăng Doanh nhận định. Đồng quan điểm với ông Doanh, bà Phạm Chi Lan nêu quan điểm, cần phải coi khu vực kinh tế tư nhân là động lực kinh tế chính, về lâu dài, nền kinh tế Việt Nam phải dựa vào khối DN tư nhân và DN nhỏ và vừa. Theo bà Lan, 4,6 triệu hộ kinh doanh hiện nay chính là đối tượng mà Chính phủ đang nhắm tới để khuyến khích họ trở thành DN chính thức trong tương lai. “Nhưng liệu họ có thể trở thành DN chính thức hay không lại cần một loạt các nền tảng về thể chế, chính sách hỗ trợ cho họ để thực sự khuyến khích họ chứ không phải sử dụng những biện pháp ép buộc để ép họ chuyển đổi” – bà Lan nhấn mạnh.
Đối với khu vực DN Nhà nước, bà Lan không phủ nhận vai trò của khối này, bởi DN Nhà nước đang sở hữu nguồn lực lớn của đất nước, chỉ cần cải thiện một phần cũng có thể làm nền kinh tế “bật lên” rất nhanh. Phân tích rõ hơn, bà Lan cho hay, tài sản của khối DNNhà nước hiện ở mức 300 tỷ USD, DN tư nhân khoảng 200 tỷ USD. Nếu 300 tỷ USD tăng 1% thì đã có thêm 3 tỷ USD cho nền kinh tế, còn khối tư nhân tăng 1% thì có thêm 2 tỷ USD. “Như vậy, khối DNNN vẫn đang nắm giữ tài sản rất lớn, nếu khối DN tư nhân muốn cải thiện mà khu vực DNNN vẫn “trây ỳ” thì nền kinh tế sẽ chỉ có được phần nhỏ nhoi 2 tỷ USD của khối DN tư nhân” – bà Lan nhận định.
Chính vì vậy, theo vị chuyên gia kinh tế này, việc quan trọng nhất hiện nay là thực hiện các cam kết Chính phủ đã có mà Thủ tướng rất tâm huyết từ Nghị quyết 19 đến Nghị quyết 35 để gỡ khó và tạo điều kiện cho DN phát triển, đặc biệt là khu vực DN nhỏ và vừa. Các nước trên thế giới thì tìm mọi cách để tạo thuận lợi cho sự phát triển của DN, trong khi Việt Nam vẫn loay hoay gỡ khó, cải thiện môi trường kinh doanh cho DN.